Rút tiền tháo chạy rồi quay về với ngân hàng: Bài học ngàn vàng người dân Mỹ có thể học từ Trung Quốc

Anh Dũng | 14:13 03/05/2023

Người gửi tiết kiệm ở Trung Quốc đã rút ra được kinh nghiệm sâu sắc rằng an toàn quan trọng hơn lãi suất.

Rút tiền tháo chạy rồi quay về với ngân hàng: Bài học ngàn vàng người dân Mỹ có thể học từ Trung Quốc

Hiện tại, những người gửi tiết kiệm tại các ngân hàng Mỹ nhận thấy rằng họ có thể nhận tiền lãi nhiều hơn ở những nơi khác. Vì thế, họ bắt đầu rút tiền ra khỏi tài khoản ngân hàng của mình.

Năm nay, các quỹ thị trường tiền tệ nắm giữ khối tài sản trị giá 5,3 nghìn tỷ USD, tăng khoảng 530 tỷ USD so với năm ngoái, trong khi tiền gửi ngân hàng giảm.

Đây là hiện tượng mới xuất hiện ở Mỹ. Nó cũng là hệ quả sau khi Cục Dự trữ Liên bang (FED) bắt đầu tăng lãi suất từ tháng 3/2022. Trước đó, FED giữ lãi suất gần bằng 0 trong hơn một thập kỷ.

Nhưng các ngân hàng Trung Quốc từ lâu đã phải vật lộn với vấn đề này. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã duy trì lãi suất tiền gửi ở mức 1,5% kể từ năm 2015, mở ra cơ hội cho các quỹ quản lý tài sản đưa ra mức lãi suất hấp dẫn hơn để thu hút người gửi tiền.

Vào năm 2017, một quỹ thị trường tiền tệ Trung Quốc do Ant Financial - một chi nhánh của tập đoàn Alibaba Group - vận hành đã trở thành quỹ thị trường tiền tệ lớn nhất thế giới với tài sản đạt 270 tỷ USD.

Bất chấp thách thức, các ngân hàng Trung Quốc vẫn không bị thiếu vốn. Lý do là vì người tiêu dùng đã rút ra kinh nghiệm “đau thương” rằng các loại hình đầu tư khác có thể phản tác dụng.

Vào cuối năm 2022, chính phủ Bắc Kinh tuyên bố nới lỏng chính sách zero Covid và cam kết ổn định thị trường bất động sản đang gặp khó. Điều đó dẫn tới kỳ vọng bùng nổ tăng trưởng và lợi suất trái phiếu tăng cao. Nhiều sản phẩm quản lý tài sản như trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp đều báo cáo khoản lỗ lớn.

Đến tháng 12, hơn 1/5 các sản phẩm quản lý tài sản bị "vỡ buck", tức giá trị tài sản ròng (NAV) trên mỗi cổ phần của quỹ giảm xuống dưới 1 USD. Trong đó NAV của quỹ được tính bằng giá trị ròng của các tài sản mà quỹ đang nắm giữ trừ đi tổng giá trị nợ phải trả và chi phí hoạt động quĩ. Vỡ buck xảy ra khi các khoản đầu tư của quĩ thị trường tiền tệ không đủ để trang trải chi phí hoạt động hoặc bất kì khoản lỗ đầu tư nào. .

Người dân Trung Quốc tháo chạy. Lãi suất 1,5% mà họ có thể nhận được từ ngân hàng không phải quá nhiều, nhưng vẫn tốt hơn là mất tiền. Tiền gửi có kỳ hạn hiện chiếm 70% tiền gửi hộ gia đình, tăng 5 điểm phần trăm so với trước đại dịch.

Hình minh họa

Các quỹ thị trường tiền tệ Mỹ rất khó có khả năng bị sụp đổ. Không có quỹ nào của Mỹ bị vỡ buck kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Những thay đổi về quy định sau đó đã buộc nhiều quỹ phải bỏ tiền vào trái phiếu chính phủ. Hiện tại, các quỹ thị trường tiền tệ của chính phủ chiếm 78% tài sản của ngành, tăng từ mức 1/3 vào năm 2014.

Tuy nhiên, những lỗ hổng vẫn tồn tại, bao gồm vấn đề về trần nợ đang cảnh báo nguy cơ Mỹ vỡ nợ. Các quỹ thị trường tiền tệ không được Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) hậu thuẫn đã tăng phí quản lý trong những tháng gần đây. Trong khi đó, các ngân hàng đang đẩy mạnh dịch vụ của mình, song còn khiên cưỡng và chậm chạp.

Vì vậy, khi người dân Mỹ xem xét tất cả các yếu tố trên, họ có thể bắt chước người Trung Quốc và quay trở lại với ngân hàng.

Tham khảo Bloomberg


(0) Bình luận
Rút tiền tháo chạy rồi quay về với ngân hàng: Bài học ngàn vàng người dân Mỹ có thể học từ Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO