Mới đây, Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (COMAC) đã bàn giao máy bay C909 đầu tiên cho Lao Airlines. Đây là lần đầu tiên một máy bay phản lực chở khách của Trung Quốc thâm nhập thị trường Lào, đánh dấu một bước tiến mới trong quá trình phát triển quốc tế hóa máy bay thương mại của Trung Quốc, theo Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc).
Được định danh là RDPL-34229, máy bay này có 90 chỗ ngồi hạng phổ thông và biển hiểu bằng tiếng Lào. Được giao theo hợp đồng cho thuê, máy bay sẽ bắt đầu hoạt động sau khi hoàn tất công tác chuẩn bị tại Lào, COMAC cho biết trong một thông cáo.
Máy bay C909 là máy bay chở khách khu vực động cơ phản lực cánh quạt do Trung Quốc tự phát triển. Với phạm vi bay từ 2.225 đến 3.700 km, C909 đủ khả năng bao phủ hầu hết các tuyến bay nội địa và quốc tế lân cận từ Lào.
“Máy bay C909 rất phù hợp với thị trường Đông Nam Á, với hiệu suất nhiệt độ cao mạnh mẽ và khả năng cất cánh và hạ cánh trên đường băng ngắn, hẹp”, tờ báo này bình luận.
Hiện nay, đã có 162 máy bay thuộc dòng này được bàn giao, khai thác tổng cộng 645 đường bay, kết nối 158 thành phố, vận chuyển hơn 20 triệu lượt hành khách.
Vào ngày 18/3, Cục Hàng không Lào đã cấp giấy chứng nhận loại cho COMAC, cho phép máy bay hoạt động thương mại tại quốc gia này.
COMAC cho biết họ đã thành lập một nhóm chuyên trách để hỗ trợ Lao Airlines trong việc chuẩn bị sổ tay hướng dẫn, đào tạo nhân sự, hỗ trợ vật chất hàng không, xây dựng năng lực bảo dưỡng và các công tác chuẩn bị khác.
Một phi hành đoàn chuyên nghiệp, bao gồm phi công, tiếp viên hàng không, kiểm soát viên hoạt động và chuyên gia bảo dưỡng, cũng đã được điều động để đảm bảo hoạt động an toàn và hiệu quả của máy bay C909 tại Lào.

Indonesia hiện là quốc gia đầu tiên sau Trung Quốc vận hành máy bay COMAC, với hãng hàng không TransNusa của Indonesia bay máy bay phản lực C909.
Vào năm 2022, COMAC đã giao máy bay cho hãng hàng không TransNusa của Indonesia, đánh dấu lần đầu tiên công ty giao máy bay phản lực cho một khách hàng ở nước ngoài.
C909 đã có 550.000 giờ bay an toàn
Hồi giữa tháng 3, theo Báo Chính phủ, Bộ Xây dựng đã có công văn lấy ý kiến góp ý của Bộ Tư pháp về áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn xây dựng nghị định và thông tư liên quan để cấp phép khai thác tại Việt Nam máy bay COMAC của Trung Quốc sản xuất.
Đồng thời, từ ngày 15- 24/1, Cục Hàng không Việt Nam đã làm việc trực tiếp với Tập đoàn Máy bay thương mại Trung Quốc (COMAC) và Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc (CAAC) để khảo sát, tìm hiểu tổng quan về kỹ thuật, khai thác, bảo dưỡng và các tiêu chuẩn thiết kế, chế tạo, thử nghiệm và quy trình cấp giấy chứng nhận loại tàu bay ARJ21- 700 (C909).
Theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, tàu bay ARJ21-700 (C909) đã nộp đơn xin cấp Chứng nhận loại (TC) lần đầu từ ngày 20/1/2003 và đến ngày 29/12/2014 đã được CAAC cấp TC.
Tàu bay ARJ21-700 (C909) là loại máy bay phản lực chở khách tầm ngắn đến trung bình, có sức chứa từ 78-95 hành khách, tầm bay khoảng 1200-2000nm. Tốc độ hành trình khoảng 825km/h, trần bay tối đa 12.200m. Nhiêu liệu theo tiêu chuẩn GB6537 (Jet A-1 thuộc loại này), dung tích thùng nhiên liệu khoảng 12.900 lít.
Trang thiết bị chính lắp trên tàu bay gồm hai động cơ GE CF34-10A của General Electric (Mỹ), Landing gear của Liebherr Aerospace (Pháp), động cơ phụ (APU) của Hamilton Sunstrand (Mỹ)...
Tính đến ngày 5/1, 160 tàu bay C909 đã được cung cấp đến 12 hãng hàng không. Trong đó, có 11 hãng của Trung Quốc và 1 hãng của Indonesia, đã chuyên chở hơn 19,16 triệu hành khách trên 633 đường bay tới 158 thành phố, 181 sân bay với giờ bay tích lũy hơn 550.000 giờ và hơn 330.000 lượt cất hạ cánh.
Qua báo cáo của COMAC, không có tai nạn, sự cố nghiêm trọng xảy ra với tàu bay C909 kể từ khi tàu bay này đi vào hoạt động.
Qua các dữ liệu thu thập được, Cục Hàng không Việt Nam đánh giá, các tiêu chuẩn đủ điều kiện bay của Trung Quốc chỉ có một số khác biệt nhỏ liên quan đến việc sử dụng tiếng Trung Quốc trong các nhãn mác trên tàu bay.
Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, việc đề xuất công nhận tiêu chuẩn thiết kế, chế tạo của Trung Quốc là cơ sở để tạo thuận lợi cho hoạt động hàng không dân dụng trong bối cảnh thiếu hụt tàu bay, khó khăn trong việc mở rộng đội bay, đường bay và tạo dư địa, động lực phát triển mới cho ngành hàng không Việt Nam.