[Podcast] Tài chính tuần qua: Các ngân hàng điều chỉnh lãi suất cho vay và lãi suất huy động

Quỳnh Anh | 09:18 24/12/2022

Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam vượt 700 tỷ USD, tiền gửi của người dân vào ngân hàng tăng mạnh, thanh khoản thị trường chứng khoán thấp nhất 1 tháng và một số tin tức nổi bật khác sẽ có trong bản tin tuần này.

[Podcast] Tài chính tuần qua: Các ngân hàng điều chỉnh lãi suất cho vay và lãi suất huy động
Ảnh minh hoạ.

Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam vượt 700 tỷ USD

Việt Nam tiếp tục là một trong những nền kinh tế có độ mở lớn nhất thế giới. 

Tính đến ngày 15/12 vừa qua, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt hơn 701 tỷ USD, xuất siêu hơn 10 tỷ USD. 4 nhóm hàng đạt được kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện điện thoại và linh kiện đạt; máy móc, thiết bị dụng cụ, phụ tùng; dệt may.

Quy mô xuất nhập khẩu năm 2022 đạt một kỷ lục mới, đưa Việt Nam vào nhóm 20 quốc gia, vùng lãnh thổ có quy mô thương mại lớn nhất toàn cầu và đứng thứ 2 tại khu vực ASEAN (sau Singapore). 

Các ngân hàng bắt đầu điều chỉnh lãi suất cho vay và lãi suất huy động

Trong tuần qua, nhiều ngân hàng thương mại như SaigonBank, BaoVietBank, MSB, Oceanbank,... đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động niêm yết tối đa 1%, tùy từng kỳ hạn. 

Động thái này diễn ra trong bối cảnh Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam kêu gọi các ngân hàng đồng thuận áp dụng mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn tối đa 9,5%/năm, bao gồm cả khuyến mại. 

Đồng thời, một số ngân hàng thương mại như TPBank, VPBank đã triển khai chương trình cho vay ưu đãi với mức lãi suất giảm 1,5% - 2%/năm so với lãi suất thông thường. HDBank giảm lãi suất cho vay lên đến 3,5%/năm đối với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp ở các nhóm ngành nghề khác nhau. 

Bên cạnh đó còn nhiều ngân hàng công bố chương trình giảm lãi suất cho vay từ 0,5 – 3 điểm % như BIDV, AgriBank, Vietcombank, ACB, Eximbank…

Ngày 22/12, Ngân hàng Nhà nước có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng chủ động cân đối nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng đối với nền kinh tế, hạn chế tối đa rủi ro kỳ hạn; kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng đối với hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh chứng khoán.

"NHNN sẽ theo dõi các trường hợp tổ chức tín dụng tiếp tục tăng lãi suất và có biện pháp xử lý đối với các tổ chức tín dụng này", văn bản nêu rõ.

Tiền gửi của người dân vào ngân hàng tăng mạnh

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy kể từ tháng 10, dòng tiền gửi của người dân chảy vào hệ thống ngân hàng đã tăng trở lại.

Tính đến cuối tháng 10, tổng số dư tiền gửi của nhóm khách hàng dân cư tại hệ thống ngân hàng đạt trên 5,66 triệu tỷ đồng, tăng 6,78% so với đầu năm. Đáng chú ý, đây cũng là mức tăng cao nhất trong ba năm trở lại đây. 

Riêng tháng 10, số dư tiền gửi của người dân tăng gần 21.600 tỷ đồng, cao nhất 4 tháng đã qua. Theo chuyên gia, việc lãi suất tăng kéo khách hàng quay lại gửi tiết kiệm, dự báo từ giờ đến cuối năm, dòng tiền đổ về ngân hàng sẽ gia tăng.

Thị trường chứng khoán biến động, thanh khoản thấp nhất 1 tháng

Ngày 22/12, thị trường chứng khoán chấm dứt chuỗi 4 phiên giảm điểm liên tiếp, VN-Index tăng nhẹ với diễn biến giằng co duy trì trong phần lớn thời gian giao dịch. Khối ngoại bán ròng với tổng giá trị lên tới 2.530 tỷ đồng trên toàn thị trường, chấm dứt chuỗi 23 phiên mua ròng liên tiếp trong hơn 1 tháng giao dịch. 

Phiên giao dịch cuối tuần, thanh khoản thị trường tiếp tục sụt mạnh với tổng giá trị giao dịch trên các sàn chỉ đạt hơn 10.200 tỷ đồng, giảm hơn 28% so với phiên trước đó. Riêng giao dịch sàn HoSE chiếm 9.098 tỷ đồng, thấp nhất 1 tháng qua. 

VN- Index đóng cửa phiên giao dịch tuần này trên 1.020 điểm, giảm hơn 32 điểm so với dầu tuần, tương đương mức giảm 3%. 

Thị trường giảm, nhiều doanh nghiệp đã thông báo tạm dừng kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ, thậm chí rút hồ sơ chào bán cổ phần chỉ sau vài tháng thông qua. 

Thu ngân sách lập kỷ lục

Thu ngân sách nhà nước tính đến 15/12 đạt kỷ lục hơn 1,69 triệu tỷ đồng, vượt gần 20% so với dự toán cả năm. Theo Bộ Tài chính, kết quả này là nhờ kinh tế phục hồi đà tăng trưởng, GDP năm 2022 dự kiến tăng 7,5%, cao hơn kế hoạch đề ra.

"Việc miễn giảm, gia hạn thuế phí cũng giúp doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nhờ đó có số thu đóng góp về cho ngân sách", Bộ Tài chính cho biết.

Nhiều khoản thu thực tế đã vượt dự toán cả năm ngay từ tháng 11 như thu xuất nhập khẩu, dầu thô và các nhóm thu từ nội địa gồm khối doanh nghiệp nhà nước, ngoài quốc doanh, doanh nghiệp có vốn nước ngoài, thu tiền sử dụng đất, hoạt động xổ số kiến thiết... 

Bên cạnh đó, hoạt động chuyển nhượng bất động sản cũng đóng góp tích cực vào ngân sách khi dự kiến cả năm thu hơn 41.000 tỷ đồng - gần gấp đôi năm ngoái.

Một số tin tức nổi bật của các doanh nghiệp

VinFast thanh toán 10.000 tỷ đồng trái phiếu đến hạn

Trong 2 tháng cuối năm 2022, VinFast đã thanh toán đầy đủ và đúng hạn 10.000 tỷ đồng tiền gốc và lãi trái phiếu. Đây là lô trái phiếu riêng lẻ do TCBS tư vấn và đáo hạn lần lượt trong tháng 12, được Vingroup bảo lãnh thanh toán. 

Trong tháng 11, VinFast đã thanh toán gốc, lãi đúng hạn của lô trái phiếu trị giá 2.280 tỷ đồng cho nhà đầu tư. Tính tới ngày 19/12, công ty này hoàn tất thanh toán 5.700 tỷ đồng và dự kiến 2.020 tỷ đồng sẽ được thanh toán đợt cuối trong ngày 23/12.

HDBank thông qua phương án phát hành trái phiếu quốc tế

HDBank đã hoàn thành việc xin ý kiến cổ đông bằng văn bản thông qua phương án phát hành 500 triệu USD trái phiếu chuyển đổi quốc tế và nâng room ngoại từ 18% lên 20% vốn điều lệ mới. 

Theo đó, HDBank sẽ phát hành tối đa 5.000 trái phiếu chuyển đổi quốc tế qua phương thức phát hành riêng lẻ trong năm 2023 và 2024, tổng mệnh giá phát hành dự kiến tối đa là 500 triệu USD.

Trái phiếu chuyển đổi bổ sung vốn tự có cấp 2 của ngân hàng, có thể chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông. Đồng thời, việc nới room ngoại sẽ giúp các quỹ đầu tư chuyên nghiệp quốc tế có thể mua trái phiếu phát hành lần này của HDBank. 

Trước đó, HDBank đã phát hành thành công 325 triệu USD trái phiếu chuyển đổi quốc tế cho các định chế tài chính uy tín hàng đầu thế giới.

KIDO sẽ chia cổ tức đặc biệt và bán toàn bộ cổ phiếu quỹ cho đối tác ngoại

Ngày 20/12, CTCP Tập đoàn KIDO tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường với việc thông qua chia cổ tức đặc biệt cho cổ đông với tỷ lệ 50%. Tổng số tiền dự kiến công ty phải chi ra cho đợt trả cổ tức này là hơn 1.336 tỷ đồng. Nguồn tiền để chi trả được lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại thời điểm cuối tháng 6 (hơn 1.781 tỷ đồng).

Đại hội đồng cổ đồng cổ đông Kido cũng đã thông qua việc bán ra toàn bộ 22,5 triệu cổ phiếu quỹ đang nắm giữ và mua lại 10 triệu cổ phiếu ngay sau đó để giảm vốn điều lệ tương ứng. 

Nếu mua lại thành công, vốn điều lệ của KDC sẽ giảm xuống còn 2.697 tỷ đồng. Trong đó, số lượng cổ phiếu lưu hành là 269,7 triệu cổ phiếu và số lượng cổ phiếu quỹ bằng 0.

Chứng khoán Việt Thành bị phạt vì đầu tư hơn 33% vốn vào một cổ phiếu

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa phạt Công ty chứng khoán Việt Thành 125 triệu đồng vì vi phạm quy định không được đầu tư quá 15% vốn chủ sở hữu vào một cổ phiếu niêm yết. 

Cuối năm ngoái, Chứng khoán Việt Thành đầu tư 19,69% vốn chủ sở hữu vào cổ phiếu của Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh (CII). Đến cuối tháng 3, công ty tiếp tục dành hơn 28,2% vốn để mua CII và 16% cho cổ phiếu của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng. Tính đến ngày 30/6/2022, công ty đã đầu tư hơn 33% vốn chủ sở hữu vào cổ phiếu CII. 

Bài liên quan

(0) Bình luận
[Podcast] Tài chính tuần qua: Các ngân hàng điều chỉnh lãi suất cho vay và lãi suất huy động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO