Sau 2 năm làn sóng bỏ phố “về quê nuôi cá và trồng thêm rau” bùng nổ: “Bán tháo” tràn lan, giá giảm sâu

Tâm Nguyên | 05:55 11/05/2023

Trong bối cảnh thị trường bất động sản chung đang diễn biến ảm đạm, nhiều lô đất rộng ven đô, căn nhà thứ hai được rao bán “cắt lỗ” rầm rộ, sau trào lưu “bỏ phố về quê”.

Sau 2 năm làn sóng bỏ phố “về quê nuôi cá và trồng thêm rau” bùng nổ: “Bán tháo” tràn lan, giá giảm sâu

Từ năm 2021, khi dịch bệnh Covid-19 bắt đầu bùng phát, người dân ngày chú ý tới sức khỏe. Do vậy, thời điểm đó, trào lưu “bỏ phố về quê”, “bỏ phố về rừng” ngày càng nở rộ tại các khu vực vùng ven TP. Hà Nội như Ba Vì, Thạch Thất, Sóc Sơn và một số huyện tại Hòa Bình. Đặc biệt không ít nhà giàu tại Hà Nội đã mạnh tay chi tiền tỷ để đầu tư căn nhà thứ 2 tại vùng ven với mong muốn sẽ có không gian trong lành, mát mẻ, hòa mình với thiên nhiên.

Tuy nhiên, trào lưu này lại “chóng nở tối tàn”, đến nay hàng loạt các chủ nhà rao bán giảm giá, “cắt lỗ” hàng loạt trên các hội nhóm mạng xã hội và trang tin mua bán bất động sản. Các căn nhà thứ 2 của nhiều gia chủ đang rao bán thường có diện tích đất khoảng trên 1.000m2, trong đó chỉ có một phần nhỏ là đất ở còn lại là đất vườn, đất trồng cây,...

Đơn cửa, một căn nhà 2 tầng tại Ba Vì có diện tích xây dựng 150m2/sàn, nằm trên mảnh đất 1.005m2 đang được rao bán “cắt lỗ” với giá 2,2 tỷ đồng. “Mảnh đất được mua với giá 2,3 tỷ đồng vào cuối năm 2020, sau đó tôi chi thêm 1 tỷ đồng để xây dựng căn nhà, làm vườn. Do gia đình không sử dụng tới, để cho thuê homestay cũng rất mất thời gian vận hành và thu không được nhiều nên quyết định bán đi. Mức giá trên là tôi đã chấp nhận lỗ hơn 30% so với số tiền đầu tư”, người bán nói.

2650c851-33c1-47d2-8f08-e26d18a4ebbc_1_201_a-1-.jpeg
Nhiều thông tin rao bán được đăng tải tại các hội nhóm, trang tin về bất động sản (ảnh chụp màn hình).

Đang rao bán căn nhà thứ hai tại Hòa Bình, chị Thu (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, đầu năm 2021, dịch bệnh bắt đầu bùng phát, đồng thời trào lưu “bỏ phố về quê” cũng tràn ngập khắp các trang mạng xã hội. Theo đó, vợ chồng chị cũng bàn nhau mua một mảnh đất gần Hà Nội xây dựng căn nhà thứ 2, nghỉ ngơi trong thời gian dịch bệnh và các dịp cuối tuần.

“Sống tại Thủ đô với các khối bê tông xung quanh, cảnh tắc đường hàng ngày khiến gia đình tôi muốn có một căn nhà tại vùng ven. Chúng tôi mong muốn sau khi sở hữu, mỗi cuối tuần sẽ về đó nghỉ ngơi, uống trà ngắm cây, các con cũng có chỗ rộng rãi chạy nhảy, vui chơi”, chị Thu nói.

Nghĩ là làm, gia đình chị nhanh chóng mua một mảnh đất có diện tích 1.500m2, trong đó có 180m2 đất thổ cư còn lại là đất vườn tại Hòa Bình với giá 2 tỷ đồng. Sau đó, vợ chồng chị Thu bỏ thêm 900 triệu đồng để xây dựng nhà. Đến cuối năm 2021, căn nhà thứ hai của gia đình chị đã được đưa vào sử dụng.

“Thời gian đầu, đều đặn 1 - 2 tuần chúng tôi về 1 lần, sau đó tần suất ngày càng ít dần. Từ cuối năm ngoái tới nay, chúng tôi mới chỉ về đó duy nhất 1 lần. Để không thì phí, nhưng không có người về căn nhà ngày càng xuống cấp nên chúng tôi quyết định bán lỗ thu tiền về”, chị Thu nói.

Mặc dù chỉ mong muốn thu về tiền đất 2 tỷ đồng và chấp nhận mất số tiền bỏ ra xây dựng nhà nhưng đến nay đã hơn 1 tháng chị Thu vẫn chưa thể sang tay cho chủ mới.

Thực tế, những mảnh đất rộng trong đó chỉ có một phần đất ở từng được ưa chuộng khi trào lưu “bỏ phố về quê” bùng nổ đến nay đã giảm giá khá sâu từ 40 - 50% so với thời điểm đầu năm 2022.

Tham khảo tại các trang thông tin rao bán bất động sản, tại Ba Vì, khu vực Yên Bài giá bán dao động từ 2 - 2,5 triệu đồng/m2, trong khi cách đây 1 năm giá bán dao động từ 4 - 4,5 triệu đồng/m2. Tại các xã Tản Lĩnh, Ba Trại, đầu năm ngoái giá bán dao động từ 3 - 4 triệu đồng/m2 thì nay giảm xuống còn quanh mức giá 2 triệu đồng/m2.

7ee.jpg

Đơn cử, một mảnh đất rộng 1.000 m2, trong đó có 150m2 là đất ở còn lại là đất vườn tại huyện Tản Lĩnh (Ba Vì, Hà Nội) đang được rao bán cắt lỗ sâu với giá 1,7 tỷ đồng, tương đương 1,7 triệu đồng/m2. Môi giới bán mảnh đất này cho biết, mức giá hiện đã giảm gần một nửa so với đầu năm ngoái.

“Chủ nhà mua từ năm 2021, dự tính sẽ xây nhà nghỉ dưỡng cuối tuần. Nhưng hiện nay họ không có nhu cầu dùng đến nên bán lại. Trong khi thị trường đang khó thanh khoản nên mới chấp nhận bán giá này”, người môi giới nói.

Tại Hòa Bình, thời điểm đầu năm 2022, giá đất ở huyện Lương Sơn dao động từ 2 - 2,5 triệu đồng thì nay giảm còn 1 - 1,8 triệu đồng/m2. Tại huyện Kim Bôi, giá đất đã giảm xuống còn quanh mức 1 triệu đồng/m2, thậm chí xuất hiện những mức giá chỉ vài trăm nghìn đồng/m2, trong khi thời điểm sốt diễn ra muốn mua cũng phải quanh mức giá 2 triệu đồng/m2.

Theo anh Khang, môi giới bất động sản tại Hòa Bình, thời điểm cuối năm 2020 - 2021 dịch bệnh bùng phát, nhưng trung bình mỗi tuần anh dẫn khoảng 3 - 5 đoàn khách từ Hà Nội và một số nơi khác đến xem đất. Thời điểm thị trường tốt, anh chốt được gần 10 mảnh đất lớn trong vòng một tháng.

Tuy nhiên, anh Khang cho biết, từ giữa năm ngoái tới nay, giá các mảnh đất rộng có một phần thổ cư khó tìm khách mua. Một số người mua trước đó với mục đích đầu tư đến nay gặp khó khăn về tài chính nên chấp nhận giảm giá sâu tìm chủ mới. 

Bên cạnh đó, trước kia trào lưu “bỏ phố về quê” bùng nổ, nhiều gia đình tại Hà Nội sẵn sàng chi tiền tỷ sở hữu căn nhà thứ hai để nghỉ ngơi mỗi dịp cuối tuần, ngày nghỉ đến nay tần suất lui tới cũng ít dần. Do vậy, các chủ nhà tìm người để bán lại. Theo đó giỏ hàng của anh Khang cũng ngày càng nhiều căn nhà thứ hai của các chủ nhà rao bán.

“Thị trường chung đã chững lại thì các mảnh đất rộng, xa trung tâm, chưa hình thành khu dân cư rất khó bán. Thậm chí, có căn nhà tôi rao bán suốt 4 tháng chưa có người tới hỏi mua”, anh Khang cho biết thêm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Sau 2 năm làn sóng bỏ phố “về quê nuôi cá và trồng thêm rau” bùng nổ: “Bán tháo” tràn lan, giá giảm sâu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO