Những năm 1990 là khoảng thời gian thú vị đối với ngành công nghiệp ô tô, đặc biệt là phân khúc siêu xe. Các nhà sản xuất nhỏ và lớn nhảy vào cuộc để chế tạo những cỗ máy hiệu suất cao cho riêng họ.
Chiếc McLaren F1 mang tính biểu tượng là ví dụ điển hình nhất để xác định kỷ nguyên huy hoàng của thập niên 1990. Cũng trong kỷ nguyên này, thế giới ô tô còn có nhiều mảnh chuyện thú vị và đáng kể khác. Một trong số đó là Bugatti EB 110 - siêu xe huyền thoại nhưng cũng là thảm hoạ tài chính khiến công ty bị phá sản.
"Đánh thức" thương hiệu từ "giấc ngủ đông"
Nhà thiết kế và sản xuất ô tô người Italy Ettore Bugatti thành lập công ty mang tên mình vào năm 1909 tại thành phố Molsheim của Đức khi đó. Bugatti đã trở thành một trong những thương hiệu nổi tiếng nhất, được biết đến với những chiếc xe đua thành công và xe đường trường tuyệt đẹp.
Tuy nhiên, khi Ettore Bugatti qua đời vào năm 1947 ở tuổi 66, công ty bắt đầu gặp khó khăn, đến mức rơi vào cảnh phá sản năm 1959. Sau nhiều nỗ lực hồi sinh thương hiệu vào những năm 1960 và 1970, doanh nhân người Italy Romano Artioli đã mua lại Bugatti vào năm 1987.
Rất ít người biết đến việc Romano Artioli để mắt đến Bugatti kể từ khi công ty đóng cửa vào năm 1952.
Để đưa công ty "trở về từ cõi chết", Romano Artioli đã hợp tác với cựu kỹ sư kiêm nhà thiết kế của Lamborghini là Paolo Stanzani và giáo sư, nhà sử học người Pháp Jean-Marc Borel. Doanh nhân này cũng thuê các kỹ sư và nhân viên từ Maserati, Ferrari và Lamborghini, đồng thời xây dựng một chiếc xe hiện đại ở Campogalliano (Modena, Italy). Những hành động này là sự khởi đầu cho một chương mới nhưng ngắn ngủi trong lịch sử của Bugatti.
Sự ra đời của siêu xe hàng đầu trong ngành
Romano Artioli đã tìm cách đưa Bugatti đến Italy thông qua việc xây dựng nhà máy gần với nhà máy của Ferrai và Lamborghini. Nhà máy chế tạo được xây dựng song thì đội ngũ toàn ngôi sao đã bắt tay vào chế tạo siêu xe hàng đầu thế giới - thiết kế có đủ tầm cỡ để cạnh tranh với những đối thủ sừng sỏ như Ferrari F40/F50 và Lamborghini Diablo.
Nhóm nhà thiết kế và kỹ sư được giao nhiệm vụ tạo ra EB 110 bao gồm các nhân sự Tiziano Benedetti, Achille Bevini và Oliviero Pedrazzi. Bộ 3 này là những người từng phát triển khung gầm và động cơ của chiếc Lamborghini Miura mang tính biểu tượng.
Quá trình phát triển EB 110 bắt đầu vào năm 1987 và các bản vẽ khung gầm ban đầu đã được gửi tới một số nhà thiết kế nổi tiếng nhất của thời đại đó (Paolo Martin, Giorgetto Giugiaro, Nuccio Bertone và Marcello Gandini). Bởi Romano Artioli muốn siêu xe Bugatti trở nên hấp dẫn hơn Ferrari.
Nhưng chủ tịch Bugatti không ấn tượng với ngôn ngữ thiết kế góc cạnh của Gandini, đồng thời không ủng hộ thiết kế khung nhôm tổ ong do Paolo Stanzani đề xuất. Do đó, Artioli đã giao nhiệm vụ cho Gianpaolo Benedini thực hiện các thay đổi theo yêu cầu.
Sau loạt công việc phát triển và thử nghiệm điên cuồng, EB 110 GT đã "ra lò" vào cuối năm 1991.
Kỳ quan công nghệ tưởng nhớ "tộc trưởng"
Romano Artioli đã tổ chức buổi ra mắt EB 110 hoành tráng vào ngày 15/9/1991 tại cả Versailles và trước Grande Arche de la Défense (gần Paris, Pháp) vào ngày sinh nhật thứ 110 của Ettore Bugatti. Trên thực tế, "EB" là chữ viết tắt từ tên của Ettore Bugatti và "110" tượng trưng cho sinh nhật lần thứ 110 của ông.
Cả về mặt cơ học lẫn tinh thần, EB 110 GT đều xứng đáng là siêu xe hàng đầu trong ngành. Thân xe cắt thấp tròn trịa do cả Marcello Gandini và Giampaolo Benedini "chấp bút" đã "che giấu" một số công nghệ tiên tiến đương thời, hiếm khi được ngành công nghiệp ô tô sử dụng.
Đó là thân xe liền khối bằng sợi carbon, khí động học chủ động, bộ tăng áp bốn (hai cụm mỗi xi-lanh) và hệ dẫn động bốn bánh để xử lý tốt hơn. Các yếu tố thiết kế của chiếc xe thể hiện sự tôn kính đối với những chiếc ô tô Bugatti đặc biệt trong quá khứ.
Kỳ quan công nghệ này được trang bị V-12 60 van, tăng áp kép, dung tích 3,5 lít tạo ra công suất 553 mã lực và mô-men xoắn 451 lb-ft. Xe được điều khiển bởi hộp số sàn 6 cấp, cho phép tăng tốc từ 0-96 km/h trong 3,26 giây, đạt tốc độ tối đa 335 km/h. Đây là con số siêu ấn tượng ngay cả theo tiêu chuẩn ngày nay.
Mẫu xe này còn được tay đua Công thức 1 huyền thoại Michael Schumacher yêu thích và mua chiếc EB 110 Super Sport màu vàng vào năm 1994, trở thành một trong những chiếc xe nổi tiếng nhất.
Gánh nặng tài chính kết thúc kỷ nguyên của thương hiệu
Xe đã được giới mộ điệu khen ngợi về hiệu suất vượt trội. Nhưng mức giá ngất ngưởng lại là vấn đến khác. Theo Slashgear, EB 110 có giá cơ bản là khoảng 200.000 USD khi ra mắt vào năm 1991. Còn phiên bản Super Sport có giá khởi điểm khoảng 240.000 USD.
Quá trình phát triển EB 110 tiêu tốn rất nhiều tiền, nhưng Romano Artioli hiểu rõ di sản của Bugatti. "Chúng tôi không thể chơi an toàn. Để tôn vinh Ettore Bugatti, chúng tôi chỉ cần vượt qua các ranh giới. Số lượng xe không quá quan trọng, mà là chất lượng và sự đổi mới. Trong toàn bộ dự án, tôi luôn tuân theo triết lý 'Không có gì quá đẹp, không có gì quá đắt' của Ettore", ông cho biết.
Thời kỳ khó khăn ập đến với công ty vào năm 1995 và do chủ tịch Artioli quá tham vọng mua Lotus Cars cùng với nhiệm vụ phát triển chiếc xe bán tải bốn cửa EB112. Một số yếu tố khác cũng góp phần vào sự sụp đổ của thương hiệu, nhưng rõ ràng rằng sự cống hiến cho chất lượng và ý chí tuân theo triết lý của Ettore cuối cùng đã dẫn đến sự phá sản của doanh nghiệp.
Bugatti chỉ sản xuất 128 chiếc EB 110 (trong đó 96 chiếc GT và 32 chiếc SS) cho đến khi đóng cửa nhà máy vào tháng 9/1995. Công ty đua xe Đức Dauer đã mua giấy phép EB 110 cũng như tất cả bộ phận còn lại vào năm 1997 và sản xuất thêm 5 chiếc xe nữa. Volkswagen đã mua Bugatti vào năm 1998 và mãi mãi thay đổi cục diện ô tô với Veyron và Chiron.
Vào năm 2019, Bugatti đã bày tỏ lòng kính trọng đối với EB 110 bằng Centodieci - chiếc Chiron với kiểu dáng cổ điển, động cơ W16 tăng áp kép 1.600 mã lực và mức giá cơ bản khổng lồ 9 triệu USD.
Theo LuxuryLanches, Slashgear