“Càng đông, càng vui”
Theo báo cáo tài chính quý III và lũy kế 9 tháng năm 2023 mà các ngân hàng đã công bố, mức tăng trưởng tín dụng toàn ngành đang là 6,92%. Chỉ số tăng trưởng cao thường nằm ở các nhóm có dư nợ cho vay bất động sản cao, trong đó nổi bật lên cái tên Techcombank, với mức tăng trưởng hơn 11%.
Ông Tuấn chia sẻ, dù thị trường bất động sản vẫn đang trong tình trạng “ngủ đông”, Techcombank tự tin về khả năng làm chủ dòng tiền của mình. Từ năm 2021 đến nay, chiến lược kinh doanh của Techcombank được xây dựng xoay quanh 6 nhóm ngành chính: bất động sản, ngành hàng tiêu dùng nhanh, sản xuất ô tô, tiện ích dân dụng (điện, nước, viễn thông), du lịch và các sản phẩm tài chính.
Ngoài ra, song song với việc xây dựng các hệ sinh thái, Techcombank hướng đến chinh phục nhiều nhóm đối tượng khác nhau - từ các doanh nghiệp lớn đến các khách hàng cá nhân - từ đó tạo ra những chuỗi giá trị có tính bao quát. Chính việc đa dạng hóa danh mục cho vay, đa dạng hóa nhóm đối tượng đã giúp ngân hàng này đảm bảo sự tăng trưởng, đáp ứng được các nhu cầu lẫn đề phòng những rủi ro khả dĩ.
Thị trường bất động sản vẫn còn dư địa
Sáng ngày 13/11, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Công điện 993/CĐ-TTg ngày 24/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững. Ông Tuấn đã đưa ra những nhận định lạc quan về lĩnh vực này.
Một trong những nguyên nhân xuất phát từ việc lãi suất cho vay hiện nay đã giảm. Ngay từ đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã đặt mục tiêu đến cuối năm, mặt bằng lãi suất của các ngân hàng thương mại giảm từ 1 đến 1,5% so với cuối năm 2022. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, lãi suất bình quân của những khoản vay mới đã giảm khoảng 2 - 2,2%, tức là vượt kỳ vọng và mong muốn của nhà điều hành.
Khi lãi suất các khoản vay giảm, khả năng mua bất động sản của người dân sẽ gia tăng, kéo theo đó là làn sóng về nhu cầu. Ngoài ra, với định hướng tỷ lệ đô thị hóa đạt 50% vào năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, tăng khoảng 8% so với thời điểm hiện tại, nhu cầu nhà ở tại các thành phố lớn sẽ còn tiếp tục đi lên.
Ngoài ra, ông Nguyễn Anh Tuấn cũng chia sẻ một nguyên tắc trong cách lựa chọn, làm việc với các doanh nghiệp. Techcombank luôn tham gia cùng đối tác xuyên suốt quá trình xây dựng, thiết kế chiến lược và vận hành các dự án, cùng thiết kế chuỗi giá trị nhằm đảm bảo chất lượng ở mức tối đa. Thể hiện sự đồng tình với phương pháp này, BTV Ngọc Trinh - vị host xinh đẹp của Bí mật đồng tiền nói tiêu chí trên của Techcombank là một câu chuyện đắt giá.
“Tiền nhiều để làm gì?”
Nhu cầu tín dụng vẫn yếu trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm. Lượng tiền tồn trong ngân hàng đối nghịch với nhu cầu vay của người dân chính là lý do chủ đề số này được Bí mật đồng tiền đặt tên “Tiền nhiều để làm gì?”.
Ông Tuấn chia sẻ, đặt trong bối cảnh Chính phủ và Ngân hàng nhà nước đang đẩy mạnh đầu tư công và chi tiêu cá nhân, việc tín dụng giảm chưa hẳn đã là một điều tiêu cực. Thậm chí, điều này còn chỉ ra các định hướng và biện pháp kinh tế quốc gia đang đi đúng hướng. Ngoài ra, khi lãi suất cho vay đã được giảm, nhu cầu tín dụng được dự đoán sẽ tăng trong năm 2024.
Một trong những mối bận tâm được các khán giả đặt ra là ảnh hưởng của Dự luật các tổ chức tín dụng, cụ thể là lãi dự thu đối với ngành ngân hàng. Trả lời câu hỏi này, ông Tuấn cho biết đây là một điều đã nằm trong dự đoán của Techcombank.
Ngân hàng này chính là đơn vị tiên phong trong triển khai dịch vụ CASA (tiền gửi không kỳ hạn). Với ưu thế của người đi đầu, Techcombank không những có lợi nhuận tốt hơn so với những đơn vị cùng ngành, mà từ đó các khách hàng cũng được hưởng lợi.