Tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận dài 51km nằm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang và được đầu tư bằng hình thức PPP do Tập đoàn Đèo Cả thi công xây dựng với tổng mức đầu tư 12.668 tỷ đồng.
Tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận sẽ giúp giảm tải cho quốc lộ 1A, rút ngắn thời gian di chuyển từ TP. Hồ Chí Minh đi các tỉnh miền Tây.
Tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ mở ra một không gian phát triển mới cho tỉnh Tiền Giang nói riêng và hơn 20.000.000 đồng bào khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành
Sau Lễ khánh thành, Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận sẽ đưa vào lưu thông 2 chiều trên tuyến chính không thu phí từ 7h30 ngày 30/4/2022, dự kiến kéo dài trong 60 ngày.
Đây được coi là khoảng thời gian để chủ đầu tư triển khai các bước thử nghiệm vận hành, kiểm soát tải trọng, đánh giá các khâu kỹ thuật trước khi chính thức đưa vào thu phí hoàn vốn cho dự án.
Các phương tiện được lưu thông trên đường cao tốc trừ: Xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70 km/h; Máy kéo, xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ, người đi bộ, súc vật; Xe máy thi công tự hành, xe bánh xích (trừ các phương tiện làm nhiệm vụ duy tu bảo dưỡng, kiểm tra, sửa chữa đường cao tốc).
Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận được khởi công lần đầu vào tháng 11/2009, sau 13 năm đình trệ với 2 lần thay đổi nhà đầu tư, 3 lần thay đổi tổng mức đầu tư, 4 lần lùi thời hạn hoàn thành và đến hết năm 2018, dự án chỉ mới hoàn thành được hơn 10% tiến độ. Bước sang năm 2019, dự án vẫn còn rất nhiều khó khăn khiến liên danh các nhà đầu tư rơi vào bế tắc.
Tháng 3/2019, khi Chính phủ chuyển cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền từ Bộ Giao thông vận tải sang UBND tỉnh Tiền Giang, liên danh các nhà đầu tư đã mời Tập đoàn Đèo Cả tham gia quản trị, điều hành dự án thông qua doanh nghiệp dự án là Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận.