Quốc hội xem xét việc sắp xếp các tổ chức trong Mặt trận Tổ quốc

PV | 08:32 21/05/2025

Ngày 21/5, theo chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XV, Quốc hội sẽ xem xét sửa đổi Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong đó có việc sắp xếp lại tổ chức, hội quần chúng trực thuộc.

Quốc hội xem xét việc sắp xếp các tổ chức trong Mặt trận Tổ quốc
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp ngày 21/5, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quochoi.vn

Dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định vị trí, vai trò, nguyên tắc tổ chức, hoạt động và tổ chức bộ máy của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong đó khẳng định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Mặt trận giữ vai trò chủ trì, các tổ chức chính trị - xã hội cùng với các tổ chức thành viên khác phối hợp, đồng thời phát huy sự chủ động, sáng tạo của mỗi tổ chức trong hiệp thương dân chủ, thống nhất hành động.

Các tổ chức chính trị - xã hội, các hội do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ là các tổ chức thành viên trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được tổ chức và hoạt động thống nhất trong Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Quy định này thực hiện theo Điều 9, Điều 10 Hiến pháp năm 2013 (sau sửa đổi, bổ sung).

Ngoài ra, dự luật cũng điều chỉnh Tổ chức Mặt trận ở cấp tỉnh, cấp xã, không tổ chức ở cấp huyện để đồng bộ với việc sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.

Để đồng bộ với các nội dung trong luật này, Quốc hội cũng xem xét sửa đồng thời hai luật khác là Công đoàn và Thanh niên. Trong đó, dự thảo khẳng định Công đoàn và Đoàn thành niên cộng sản Hồ Chí Minh là tổ chức thành viên trực thuộc Mặt trận.

Công đoàn là đại diện của người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quan hệ quốc tế về công đoàn. Hệ thống tổ chức của Công đoàn cũng đồng bộ với mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Dự luật cũng thể chế hóa chủ trương kết thúc hoạt động của công đoàn viên chức, công đoàn lực lượng vũ trang; giảm mức đóng góp công đoàn phí của đoàn viên.

Qua 10 năm thi hành Luật, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã khẳng định vai trò quan trọng, tính chất liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện. Khối liên minh chính trị không ngừng được mở rộng, tăng cường, công tác Mặt trận ngày càng đạt kết quả cao và toàn diện trên nhiều lĩnh vực.

Tuy nhiên, tổ chức bộ máy của Mặt trận, tổ chức chính trị xã hội, các hội quần chúng được đánh giá chậm đổi mới. Lực lượng và đội ngũ cán bộ tập trung ở trung ương, cấp tỉnh, cấp xã còn mỏng và chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của công tác Mặt trận phải gần dân, sát dân, gắn bó với dân.

Trong một số hoạt động, một số thời điểm, việc phối hợp các tổ chức thành viên của Mặt trận chưa chặt chẽ, có sự trùng lắp chức năng, nhiệm vụ. Việc hiệp thương, phối hợp và thống nhất hành động của Mặt trận với các tổ chức thành viên chưa rõ vai trò chủ trì và phối hợp, chưa rõ nguyên tắc thống nhất và phát huy sự chủ động, sáng tạo của mỗi tổ chức thành viên.

Để kịp thời giải quyết những vấn đề tồn tại trên, cùng việc tổ chức bộ máy của Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng, việc sửa đổi các luật trên là cấp thiết. Dự án luật sẽ tạo lập cơ sở pháp lý đầy đủ nhằm nâng cao vai trò, vị thế chủ trì của Mặt trận và phát huy vai trò phối hợp, chủ động, sáng tạo các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng.

Đoàn thể, hội quần chúng địa phương sẽ trực thuộc Mặt trận Tổ quốc

Trước đó, theo hướng dẫn ngày 23/4 của Ban Tổ chức Trung ương, các địa phương sẽ xây dựng đề án sắp xếp bộ máy cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trong đó, cơ quan tham mưu, giúp việc của các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ sẽ hợp nhất với cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh.

Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh sẽ được tổ chức ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh. Đối với các tỉnh, thành sáp nhập, số lượng ủy viên Mặt trận Tổ quốc không vượt quá tổng số ủy viên hiện có. Các tỉnh, thành không sáp nhập giữ nguyên số lượng ủy viên.

Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, thành phố sẽ bao gồm chủ tịch và các phó chủ tịch. Tỉnh thành sáp nhập sẽ xem xét bố trí chủ tịch, phó chủ tịch chuyên trách Mặt trận Tổ quốc hiện nay và trưởng các tổ chức chính trị - xã hội, làm phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh mới.

Trong đó, một phó chủ tịch đồng thời là chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh; một phó chủ tịch làm chủ tịch Hội Nông dân tỉnh; một phó chủ tịch làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh; một Phó chủ tịch làm Bí thư Đoàn tỉnh; một phó chủ tịch làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh.

Tỉnh thành không hợp nhất sẽ bố trí phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc chuyên trách hiện nay và 5 trưởng tổ chức chính trị - xã hội là phó chủ tịch cơ quan mới, đồng thời kiêm trưởng tổ chức chính trị - xã hội.

Số lượng Ban chấp hành, Ban Thường vụ các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh thuộc diện sáp nhập không vượt quá tổng số ủy viên ban chấp hành, ban thường vụ các tổ chức hiện có (không tính người nghỉ hưu, chuyển công tác hoặc có nguyện vọng xin thôi). Cấp phó của tổ chức chính trị - xã hội trước mắt giữ như hiện nay. Với tỉnh thành không sáp nhập, số ủy viên ban chấp hành, ban thường vụ và cấp phó các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh cũng giữ nguyên.

Các tổ chức chính trị - xã hội gồm Công đoàn, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh hoạt động theo Điều lệ của mỗi tổ chức, có con dấu, tài khoản riêng, đảm bảo trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và được "độc lập tương đối".

Cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, thành là cơ quan tham mưu, giúp việc Ủy ban, Ban Thường trực Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh. Cơ quan này được lập 9-10 ban, gồm Văn phòng; Ban Tổ chức, Kiểm tra; Ban Dân chủ, giám sát và phản biện xã hội; Ban Công tác Công đoàn; Ban Công tác Nông dân; Ban Công tác Thanh thiếu nhi; Ban Công tác Phụ nữ; Ban Công tác Cựu chiến binh.

Tùy theo điều kiện thực tiễn, Ban Thường vụ tỉnh, thành ủy quyết định lập 1-2 ban có tính đặc thù như dân tộc, tôn giáo, công đoàn khu công nghiệp, ban công tác hội quần chúng hoặc ban tuyên giáo công tác xã hội. Các đơn vị sự nghiệp của tổ chức chính trị - xã hội cũng sẽ trực thuộc Cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, gồm nhà văn hóa thanh thiếu nhi, nhà văn hóa lao động, quỹ hỗ trợ nông dân, quỹ hỗ trợ phụ nữ.

Với các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở các tỉnh, thành thuộc diện sáp nhập, tổng số ủy viên ban chấp hành, ban thường vụ không vượt quá tổng số ủy viên hiện có trước khi sáp nhập.

Ngày 28/2, Bộ Chính trị, Ban Bí thư yêu cầu sắp xếp lại các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ về trực thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để đồng bộ với cơ cấu tổ chức đảng hiện nay. Theo nghị quyết 60 của Trung ương ngày 12/4, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở cấp Trung ương, cấp tỉnh và cấp xã sẽ được tinh gọn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Quốc hội xem xét việc sắp xếp các tổ chức trong Mặt trận Tổ quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO