Vào tháng 5/2023, khi nhiệt độ bình quân ngoài trời tại Singapore lên đến 38 độ C, anh Chee Kuan Chew đã quyết định hủy mọi kế hoạch đi chơi để ở nhà tận hưởng điều hòa.
“Bạn chẳng thể sống thiếu điều hòa ở Singapore với mức nhiệt độ như thế này”, anh Chee cho biết.
Câu chuyện của anh Chee chẳng có gì lạ ở Singapore khi quốc gia này là một trong những nước sử dụng điều hòa nhiều nhất thế giới, đồng thời đứng đầu khu vực Đông Nam Á về tỷ lệ điều hòa bình quân đầu người.
Với thời tiết nóng ẩm quanh năm, điều hòa đã trở thành một lẽ sống ở Singapore. Bất kỳ văn phòng, trung tâm thương mại hay nhà ở nào ở Singapore cũng buộc phải lắp điều hòa. Hơn 99% số chung cư tại Singapore có lắp điều hòa và phần lớn các khu nhà công cũng vậy.
Thậm chí cố Thủ tướng Lý Quang Diệu (Lee Kuan Yew) đã từng ca ngợi điều hòa là “phát minh vĩ đại nhất của thế kỷ 20” khi góp phần giúp Singapore chuyển mình từ một hòn đảo thuộc địa của Anh trở thành một trong những trung tâm tài chính của thế giới.
Thế nhưng, tình yêu điều hòa của người Singapore cũng đi kèm với những hậu quả.
Việc lạm dụng thiết bị này khiến Singapore ngày một nóng hơn, qua đó khiến người dân dùng điều hòa nhiều hơn và tạo thành vòng lặp luẩn quẩn.
Cái bẫy điều hòa
Hãng tin CNN cho biết ngoài khí thải nhà kính từ phương tiện giao thông và trong nông nghiệp thì những chiếc điều hòa cũng là một trong những thủ phạm chính khiến nhiệt độ toàn cầu nóng lên. Việc lạm dụng thiết bị này vô hình chung đang đẩy nhiều quốc gia vào cái bẫy vòng lặp không thể tách rời điều hòa.
Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) ước tính nếu tiếp tục lạm dụng điều hòa như hiện nay thì cái bẫy này sẽ khiến nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng thêm 0,5 độ C vào cuối thế kỷ này, chưa tính những yếu tố làm tăng nhiệt độ trái đất khác.
Phần lớn các máy điều hòa hiện nay dùng một chất làm mát gọi là Hydrofluorocarbons (HFC), vốn là một loại khí nhà kính có hại cho môi trường. Ngoài ra thiết bị này cũng sử dụng quá nhiều điện năng, loại năng lượng hầu hết được tạo ra nhờ nhiệt điện từ đốt chát nhiên liệu hóa thạch.
Báo cáo của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) cho thấy điều hòa và quạt điện hiện chiếm khoảng 10% tổng lượng điện tiêu thụ toàn cầu.
Để so sánh tổng thể thì Singapore với 5,4 triệu dân và diện tích lãnh thổ còn chưa bằng phần nhỏ của thành phố New York, đóng góp chẳng đáng bao nhiêu về HFC hay lượng sử dụng điện năng so với các quốc gia như Nhật Bản hay Mỹ, những nước mà 90% hộ gia đình có dùng điều hòa.
Tuy nhiên điều này không có nghĩa là người Singapore không phải gánh chịu hậu quả từ việc lạm dụng điều hòa. Số liệu của chính phủ nước này năm 2019 cho thấy nhiệt độ bình quân nơi đây đã tăng nhanh gấp đôi so với trung bình toàn thế giới trong suốt 60 năm qua. Thậm chí các quan chức còn cảnh báo nhiệt độ ban ngày của Singapore có thể lên đến 37 độ C và trở thành mức nhiệt bình thường mới vào năm 2100.
Đô thị hóa
Theo CNN, bên cạnh điều hòa thì việc đô thị hóa quá nhanh cũng khiến quốc gia này nóng dần lên. Sự chen chúc của các tòa nhà cao tầng, đường xá, xe cộ khiến Singapore nóng hơn nhiều so với những quốc gia láng giềng, đặc biệt là về đêm khi cuộc sống trở nên náo nhiệt hơn do mọi người đổ ra đường sau ngày dài trốn trong nhà tránh nóng.
Nghiên cứu của Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (USEPA) cho thấy chính nguồn nhiệt từ cục nóng điều hòa, rồi những chiếc xe hơi hay nhà máy tại Singapore đã khiến tình hình nhiệt độ tại quốc gia này ngày một tệ hơn.
Giáo sư Matthias Roth của trường đại học quốc gia Singapore thì ước tính những nguồn nhiệt bị lãng phí từ điều hòa, xe cộ trên khiến môi trường tăng thêm khoảng 1-2 độ C và là nguyên nhân chính khiến mọi người cảm thấy nóng hơn, qua đó dùng điều hòa nhiều hơn.
Nhận thức được tình hình, chính phủ Singapore đã có nhiều động thái như cấm các thiết bị làm lạnh có nguy cơ cao khiến trái đất nóng lên (GWP) kể từ tháng 10/2022, đồng thời khuyến khích người dân dùng quạt thay vì điều hòa nếu có thể.
Tuy nhiên, với thói quen nghiện điều hòa suốt hàng chục năm qua, tràn làn khắp các khu văn phòng, trung tâm thương mại, thậm chí trên phương tiện giao thông ở Singapore thì các lệnh cấm có lẽ chưa có tác dụng nhiều nếu không đi kèm những chế tài nghiêm khắc.
Xin được nhắc là nhiệt độ nóng bức ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, năng suất lao động và thậm chí là sự ổn định xã hội khi người dân có xu hướng bốc đồng hơn khi chịu nóng.
*Nguồn: CNN