Đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội (Điều 4), nhiều đại biểu Quốc hội tại Tổ 2 gồm các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh, việc thành lập Quỹ Nhà ở quốc gia là cần thiết nhằm huy động các nguồn lực để thực hiện việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, quy định về Quỹ Nhà ở quốc gia còn khá chung, chưa thể hiện rõ cơ quan quản lý, mô hình tổ chức hoạt động, nguồn thu, nhiệm vụ chi.
“Đây là cơ chế chính sách mới, rất quan trọng. Do đó, cần bổ sung và làm rõ các nội dung quy định về Quỹ Nhà ở quốc gia trong dự thảo Nghị quyết. Nghị quyết cần quy định đầy đủ các nội dung mang tính chất khung để làm cơ sở cho Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết”, các Đại biểu đề xuất.
Khoản 2 Điều 4 quy định về các nguồn hình thành Quỹ Nhà ở quốc gia. Một số nguồn thu được quy định như: nguồn thu từ việc đóng tiền tương đương giá trị quỹ đất đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở; nguồn từ bán nhà ở thuộc tài sản công. Việc không phân định nguồn thu sẽ dẫn đến trùng lắp và khó thực hiện, nếu nguồn thu đó đã đưa vào nguồn thu của Quỹ ở Trung ương thì không thể đưa vào nguồn thu của Quỹ ở địa phương. Do đó, nếu thành lập ở cả Trung ương và địa phương thì cần phân định chức năng, nhiệm vụ của Quỹ này ở từng cấp để đảm bảo việc huy động nguồn lực và thực hiện nội dung chi cho phù hợp theo từng cấp độ.
Mặt khác, khoản 1 Điều 11 lại quy định “Ưu tiên sử dụng nguồn thu mà chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại đóng tiền tương đương giá trị quỹ đất 20% đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tạo quỹ đất phát triển nhà ở xã hội”. Như vậy, là có sự mâu thuẫn về cơ chế quản lý, sử dụng nguồn thu nên đề nghị xem xét lại nội dung này.
Bên cạnh đó, hiện nay, một số địa phương vẫn đang duy trì hoạt động của Quỹ phát triển nhà ở tỉnh, thành phố (cụ thể như Quỹ Phát triển nhà ở TP. HCM), trong đó cũng có việc thực hiện chức năng đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhưng do nguồn vốn còn hạn chế nên trong thời gian qua không có đủ nguồn lực để thực hiện đầu tư phát triển các dự án nhà ở xã hội. Nếu Quỹ Nhà ở quốc gia được thành lập tại địa phương và vẫn tồn tại Quỹ Phát triển nhà ở tỉnh, thành phố thì cần xem xét, đánh giá để tránh sự trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ hoạt động của các loại Quỹ, cần quy định rõ việc tiếp tục duy trì hoặc điều chỉnh cho phù hợp, đồng thời cần tính toán để đảm bảo nguồn lực hoạt động của các loại Quỹ trong thực tế.
Ngoài ra, khoản 3 Điều 4 quy định “Quỹ nhà ở quốc gia thực hiện chức năng đầu tư xây dựng, tạo lập quỹ nhà ở xã hội, nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuê mua, thuê”. Như vậy, ngoài tạo lập quỹ nhà ở xã hội, Quỹ Nhà ở quốc gia còn có chức năng đầu tư xây dựng, tạo lập “nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuê mua, thuê”, tức là không phải nhà ở xã hội.
Việc đưa ra quy định này cần làm rõ đối tượng nhà ở cho công chức, viên chức, người lao động thuê mua, thuê, bởi quy định này không xác định được loại hình nhà ở nào theo pháp luật nhà ở. Mặt khác, trong khi tên gọi Nghị quyết là “Thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội” thì phạm vi điều chỉnh lại quy định về Quỹ Nhà ở quốc gia, trong đó có chức năng tạo lập “quỹ nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuê mua, thuê” (không phải là nhà ở xã hội) là chứa đựng nội hàm rộng hơn, do đó chưa đảm bảo sự phù hợp theo nội dung tên gọi của Nghị quyết.
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Đoàn ĐBQH TP.HCM) thống nhất với việc hình thành Quỹ này, nhưng cần rà soát sự phù hợp với Luật Ngân sách Nhà nước, cụ thể là quy định tại khoản 19 Điều 4 Luật Ngân sách Nhà nước, khoản 2 Điều 12 Nghị định 163 (hướng dẫn Luật Ngân sách Nhà nước). Theo đó, ngân sách Nhà nước không hỗ trợ kinh phí cho các Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, cũng như các nguồn thu, nhiệm vụ chi của Quỹ không trùng với nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách Nhà nước. Trong khi khoản 2 Điều 4 dự thảo Luật có quy định một trong những nguồn thu “từ việc đóng tiền tương đương giá trị quỹ đất đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở, nguồn từ bán nhà ở thuộc tài sản công hợp pháp khác”.
Đối với điều kiện, tiêu chí ưu tiên giao chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại khoản 3 Điều 5, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh cho rằng, điểm a, chưa thể hiện điều kiện vượt trội so với quy định hiện hành. Điểm b đề cập về tiêu chí ưu tiên giao chủ đầu tư nội dung còn rất chung chung.