Sau Thái Lan, một quốc gia Đông Nam Á khác nộp đơn gia nhập BRICS: Thành viên 'tiềm năng' quan trọng, có thể củng cố thêm 'sức mạnh' phi đô la hoá cho cả khối

Vu Lam | 09:47 18/06/2024

Mới đây, Thủ tướng Malaysia cho biết nước này đang chuẩn bị nộp đơn gia nhập BRICS và sẽ sớm thảo luận với khối.

Sau Thái Lan, một quốc gia Đông Nam Á khác nộp đơn gia nhập BRICS: Thành viên 'tiềm năng' quan trọng, có thể củng cố thêm 'sức mạnh' phi đô la hoá cho cả khối

Hôm 16/6, trong một cuộc phỏng vấn với tờ Guancha của Trung Quốc, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết nước này đã chuẩn bị các thủ tục để trở thành thành viên BRICS và sẽ sớm nộp đơn chính thức với khối. 

Nhà lãnh đạo của Malaysia nói: “Chúng tôi đã đưa ra những chính sách rõ ràng và có quyết định của riêng mình. Chúng tôi sẽ sớm thực hiện quá trình này một cách chính thức và đang chờ sự phản hồi từ phía chính phủ Nam Phi.” 

screen-shot-2024-06-18-at-09.30.28.png
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim. 

Ông Anwar cũng đề cập đến việc thảo luận về chủ đề này trong cuộc gặp gần đây với Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva. 

Việc Malaysia trở thành thành viên của BRICS sẽ có ý nghĩa về mặt chiến lược, vì một trong những tuyến đường vận chuyển quan trọng nhất thế giới là eo biển Malacca - nối Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương, nằm giữa Malaysia và đảo Sumatra của Indonesia. 

Ông Anwar phát biểu thêm, Malaysia cảm thấy “nhẹ nhõm” vì thế giới không còn ở trạng thái đơn cực nữa. Hơn nữa, sự trỗi dậy của BRICS và đặc biệt là Trung Quốc đã mang lại “một tia hy vọng về việc thế giới sẽ được kiểm soát với sự cân bằng”.

Thủ tướng Anwar đưa ra quan điểm, phương Tây muốn kiểm soát thế giới nhưng “chúng tôi không chấp nhận điều đó nữa và các nước độc lập cũng cần được tự do bày tỏ quan điểm của mình”. 

Hồi đầu tháng này, Đại sứ Nga tại Trung Quốc Igor Morgulov cho biết khoảng 30 quốc gia đã bày tỏ mong muốn gia nhập BRICS.

Gần đây, Thái Lan là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên bày tỏ ý muốn gia nhập BRICS cũng như tham gia hội nghị thượng đỉnh năm 2024. Động thái này càng làm nổi bật sức hấp dẫn ngày một lớn của khối đối với các nền kinh tế mới nổi.

Kế hoạch của Thái Lan có thể củng cố vị thế của quốc gia này với tư cách là nước đóng vai trò chủ chốt ở khu vực châu Á, bằng cách đa dạng hoá các mối quan hệ đối tác kinh tế và chính trị.

Hội nghị thượng đỉnh BRICS 2024 dự kiến ​​diễn ra vào tháng 10 tại Kazan, Nga. Quốc gia này cũng đóng vai trò là nước Chủ tịch BRICS kể từ tháng 1 năm nay. Sự kiện này sẽ đánh dấu một giai đoạn quan trọng với việc chính thức kết nạp 4 thành viên mới: Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Ai Cập, Iran và Ethiopia. Việc khối này mở rộng sẽ nâng tổng số thành viên chính thức lên 9.  

Kể từ đầu năm 2024, 7 quốc gia đã bày tỏ ý định tham gia BRICS trước khi hội nghị thượng đỉnh diễn ra. Đó là Cameron, Pakistan, Sri Lanka, Syria, Thái Lan, Venezuela và Zimbabwe. Sự xuất hiện của các quốc gia mới này đã thể hiện sức hấp dẫn của BRICS với những nước đang phát triển. Có thể, họ coi liên minh này có thể thúc đẩy quá trình loại bỏ sự thống trị của đồng USD. 

Việc BRICS mở rộng số lượng thành viên là sự chuyển biến quan trọng, khi khối này đặt mục tiêu loại bỏ sự thống trị của đồng USD với tư cách là đồng tiền dự trữ của thế giới. Họ khuyến khích các thành viên sử dụng đồng nội tệ trong thương mại quốc tế. Quá trình thay đổi này có thể phá vỡ trật tự kinh tế vốn có và tác động đáng kể đến các nền kinh tế vốn phụ thuộc vào đồng USD.

Tổng hợp


(0) Bình luận
Sau Thái Lan, một quốc gia Đông Nam Á khác nộp đơn gia nhập BRICS: Thành viên 'tiềm năng' quan trọng, có thể củng cố thêm 'sức mạnh' phi đô la hoá cho cả khối
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO