Quy định mới về phí thẩm định đánh giá trữ lượng khoáng sản

PV | 13:12 23/02/2024

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 10/2024/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định đánh giá trữ lượng khoáng sản và lệ phí cấp giấy phép hoạt động khoáng sản. Thông tư có hiệu lực từ ngày 21/3/2024.

Quy định mới về phí thẩm định đánh giá trữ lượng khoáng sản
Bộ Tài chính ban hành quy định mới về mức thu, sử dụng phí thẩm định đánh giá trữ lượng khoáng sản. Ảnh minh họa, nguồn - Int

Thông tư này áp dụng đối với người nộp phí, lệ phí; tổ chức thu phí, lệ phí; tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định đánh giá trữ lượng khoáng sản và lệ phí cấp giấy phép hoạt động khoáng sản.

Theo đó, người nộp lệ phí theo quy định tại Thông tư này là tổ chức, cá nhân được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoáng sản; Là tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đề nghị phê duyệt trữ lượng khoáng sản cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt trữ lượng báo cáo thăm dò khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoáng sản.

Tại Thông tư số 10/2024/TT-BTC, Bộ Tài chính đã quy định rõ mức thu phí thẩm định đánh giá trữ lượng khoáng sản và lệ phí cấp giấy phép hoạt động khoáng sản.

Cụ thể, mức thu phí thẩm định đánh giá trữ lượng khoáng sản được quy định như sau:

screenshot-2024-02-19-140122.png
Mức thu phí thẩm định đánh giá trữ lượng khoáng sản.

Về mức thu lệ phí cấp giấy phép hoạt động khoáng sản, đối với hoạt động thăm dò có diện tích thăm dò nhỏ hơn 100 hec-ta (ha), mức thu là 4 triệu đồng/01 giấy phép; diện tích thăm dò từ 100 ha đến 50.000 ha, mức thu là 10 triệu đồng/01 giấy phép; diện tích thăm dò trên 50.000 ha, mức thu là 15 triệu đồng/01 giấy phép.

Đối với các hoạt động khác thì mức thu quy định như sau: 1 triệu đồng /01 giấy phép khai thác cát, sỏi lòng suối có công suất khai thác dưới 5.000 m3/năm; 10 triệu đồng/01 giấy phép khai thác cát, sỏi lòng suối có công suất khai thác từ 5.000 m3 đến 10.000 m3/năm; 15 triệu đồng/01 giấy phép khai thác cát, sỏi lòng suối có công suất khai thác trên 10.000 m3/năm; 80 triệu đồng/01 giấy phép khai thác khoáng sản quý hiếm; 100 triệu đồng/01 giấy phép khai thác khoáng sản đặc biệt và độc hại...

Người nộp phí, lệ phí thực hiện nộp lệ phí khi được cấp giấy phép hoạt động khoáng sản, nộp phí theo thông báo của tổ chức thu phí; phí, lệ phí nộp cho tổ chức thu phí, lệ phí theo hình thức quy định tại Thông tư số 74/2022/TT-BTC 22/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về hình thức, thời hạn thu, nộp, kê khai các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quy định của Bộ.

Chậm nhất ngày 05 hàng tháng, tổ chức thu phí nộp toàn bộ số phí thu được của tháng trước vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách của tổ chức thu phí mở tại Kho bạc Nhà nước. Tổ chức thu phí, lệ phí thực hiện kê khai, thu, nộp phí, lệ phí theo quy định tại Thông tư số 74/2022/TT-BTC.

Thông tư số 10/2024/TT-BTC nêu rõ, tổ chức thu phí được để lại 70% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 82/2023/NĐ-CP ngày 28/11/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23/8/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí; nộp 30% số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước.

Trường hợp tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước không thuộc diện được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 82/2023/NĐ-CP nộp toàn bộ tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước. Nguồn chi phí trang trải cho hoạt động thẩm định, thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.


(0) Bình luận
Quy định mới về phí thẩm định đánh giá trữ lượng khoáng sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO