Theo Báo cáo, trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp có dấu hiệu phát triển nóng, để ổn định thị trường thời gian qua Bộ trưởng Bộ Tài chính liên tục chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc ngành Tài chính tăng cường thanh tra, giám sát, nhằm chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động phát hành và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp.
Bộ Tài chính cho biết, sau 1 năm triển khai các quy định mới về phát hành trái phiếu doanh nghiệp tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và các Nghị định hướng dẫn, Bộ Tài chính đã đánh giá, rà soát và xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/2020/NĐ - CP theo hướng tăng cường tính công khai, minh bạch, giảm thiểu các rủi ro phát sinh nhằm mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp bền vững.
Báo cáo của Bộ Tài chính cũng để cập đến một số chính sách mà Bộ đang đề xuất.
Cụ thể là Bộ Tài chính đề xuất thu hẹp quy định về mục đích phát hành trái phiếu nhằm hạn chế việc chuyển nhượng vốn lỏng vòng, gây thiếu minh bạch và khó khăn cho nhà đầu tư khi đánh giá rủi ro của trái phiếu và doanh nghiệp phát hành.
Hướng dẫn cụ thể về điều kiện phát hành và hồ sơ chào bán, trong đó có yêu cầu về tỷ lệ an toàn tài chính khi phát hành trái phiếu, tổ chức đại diện người sở hữu trái phiếu, ngân hàng quản lý tài khoản tiền thu được từ phát hành trái phiếu.
Quy định rõ loại trái phiếu nhà đầu tư cá nhân được mua và giao dịch nhằm định hướng nhà đầu tư cá nhân mua các trái phiếu doanh nghiệp có tính an toàn và công khai, minh bạch hơn.
Bổ sung các quy định để đẩy nhanh việc thiết lập thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại Sở giao dịch chứng khoán cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và bổ sung quy định về trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ nhằm chấn chỉnh các tổ chức cung cấp dịch vụ và nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp.
Nghị định đang được hoàn thiện để gửi Bộ Tư pháp thẩm định trình Chính phủ ban hành.
Bộ Tài chính cũng chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xây dựng Thông tư giao dịch trái phiếu riêng lẻ, rà soát để sửa đổi một số quy định tại Luật Chứng khoán.
Cụ thể sẽ sửa đổi khái niệm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ như tư vấn phát hành, đại lý, dấu thầu, bảo lãnh, đăng ký, lưu ký trái phiếu và đại diện người sở hữu trái phiếu.