Sáng 16/5, phát biểu tại phiên thảo luận ở hội trường đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Tạ Văn Hạ nhìn nhận doanh nghiệp tư nhân hiện đối mặt nhiều điểm nghẽn, phải tháo gỡ mới phát triển được.
Theo ông Hạ, Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân là bước đột phá, khơi thông nguồn lực nội tại thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước trong kỷ nguyên mới.
"Tôi kỳ vọng nghị quyết này như một luồng gió thổi cánh diều kinh tế tư nhân bay xa", ông Hạ nói.
Tuy nhiên, ông Hạ cũng băn khoăn các quy định nêu tại dự thảo nghị quyết "chưa đủ mạnh". Một số nội dung đã có trong các luật, nghị quyết ban hành trước đó, như việc đảm bảo nguyên tắc suy đoán vô tội đã nêu trong Hiến pháp, nên không phải cơ chế đặc biệt cho doanh nghiệp tư nhân.
Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp, đồng tình với ý kiến của đại biểu Tạ Văn Hạ.
"Đề nghị bỏ quy định đảm bảo suy đoán vô tội trong xử lý vi phạm tại dự thảo nghị quyết, do đã quy định tại Hiến pháp, Bộ luật Tố tụng Hình sự nên đây không phải chính sách đặc thù, đặc biệt", bà Thủy nói.
Tương tự, nội dung "không áp dụng hồi tố bất lợi cho doanh nghiệp" đã được nêu tại Bộ luật Hình sự, Luật Xử phạt Vi phạm pháp luật. Tức là, không chỉ doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân cũng không chịu quy định hồi tố bất lợi hơn cho họ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Nguyễn Thị Thủy đề nghị bỏ nội dung này tại dự thảo nghị quyết.
Về "bảo đảm giá trị niêm phong, kê biên, tạm giữ, phong tỏa tương ứng với dự kiến hậu quả thiệt hại trong vụ án", bà Thủy nhận xét "không hay, không vượt trội" như đã quy định tại Bộ luật Hình sự.
Bà Thủy đề nghị cho phép áp dụng thí điểm tương tự nội dung tại Nghị quyết 164 của Quốc hội với vi phạm ở vụ án thuộc chỉ đạo của Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng. Tức là, dự thảo cho phép doanh nghiệp được đặt tiền đảm bảo để giải phong tỏa tài sản, chủ sở hữu được khai thác tiếp tài sản này, thay vì bị đóng băng như hiện nay để đưa nguồn lực vào sản xuất, kinh doanh.
Bà Nguyễn Thị Việt Nga, Phó đoàn đại biểu tỉnh Hải Dương, cũng cho rằng cần cơ chế đủ mạnh hơn tại dự thảo nghị quyết, như việc chuyển từ kiểm tra tiền kiểm sang hậu kiểm. Bà nêu thực tế nhiều đối tượng đã lợi dụng chính sách thông thoáng để lập ra hàng trăm công ty không hoạt động thực tế, mua bán hóa đơn, trốn thuế, rửa tiền, gây thất thu ngân sách và làm méo mó môi trường cạnh tranh.
"Có vụ việc cơ quan chức năng đã phát hiện tới hơn 600 doanh nghiệp ma xuất trên 1 triệu hóa đơn khống, với giá trị giao dịch lên tới gần 64.000 tỷ đồng", Phó đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương nói, đồng thời đề nghị cần có cơ chế hậu kiểm đủ mạnh, minh bạch, tránh tạo kẽ hở để các "doanh nghiệp ma" lợi dụng.
Ông Tạ Văn Hạ lưu ý việc thực thi chính sách cần ổn định và bổ sung hỗ trợ giải quyết tranh chấp thương mại, hội nhập quốc tế.
"Doanh nghiệp cũng cần sự ổn định của chính sách. Nhiều công ty mới khởi nghiệp vừa dồn lực đầu tư, chính sách lại thay đổi, họ phải quay lại thời điểm xuất phát nên rất khó", ông Tạ Văn Hạ nêu thực tế.
Đại biểu Trần Thị Vân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh cho rằng, chính sách miễn, giảm thuế cần phải đúng lúc, đúng thời điểm, đúng đối tượng để nuôi dưỡng hệ sinh thái khởi nghiệp, nuôi dưỡng lực lượng tiên phong đổi mới sáng tạo.
Đại biểu Trần Thị Vân nhấn mạnh, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chuyển mạnh sang mô hình kinh tế tri thức, tài sản vô hình, đặc biệt là quyền sở hữu trí tuệ ngày càng đóng vai trò quan trọng, quyết định năng lực cạnh tranh quốc gia. Với các startup, sản phẩm cốt lõi là công nghệ, thuật toán hoặc ý tưởng độc quyền; nếu không được bảo hộ kịp thời, doanh nghiệp dễ bị mất thị trường, bị sao chép công nghệ hoặc gặp rủi ro pháp lý.
Tại Việt Nam, phần lớn các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa đủ năng lực tài chính, pháp lý để thực hiện đăng ký sở hữu trí tuệ đúng chuẩn và đúng thời điểm. Nhiều trường hợp đã bị mất nhãn hiệu, bị chiếm tên miền, hoặc không thể gọi vốn do thiếu chứng nhận quyền sở hữu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá trị doanh nghiệp và khả năng phát triển ra thị trường quốc tế.
Vì vậy, bảo vệ tài sản trí tuệ không chỉ để phòng ngừa rủi ro pháp lý, mà là chiến lược phát triển doanh nghiệp. Do đó, đại biểu Trần Thị Vân cũng đề nghị Ban soạn thảo bổ sung một điều khoản về hỗ trợ chi phí đăng ký và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ vào Chương 5 của dự thảo Nghị quyết.
Làm rõ thêm ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết các quy định, chính sách nêu tại dự thảo nghị quyết nhằm thể chế hóa các nội dung của Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị.
Nội dung về thanh, kiểm tra, giải quyết phá sản, xử lý vi phạm vụ án... ông Thắng cho hay dự thảo nghị quyết chỉ đưa ra quy định mang tính nguyên tắc, đảm bảo tuân thủ đúng chủ trương của Nghị quyết 68. Tức là, hoạt động thanh, kiểm tra sẽ chuyển mạnh từ tiền kiểm, hậu kiểm và không làm giảm hiệu lực quản lý Nhà nước, hoạt động của doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm, các cơ quan vẫn có quyền thanh tra, kiểm tra đột xuất.
"Chúng tôi sẽ tiếp thu, hoàn thiện dự thảo nghị quyết để có tính thực tiễn, khả thi và thống nhất quy định hiện hành", Bộ trưởng Thắng chốt lại.
Dự kiến Quốc hội sẽ biểu quyết, thông qua dự thảo nghị quyết này vào sáng 17/5.