Tại cuộc họp về chính sách tiền tệ, tài khóa chiều ngày 16/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ ngành thực hiện các giải pháp thu hẹp chênh lệch giá vàng miếng trong nước và quốc tế.
Giải pháp được lãnh đạo Chính phủ nhắc tới gồm tăng thanh tra, giám sát và xử lý nghiêm các sai phạm. Ngân hàng Nhà nước phải tiếp tục rà soát Nghị định 24/2012 về quản lý kinh doanh vàng.
Về hóa đơn điện tử trong giao dịch vàng, Thủ tướng yêu cầu đến ngày 15/6, doanh nghiệp không thực hiện hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế sẽ bị rút giấy phép.
Yêu cầu về hóa đơn điện tử được Chính phủ đưa ra nhiều lần, trong bối cảnh các giao dịch mua bán kim loại quý thường nhỏ lẻ, không đủ hóa đơn, chứng từ, thiếu minh bạch.
Theo Luật Quản lý thuế, các doanh nghiệp và hộ kinh doanh phải thực hiện hóa đơn điện tử từ ngày 1/7/2022. Thông tin từ đại diện Tổng cục Thuế cho biết, hiện 100% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vàng, bạc đã sử dụng hóa đơn này.
Tuy nhiên, thực tế các cơ sở kinh doanh tại nhiều địa phương bán nữ trang không có hóa đơn, người dân trả tiền mặt trực tiếp. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng nộp thuế theo hình thức khoán. Tình trạng này diễn ra trên diện rộng, gây thất thu thuế.
Vàng trong nước liên tục biến động thời gian qua do ảnh hưởng từ thế giới và nguồn cung hạn chế. Đỉnh điểm, ngày 10/5, kim loại quý vượt 92 triệu đồng một lượng - mức cao nhất từ trước đến nay.
Giá vàng chênh 16-17 triệu đồng, có thời điểm lên tới 20 triệu đồng một lượng. Để ổn định lại thị trường này, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tăng cung qua đấu thầu với khối lượng hợp lý và sửa Nghị định 24. Sau 7 phiên thầu được tổ chức trong gần một tháng qua, trong đó 3 phiên bị hủy, trên 27.000 lượng vàng miếng SJC được cơ quan quản lý tung ra thị trường.
Liên quan đến việc quản lý hóa đơn tại các cửa hàng kinh doanh vàng, trước đó, vào đầu tháng 5/2024, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cũng đã yêu cầu các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp chấp hành nghiêm chế độ hóa đơn khi mua bán vàng.
Theo đó, cơ quan này yêu cầu các đơn vị kinh doanh vàng phải thực hiện nghiêm chế độ hóa đơn, chứng từ theo quy định của Bộ Tài chính, đồng thời tuân thủ pháp luật về phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố. Các đơn vị này cũng được yêu cầu theo dõi chặt diễn biến hoạt động mua, bán vàng miếng, niêm yết công khai giá mua bán tại điểm giao dịch.
Trong khi đó, theo Tổng cục Thuế, thời gian qua, ngành này đã có nhiều giải pháp để kiểm soát việc xuất hóa đơn điện tử với các giao dịch mua, bán vàng. Tuy nhiên, để kiểm soát được toàn bộ các hoạt động, ngành thuế cho rằng cần sự vào cuộc của các bộ ngành, địa phương.
Tổng cục Thuế kiến nghị Ngân hàng Nhà nước phối hợp trong kiểm soát dòng tiền, nghiên cứu quy định bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt với các giao dịch mua bán vàng. Cùng đó, các địa phương được đề nghị tăng thanh, kiểm tra giám sát, xử lý vi phạm với các cơ sở không xuất hóa đơn kịp thời cho người mua vàng.
Theo quy định hiện hành về phòng chống rửa tiền, các giao dịch giá trị lớn từ 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, các đơn vị kinh doanh vàng bạc, đá quý và công ty trung gian thanh toán phải nhận biết khách hàng (gồm thu thập, cập nhật, xác minh thông tin khách hàng) theo quy định về phòng chống rửa tiền. Việc này nhằm nhận diện mức độ rủi ro về rửa tiền và nguồn gốc tài sản của khách hàng.
Bên cạnh đó, Nghị định 24 về quản lý kinh doanh thị trường vàng quy định, các đơn vị cần chấp hành các quy định của pháp luật về chế độ kế toán, lập và sử dụng hóa đơn chứng từ. Doanh nghiệp phải niêm yết công khai tại địa điểm giao dịch về khối lượng, hàm lượng vàng, giá mua, bán các loại sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng sản phẩm.