Quỹ nhà ở quốc gia sẽ hoạt động phi lợi nhuận

Lê Sáng | 10:42 22/05/2025

Theo Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc, Quỹ nhà ở quốc gia được lập, hoạt động phi lợi nhuận với nguồn lực chủ yếu từ ngân sách để hỗ trợ xây nhà ở xã hội, nhà giá rẻ cho người có nhu cầu.

Quỹ nhà ở quốc gia sẽ hoạt động phi lợi nhuận
Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc phát biểu tại thảo luận ở tổ, chiều 21/5. Ảnh: Quochoi.vn

Trong chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XV, khi thảo luận tại tổ chiều 21/5 về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế đặc thù phát triển nhà ở xã hội, đề cập đến Quỹ nhà ở quốc gia, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết, nguồn vốn của quỹ này sẽ đến từ ngân sách và một số nguồn khác như đóng góp tự nguyện của nhà đầu tư; thu từ quỹ đất 20% xây nhà xã hội trong các dự án nhà thương mại...

"Quỹ này làm nhiệm vụ kiến tạo nhà xã hội, giá rẻ cho người trẻ chưa có nhà. Tức là, nhà ở xã hội là một phần đầu tư của quỹ. Quỹ hoạt động trên nguyên tắc bảo tồn, phi lợi nhuận, bởi còn nhiệm vụ đầu tư và như vậy có thể phát triển nhà giá rẻ cho người dân", Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết.

Cũng theo dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế đặc thù phát triển nhà ở xã hội, Quỹ nhà ở quốc gia được lập tại Trung ương và địa phương. Ở Trung ương, quỹ sẽ do Bộ Xây dựng quản lý, để xây dựng một số dự án, điều hòa cho những địa phương không cân đối được ngân sách. Còn tại địa phương, Chủ tịch UBND có quyền thành lập quỹ, rồi giao Sở Xây dựng quản lý.

"Chúng tôi kỳ vọng quỹ này sẽ hỗ trợ một phần cho thúc đẩy nhà ở xã hội, nhà giá rẻ cho người thu nhập thấp, người trẻ", Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc chia sẻ.

Góp ý trước đó việc lập Quỹ nhà ở quốc gia, các đại biểu Quốc hội cho rằng cần phát triển nguồn thu bền vững và tính toán cấu trúc nguồn vốn.

Đại biểu Phạm Thúy Chinh - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính lo lắng trong cùng thời điểm việc hình thành nhiều quỹ tài chính ngoài ngân sách sẽ phá vỡ cơ cấu ngân sách, tài khoá do yêu cầu nguồn lực vốn lớn.

Theo bà Chinh, một số địa phương lớn như TP. HCM, Đồng Nai đã có quỹ tương tự phát triển nhà ở xã hội, nhưng kết quả không như mong muốn, lý do thiếu vốn điều lệ.

"Nếu vốn Quỹ nhà ở quốc gia phụ thuộc vào ngân sách thì có đảm bảo hoạt động của quỹ này không?", bà Chinh đặt vấn đề và đề nghị Quỹ nhà ở quốc gia kết thúc hoạt động vào 2030 - cùng thời điểm hoàn thành mục tiêu có 1 triệu căn nhà ở xã hội.

Phản hồi ý kiến của đại biểu Chinh, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc khẳng định "việc vận hành quỹ này ảnh hưởng không đáng kể tới điều hành ngân sách".

Chuyên gia góp ý thành lập, vận hành Quỹ nhà ở quốc gia

Liên quan đến việc nghiên cứu phương án thành lập Quỹ nhà ở quốc gia, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA) cho rằng việc thành lập quỹ nhà ở quốc gia sẽ giúp điều phối các nguồn vốn để thúc đẩy phát triển nhà ở giá rẻ, bao gồm cả nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ.

Ông Châu cho rằng, cơ chế hỗ trợ của Quỹ Nhà ở quốc gia sẽ bao gồm cả phát triển nhà ở thương mại vừa túi tiền và phát triển nhà ở giá rẻ. Một trong những thách thức lớn nhất hiện nay là tình trạng đình trệ của hàng trăm dự án.

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh nhìn nhận, để Quỹ Nhà ở quốc gia vận hành hiệu quả và phát triển bền vững, yếu tố nguồn vốn là vấn đề cốt lõi. Theo đó, nguồn vốn có thể đến từ nhiều kênh khác nhau, trong đó nguồn lực từ ngân sách nhà nước sẽ đóng vai trò là "vốn mồi" - yếu tố then chốt để quỹ vận hành.

Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng giảm đốc Batdongsan.com.vn cho rằng tại những đô thị tập trung đông dân cư và người lao động như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… nhu cầu nhà ở đang tăng lên nhanh chóng. Trong khi đó, việc phát triển nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội vẫn chậm, khiến tình trạng khan hiếm các sản phẩm này ngày càng trở nên nghiêm trọng. Trong bối cảnh đó, thành lập Quỹ nhà ở quốc gia là giải pháp đột phá, có tính khả thi, vừa giúp an sinh xã hội, vừa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.

Còn theo TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), trong những thập kỷ vừa qua, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu đáng kể về phát triển kinh tế và đô thị hóa. Tuy nhiên, nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê giá rẻ vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người lao động. Tại một số khu công nghiệp, công nhân thường phải thuê nhà trọ với điều kiện sống thiếu thốn, không đảm bảo an toàn và vệ sinh. Tình trạng này cần phải sớm khắc phục.

Để thành lập Quỹ nhà ở quốc gia, TS. Đính cho rằng Nhà nước cần có quy hoạch và quỹ đất rõ ràng cho phát triển quỹ nhà ở. Việc sử dụng hiệu quả quỹ đất công, kết hợp với các chính sách ưu đãi, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xây dựng các dự án nhà ở phù hợp với nhu cầu người dân.

Ngoài ra, cũng cần sự chung tay của cả người lao động. Đây là một giải pháp mang tính xã hội hóa cao, thể hiện trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với cộng đồng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp bất động sản phải thể hiện rõ ràng hơn trách nhiệm trong hoạt động này.

Theo ông Nguyễn Quốc Anh, muốn nhiều người dân mua được nhà cần quan tâm đến nguồn vốn cho vay. Trước đó, dù đã có quỹ 120.000 tỷ đồng nhưng là do các ngân hàng đóng góp, vẫn hoạt động theo kiểu có lợi nhuận nên thực tế không hấp dẫn.

“Nếu thành lập Quỹ nhà ở quốc gia mà Nhà nước giữ vai trò điều phối, với lãi suất và thời gian vay hợp lý, người dân sẽ có cơ hội mua nhà. Quỹ này lấy từ quỹ bảo hiểm xã hội của người dân để hỗ trợ chính người dân. Song, cần lưu ý đến cơ chế xét duyệt và giám sát chặt chẽ nhằm đảm bảo hiệu quả, minh bạch, tránh thất thoát’, ông Nguyễn Quốc Anh nêu quan điểm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Quỹ nhà ở quốc gia sẽ hoạt động phi lợi nhuận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO