Mới đây, UBND tỉnh Sóc Trăng có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải liên quan đến những đề xuất đối với dự án xây dựng cảng biển Trần Đề.
Theo đó, dự án đầu tư xây dựng cảng biển Trần Đề được đề xuất có tổng vốn đầu tư hơn 162.000 tỷ đồng, có vị trí tại cửa Trần Đề, thuộc xã Trung Bình, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, cách bờ hiện hữu khoảng 25 km về phía Đông.
Các hạng mục quan trọng gồm: Cầu cảng có tổng chiều dài 5.300 m, có khả năng tiếp nhận tàu tổng hợp và tàu container trọng tải đến 100.000 DWT (tương đương 6.000-8.000 TEU), tàu hàng rời 160.000 DWT. Đê chắn sóng có tổng chiều dài 9.800m, trong đó giai đoạn khởi động xây dựng 4.000m. Cầu vượt biển có chiều dài 17,8 km, kết nối cảng với đất liền, dự kiến sẽ là cầu vượt biển dài nhất Việt Nam và thuộc hàng dài nhất Đông Nam Á.
Khu dịch vụ hậu cần cảng và logistics: Tổng diện tích khoảng 4.000 ha, bao gồm các hạng mục như san lấp mặt bằng, xây dựng đường giao thông nội bộ, hệ thống cấp thoát nước, điện động lực, phòng cháy chữa cháy và thông tin liên lạc.
Dự án được phân kỳ làm 2 giai đoạn triển khai gồm:
Giai đoạn khởi động: Tổng mức đầu tư khoảng 44.695 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư công là 19.403 tỷ đồng, được đề xuất hỗ trợ từ ngân sách Trung ương để xây dựng các hạng mục như đường kết nối, cầu vượt biển, đê kè chắn sóng, luồng tàu và vũng quay tàu. Phần còn lại, 25.292 tỷ đồng, dự kiến huy động từ nguồn vốn tư nhân để đầu tư vào khu dịch vụ hậu cần và các bến cảng.
Giai đoạn hoàn thiện: Tổng mức đầu tư dự kiến 162.731 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư công là 46.476 tỷ đồng (29%) và vốn tư nhân là 116.255 tỷ đồng (71%).
Việc triển khai dự án cảng Trần Đề được kỳ vọng sẽ tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, là cảng cửa ngõ lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có quy mô vượt trội so với nhiều cảng khác trong khu vực, nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế. Cảng phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa trực tiếp, giảm chi phí vận tải và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực.
Trước đó, Thủ tướng tướng chính phủ đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ với vốn đầu tư khoảng 50.000 tỷ đồng. Theo quyết định vừa được Thủ tướng phê duyệt, dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ thực hiện ở cù lao Gò Con Chó, huyện Cần Giờ, Tp.HCM. Cảng sẽ thực hiện các dịch vụ liên quan khai thác cảng container, cảng biển và các dịch vụ khác.
Dự án sử dụng khoảng 571 ha đất; thời gian hoạt động là 50 năm kể từ ngày có quyết định chủ trương đầu tư. Dự án chia làm 7 giai đoạn, trong đó giai đoạn đầu xong năm 2027, hoàn thành toàn bộ cuối năm 2045. Tính toán sơ bộ của cơ quan chức năng, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ khi được đầu tư hoàn chỉnh, đạt công suất thiết kế vào năm 2045 sẽ có nguồn thu 34.000-40.000 tỷ đồng mỗi năm.