VN-Index tiếp tục ghi nhận tuần giao dịch rung lắc, giằng co mạnh. Áp lực bán mạnh tại nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn khiến chỉ số có thời điểm lùi về sát ngưỡng 1.000 điểm. Nhóm cổ phiếu thép và dịch vụ tài chính chịu sự điều chỉnh nặng nề nhất với mức giảm hơn 9%. Xét theo mức độ đóng góp, cổ phiếu VIC, HPG, GAS, NVL là những mã có tác động tiêu cực nhất đến VN-Index trong tuần. Ngược lại, VHM, MSN và STB là những cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất.
Tính chung cả tuần, VN-Index giảm 32,14 điểm (3,05%) xuống mức 1.020,34 điểm; trong khi đó HNX-Index giảm gần 7,7 điểm xuống mức 205,3 điểm. Trong bối cảnh thị trường điều chỉnh, thanh khoản cũng liên tục sụt giảm cho thấy tâm lý thận trọng, giằng co đang hiện diện rõ ràng hơn trong ngắn hạn. Giá trị giao dịch bình quân trên HOSE trong tuần qua chưa tới 14.000 tỷ đồng/phiên, thậm chí trong phiên cuối tuần thị giá trị giao dịch khớp lệnh trên HoSE xuống dưới ngưỡng 7.000 tỷ đồng, thấp nhất trong hơn 2 tháng.
Trái ngược với sự thận trọng của nhà đầu tư trong nước, khối ngoại vẫn cho thấy sự lạc quan với việc tiếp tục mua ròng 1.457 tỷ đồng trong tuần qua. Song con số này tiếp tục giảm so với tốc độ mua ròng những tuần trước đó, thậm chí họ đã quay đầu bán ròng thoả thuận. Xét trên kênh khớp lệnh thì nhà đầu tư ngoại mua ròng 2.399 tỷ đồng, nhưng họ bán ròng 943 tỷ đồng trên kênh thỏa thuận - qua đó thu hẹp đáng kể đà gom ròng trong cả tuần.
Xét riêng theo từng mã cổ phiếu, dòng tiền ngoại ghi nhận giá trị giao dịch mua ròng mạnh nhất tại cổ phiếu ngành điện VPD với giá trị gần 785 tỷ đồng, hầu hết là giao dịch thoả thuận. Ngoài ra, nhà đầu tư ngoại tuần này gom mạnh cổ phiếu HPG, FUEVFVND, SHB, STB, DGC, giá trị đều trên 140 tỷ đồng tại mỗi mã.
Ngược lại, cổ phiếu ngân hàng tuần qua bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất, giá trị đạt hơn 1.600 tỷ đồng. Đồng thời, các mã khác như ACV, SAB. VRE, VGC, GAS,... cũng bị bán ròng trong tuần qua.
Trên sàn HoSE, khối ngoại tiếp tục đà mua ròng, giá trị tuần này đạt 1.375 tỷ đồng. Cụ thể nhà đầu tư ngoại mua ròng 2.261 tỷ đồng thông qua khớp lệnh trên sàn, nhưng bán ròng 886 tỷ đồng tại kênh thỏa thuận.
Tại chiều mua, khối ngoại tuần này tỏ ra ưa thích cổ phiếu ngành điện VPD, đây là tâm điểm mua ròng tuần qua với giá trị mua ròng lên tới 785 tỷ đồng, toàn bộ đều là mua ròng thoả thuận. Bên cạnh đó, lực mua ròng mạnh của khối ngoại trong tuần qua còn ghi nhận tại mã HPG với giá trị hơn 306 tỷ đồng và chứng chỉ quỹ FUEVFVND với hơn 165 tỷ đồng mua ròng.
Danh sách TOP 10 cổ phiếu được mua ròng trăm tỷ trong tuần qua tại sàn HoSE còn có SHB (160 tỷ đồng), STB (144 tỷ đồng), DGC (141 tỷ đồng),...
Trong khi đó, tâm điểm dòng vốn ngoại rút ròng ghi nhận tại mã EIB, giá trị bán ròng thoả thuận lên tới 1.635 tỷ đồn, tập trung trong những phiên cuối tuần. Bên cạnh đó, áp lực bán ròng ghi nhận tại SAB và VRE với giá trị lần lượt là 48 tỷ đồng và 40 tỷ đồng. Các mã khác như VGC, GAS, VIC, VHC... cũng đều bị bán ròng sau 5 phiên giao dịch của tuần vừa qua.
Trên sàn HNX, khối ngoại giao dịch tích cực khi mua ròng 120 tỷ đồng trong cả tuần, toàn bộ giao dịch diễn ra kênh khớp lệnh.
Khối ngoại tiếp tục mua ròng trên sàn HNX nhiều nhất tại cổ phiếu IDC với giá trị 69 tỷ đồng. Ngoài ra, PVS và CEO cũng lần lượt được mua ròng khoảng 35 tỷ đồng và 8 tỷ đồng. Các cổ phiếu được mua ròng trong tuần qua còn có SHS, PVI, HUT, BVS...
Ngược lại, giao dịch chiều bán tại HNX ghi nhận giá trị bán ròng lớn nhất tại VCS, giá trị khoảng 2 tỷ đồng. Những cái tên trong danh sách bán ròng nhiều nhất sàn HNX trong tuần qua còn có PGS, THD, PLC, SCG.., giá trị bán ròng tại mỗi mã khoảng vài trăm triệu đồng.
Trên sàn UPCoM, nhà đầu tư nước ngoài tuần này bán ròng 37 tỷ đồng, trong đó họ trở lại mua ròng 19 tỷ kênh khớp lệnh, nhưng bán ròng 56 tỷ đồng thoả thuận.
Cổ phiếu ACV dẫn đầu danh sách bán ròng tuần qua khi bị khối ngoại bán ròng 52 tỷ đồng, phần lớn trên kênh thoả thuận. Bên cạnh đó, một số cổ phiếu bị bán ròng từ nhà đầu tư ngoại tuần qua trên UPCoM còn có VTP, QNS, CMT,... với giá trị lần lượt là 13 tỷ đồng, 6 tỷ đồng và 1 tỷ đồng.
Tại chiều mua vài, cổ phiếu MCH và MPC tuần này là điểm sáng khi được nhà đầu tư ngoại mua ròng nhiều nhất với khoảng 9-10 tỷ đồng tại mỗi mã. Ngoài ra, dòng vốn ngoại cũng tìm đến VEA, MCM, BSR, CLX,...