Quốc gia Trung Á có 5.000 mỏ khoáng sản sắp cùng Nga thảo luận xây nhà máy điện hạt nhân

Minh Hằng | 14:27 27/11/2024

Chuyến thăm của Tổng thống Putin đến Kazakhstan được kỳ vọng sẽ định hình những bước phát triển quan trọng trong ngành năng lượng, hợp tác khu vực và vị thế địa chính trị của quốc gia Trung Á.

Quốc gia Trung Á có 5.000 mỏ khoáng sản sắp cùng Nga thảo luận xây nhà máy điện hạt nhân
Tổng thống Nga Vladimir Putin có chuyến thăm Kazakhstan vào ngày 27/11. Ảnh: Shutterstock

Theo TASS, vào ngày 27/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin có chuyến thăm Kazakhstan theo lời mời của Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev. Trong khuôn khổ của chuyến thăm này, Nga và Kazakhstan sẽ thảo luận về năng lượng hạt nhân. Theo tờ The Times of Central Asia (TCA), Bộ trưởng Năng lượng Kazakhstan Almasadam Satkaliyev cho biết, quốc gia này đã sẵn sàng thảo luận về việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân với Nga cùng những đối tác tiềm năng khác.

Ông Almasadam Satkaliyev nhấn mạnh rằng, vấn đề năng lượng chính là nền tảng của hợp tác quốc tế. Trên thực tế, Kazakhstan đã tiến hành thiết lập một ủy ban liên chính phủ nhằm đánh giá những đề xuất từ các nhà cung cấp khác nhau, dựa trên cơ sở cạnh tranh.

Ông Roman Sklyar, Phó Thủ tướng thứ nhất của Kazakhstan nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc thành lập một tập đoàn liên doanh quốc tế cho dự án này.

tt-putin_11zon.jpg

Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ trì cuộc họp với lãnh đạo Bộ Quốc phòng, đại diện của ngành công nghiệp quốc phòng và các nhà phát triển hệ thống tên lửa, tại Moscow, Nga, ngày 22/11/2024. Ảnh: Reuters

Trước đó, vào tháng 9, ông Sklyar cho biết những rủi ro chính trị và mối lo ngại về an toàn sẽ được giải quyết trong suốt quá trình. Phó Thủ tướng thứ nhất của Kazakhstan cũng khẳng định về sự cần thiết phải tích hợp các công nghệ tiên tiến từ các nhà lãnh đạo toàn cầu trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân.

Gần đây nhất, vào ngày 14/11, Thủ tướng Kazakhstan Olzhas Bektenov đã có cuộc gặp với Tổng Giám đốc Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Nhà nước Nga (Rosatom). Cuộc gặp này tập trung vào hợp tác về năng lượng hạt nhân, công nghệ lượng tử, số hóa và phát triển nguồn nhân lực.

Xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Kazakhstan nhận được sự ủng hộ lớn

lang-ulken.jpg

Chính quyền Kazakhstan có kế hoạch xây nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại khu vực làng Ulken, nằm gần bờ hồ Balkhash. Ảnh: AFP

Kết quả của cuộc trưng cầu dân ý tháng 10/2024 cho thấy, có tới 71,2% cử tri Kazakhstan tán thành việc xây dựng một nhà máy điện hạt nhân tại Kazakhstan. Nhà máy này được coi là giải pháp cho tình trạng thiếu điện được dự kiến sẽ ngày càng trở nên trầm trọng ở Kazakhstan. Việc tự chủ dòng điện sẽ giúp giảm sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu điện và đạt được những mục tiêu trung hòa carbon.

Hơn nữa, xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Kazakhstan giúp mang lại cơ hội để đảm bảo nguồn cung điện ổn định và xuất khẩu điện dư thừa, cũng như củng cố vị thế năng lượng của quốc gia và giảm phụ thuộc vào than đá. Nhưng theo các chuyên gia, việc chọn đối tác quốc tế tiềm năng như Rosatom có thể dẫn tới sự phụ thuộc của Kazakhstan với Nga, đồng thời khó định hình đất nước như một đối tác tiềm năng trung lập, một cường quốc tầm trung và nhà hòa giải trong xung đột.

Hiện nay, năng lượng Kazakhstan phụ thuộc chủ yếu vào các nhà máy nhiệt điện công nghệ cũ sắp không đáp ứng nhu cầu của dân số và nền kinh tế đang phát triển. Theo các chuyên gia, tình trạng thiếu điện được dự kiến sẽ ngày càng trở nên trầm trọng, nhất là ở các khu vực đang phát triển.

Nhà máy điện hạt nhân dự kiến sẽ được đặt tại bờ hồ Balkhash, gần làng Ulken vốn gần như đã bị bỏ hoang. Chính quyền Kazakhstan ước tính chi phí xây nhà máy sẽ khoảng 10 - 12 tỷ USD.

Thách thức của Kazakhstan khi xây nhà máy điện hạt nhân

nha-may-dien-hat-nhan-1.jpg

Thông qua Tập đoàn Rosatom, Nga hiện là ứng cử viên hàng đầu cho dự án nhà máy điện hạt nhân của Kazakhstan. Ảnh: Sputnik

Hiện nay, với hơn 26 trong số 59 lò phản ứng đang được xây dựng trên thế giới do Rosatom đảm nhận, Nga vẫn được coi là một cường quốc về hạt nhân không thể xem nhẹ.

Tuy nhiên, theo RFE/RL, việc Kazakhstan hợp tác với Tập đoàn Rosatom của Nga mang đến không ít thách thức cho quốc gia này. Cụ thể, thứ nhất, một mối lo ngại lớn là việc bị ảnh hưởng bởi những lệnh trừng phạt do căng thẳng địa chính trị giữa Nga và phương Tây. Dù Rosatom không bị trừng phạt trực tiếp nhưng những chuỗi cung ứng của công ty này đã bị ảnh hưởng dẫn đến sự chậm trễ trong những dự án.

Thứ hai, sự phụ thuộc vào Nga về năng lượng hạt nhân có thể tạo ra một sự gắn kết chặt chẽ về an ninh và chính trị.

Thứ ba, việc xây dựng một nhà máy điện hạt nhân không chỉ nằm ở vấn đề tài chính mà còn có liên quan tới khả năng vận hành, bảo trì và bảo vệ. Bởi các quốc gia sở hữu những nhà máy điện hạt nhân do Nga xây dựng có thể phải phụ thuộc vào kỹ thuật cũng như công nghệ từ Nga trong suốt vòng đời của nhà máy.

Kazakhstan là một trong những quốc gia giàu tài nguyên nhất thế giới. Tổng giá trị của khoảng 5.000 mỏ khoáng sản tại Kazakhstan ước tính có thể lên đến hàng chục nghìn tỷ USD.

Cụ thể, Kazakhstan hiện đứng đầu thế giới về trữ lượng kẽm, vonfram và barit; đứng thứ hai về bạc, chì và crom, thứ ba về đồng và fluorit; thứ tư về molypden, thứ sáu về vàng và đứng thứ chín về dầu khí.

Bài tham khảo nguồn: Tass, AFP, RFE/RL, Britannica


(0) Bình luận
Quốc gia Trung Á có 5.000 mỏ khoáng sản sắp cùng Nga thảo luận xây nhà máy điện hạt nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO