Nhiều nước châu Á hiện buộc doanh nghiệp thực hiện báo cáo bền vững. Các quốc gia và vùng lãnh thổ như Singapore, Malaysia, Hồng Kông và Philippines đã yêu cầu các công ty đại chúng công bố hiệu quả hoạt động ESG. Trung Quốc cũng dự kiến đưa ra chính sách tương tự đối với các công ty đại chúng trong thời gian tới.
“Xu hướng này sẽ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp Việt Nam, cả lớn và nhỏ”, ông Benjamin Soh, Người sáng lập và Giám đốc điều hành STACS - công ty công nghệ và dữ liệu ESG có trụ sở chính tại Singapore - cho biết.
Theo ông Benjamin, các công ty Việt Nam đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ trong nước và quốc tế để bắt tay vào quá trình khử cacbon và phát triển bền vững. Điều này đi kèm với các quy định ngày càng khắt khe của Liên minh Châu Âu (EU) về báo cáo ESG (Environmental, Social, and Governance, tức Môi trường, Xã hội và Quản trị) và chuỗi cung ứng bền vững. Theo đó, các nhà nhập khẩu vào EU phải trả một khoản thuế tương ứng với mức giá cho phép phát thải theo Hệ thống Thương mại Phát thải của EU.
Công bố dữ liệu ESG sẽ quy củ như báo cáo tài chính
Ông Benjamin nhận định trong tương lai gần, việc công bố dữ liệu ESG trở nên quy củ hơn, giống như như báo cáo dữ liệu kế toán tài chính. Điển hình là mới đây cơ quan toàn cầu ISSB đã đưa ra các tiêu chuẩn mới về báo cáo ESG liên kết với báo cáo tài chính.
Vậy mức độ sẵn sàng cho các báo cáo ESG của doanh nghiệp Việt đến đâu?
Theo báo cáo “Từ tham vọng đến hành động” của PwC về mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam năm 2022, nhiều công ty Việt Nam đã đưa ra các cam kết hoặc kế hoạch ESG vì họ nhận biết được tầm quan trọng của việc tuân thủ các tiêu chuẩn ESG khi tham gia vào thị trường toàn cầu.
Tuy nhiên, một khảo sát của EY đã chỉ ra rằng chưa đến 1/3 công ty Việt Nam thực hiện báo cáo ESG một cách kỹ lưỡng và toàn diện, cho thấy sự buông lỏng của ban điều hành cấp cao.
Với số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) khoảng 785.000, chiếm hơn 98% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam, đây là nhóm doanh nghiệp chính đang cung ứng sản phẩm xuất khẩu cho thị trường quốc tế. Do đó, họ đóng vai trò nòng cốt trong quá trình khử cacbon của chuỗi cung ứng toàn cầu. Họ sẽ cần giảm lượng phát thải để đáp ứng các quy định và duy trì tính cạnh tranh.
Siết chặt báo cáo ESG, doanh nghiệp Việt Nam ở trong một vị thế “đặc biệt”
“Các doanh nghiệp Việt Nam đang ở trong một vị thế đặc biệt”, Giám đốc điều hành STACS nhìn nhận.
Bằng cách áp dụng các nguyên tắc ESG, doanh nghiệp Việt có cơ hội gây tiếng vang với một bộ phận ngày càng nhiều các nhà đầu tư và người tiêu dùng ưu tiên dự án kinh doanh bền vững. Điều này giúp mở rộng phạm vi hoạt động tại Việt Nam, đồng thời tăng khả năng tiếp cận và để lại dấu ấn trên trường toàn cầu.
“Hãy tưởng tượng bối cảnh mà cam kết của về tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị của công ty không chỉ nâng cao hình ảnh doanh nghiệp mà còn thúc đẩy niềm tin vào thị trường”.
“Đây chính là tiềm năng mạnh mẽ mà yếu tố ESG mang lại cho các doanh nghiệp Việt Nam, gia tăng lợi thế cạnh tranh và mở đường cho quá trình tăng trưởng lâu dài”, ông Benjamin nói.
Bên cạnh đó, cách tiếp cận dựa trên ESG giúp doanh nghiệp điều hướng một cách khéo léo và giảm thiểu rủi ro tiềm ẩn, dẫn đến giảm chi phí hoạt động, giảm thiểu sự gián đoạn, và củng cố khả năng kinh doanh trước những biến cố khó lường.
“Tuy nhiên, câu chuyện không kết thúc ở đây. Tuy nhiên, hành trình ESG không chỉ là của các đơn vị quản lý hay cơ quan chính phủ. Thành công của hành trình này đòi hỏi nỗ lực và sự phối hợp của toàn thành phần kinh tế, trong đó khu vực tư nhân đóng vai trò then chốt”, ông Benjamin khuyến nghị.
“Khi các doanh nghiệp Việt Nam tham gia thực hành ESG một cách minh bạch và toàn diện, họ sẽ nhận được nguồn vốn đầu tư lớn hơn, cải thiện hiệu quả hoạt động lâu dài, giảm thiểu rủi ro, gia tăng lợi thế cạnh tranh và tạo danh tiếng tích cực trên trường quốc tế”.