Theo chuyên gia Savills, mặc dù đã bắt đầu xuất hiện những tín hiệu tích cực trở lại song thị trường bất động sản nghỉ dưỡng vẫn chưa thể hồi phục nhanh chóng.
Sở dĩ, bất động sản nghỉ dưỡng gần đây đang có nhiều dấu hiệu tích cực trở lại là do nguồn cầu đang dần khôi phục với tốc độ ổn định, bao gồm cả thị trường khách nội địa và khách quốc tế, qua đó giúp củng cố niềm tin vào ngành nghỉ dưỡng.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, năm 2023, du lịch Việt Nam đón 12,6 triệu lượt khách quốc tế. Mặc dù số lượng này mới chỉ bằng 70% so với năm 2019, năm chưa xảy ra dịch Covid-19, song đã cao gấp 3,4 lần năm 2022 và vượt xa mục tiêu 8 triệu khách đặt ra hồi đầu năm.
Lượng khách du lịch nội địa cả năm 2023 cũng đạt khoảng 108 triệu lượt người, vượt 5,8% so với kế hoạch đề ra. Đây là những con số cho thấy ngành du lịch đang từng bước sôi động trở lại giúp thị trường bất động sản nghỉ dưỡng có cơ hội dần phục hồi.
Cùng với đó, theo ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels trong một vài tháng qua nhiều dự án đang trong quá trình tái khởi động. Ngoài ra, thị trường mua bán, sáp nhập dự án cũng khá sôi động. Bên cạnh các dự án hoạt động với dòng tiền ổn định, một số dự án vốn bị trì hoãn hoặc phát triển dở dang trước đây cũng đang trong quá trình chuyển giao cho chủ đầu tư mới để triển khai tiếp tục, hoàn thành dự án.
Đối với các khu du lịch, khách du lịch ngày càng quan tâm và có yêu cầu cao hơn đến yếu tố nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe và phát triển bền vững.
Qua đó, xu hướng chăm sóc sức khỏe tích hợp với các mô hình như tắm khoáng nóng hay du lịch trị liệu ngày càng được nhiều chủ đầu tư chú trọng phát triển. Phân khúc hạng sang vẫn tiếp tục nhận được nhiều sự chú ý từ các nhà đầu tư.
Trong khi đó, thị trường khách sạn cao cấp và hạng sang tại Tp.HCM được kỳ vọng sẽ duy trì lợi thế cạnh tranh trong một vài năm tới do nguồn cung mới vẫn còn hạn chế.
Tuy đã bắt đầu xuất hiện những tia hy vọng khởi sắc trở lại, song theo nhiều chuyên gia, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng chưa thể phục hồi nhanh chóng. Hiện nay phần lớn dự án vẫn đang trong tình trạng chờ thời điểm tốt để mở bán. Trong khi đó, sau một thời gian dài đầu tư không đạt lợi nhuận như kỳ vọng, các nhà đầu tư đang mất niềm tin rất lớn vào phân khúc này, không dễ để họ trở lại thị trường.
Ba nguyên nhân chính khiến phân khúc này chưa thể khởi sắc ngay trong năm 2024 là bối cảnh tình hình kinh tế tiếp tục khó khăn, vướng mắc pháp lý chưa được giải quyết triệt để và việc mất niềm tin của khách hàng. Hiện nhiều dự án nghỉ dưỡng đang “nằm im”, không thể hoặc không được khai thác mang lại lợi nhuận, kéo theo đó là khả năng thanh khoản hầu như không có, mặc dù nhiều nhà đầu tư đã cắt lỗ.
Từng chia sẻ về thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc Savills Việt Nam cho rằng, chặng đường hồi phục của bất động sản nghỉ dưỡng còn khá gian nan. Nhà đầu tư phải mất nhiều thời gian để đợi nhịp tăng trưởng tiếp theo của thị trường này.
Có thể thấy, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng có dấu hiệu lao dốc và duy trì tình cảnh ảm đạm trong suốt năm 2023 về cả nguồn cung, thanh khoản và niềm tin nhà đầu tư. Dữ liệu của DKRA Group cho thấy nguồn cung biệt thự và nhà phố nghỉ dưỡng đều sụt giảm mạnh so với năm ngoái, giảm lần lượt 94% và 96%. Mỗi loại hình chỉ có khoảng 300 căn mở bán mới trong năm nay. Còn condotel cũng giảm hơn 64%, còn khoảng 1.600 căn. Ước tính cả năm 2023, lượng tiêu thụ chỉ tương đương 10% so với cùng kỳ, mức thấp nhất kể từ năm 2014 trở lại đây.
Trong khi đó, lượng tồn kho bất động sản nghỉ dưỡng vẫn cao. Số lượng tồn kho condotel lũy tiến đến cuối năm 2023 đã tăng lên khoảng 50.000 căn. Phân khúc nhà liền thổ nghỉ dưỡng tồn kho 30.000 căn, riêng biệt thự chiếm hơn một nửa. DKRA cho biết ba địa phương tập trung lượng hàng tồn kho cao nhất là Phú Quốc, Bình Thuận và Bà Rịa – Vũng Tàu.