[Podcast] Bản tin 7 ngày địa ốc: Loạt khách sạn trung tâm TP.HCM bị rao bán, BDS Trung Quốc đón tín hiệu tích cực

Thu Trang - Lâm Tùng | 10:26 18/03/2023

Tại trung tâm TP.HCM, nhiều khách sạn hạng sang liên tục bị rao bán hoặc chuyển đổi công năng. Tại Trung Quốc, hoạt động bán nhà và đầu tư địa ốc vẫn giảm trong 2 tháng đầu năm nhưng tốc độ chậm lại đáng kể so với năm ngoái.

[Podcast] Bản tin 7 ngày địa ốc: Loạt khách sạn trung tâm TP.HCM bị rao bán, BDS Trung Quốc đón tín hiệu tích cực
Nhiều khách sạn đóng cửa trong một thời gian dài. Ảnh: Zing
Nghe Bản tin 7 ngày địa ốc

Hàng loạt khách sạn bị rao bán ở trung tâm TP.HCM

Vắng khách du lịch quốc tế, nhiều khách sạn ở trung tâm TP.HCM phải rao bán hoặc cho thuê lại, không ít nơi đang được cải tạo thành văn phòng. Theo Website Nhà Tốt, lượng tin đăng rao bán khách sạn bắt đầu ghi nhận sự tăng trưởng vào quý III/2022

Đơn cử, Amore Saigon Hotel nằm trên đường Nguyễn Trãi (quận 1, TP.HCM) hiện đang được cho thuê với giá cố định là 7.000 USD (khoảng 165 triệu đồng) cho toàn bộ 15 phòng, hoặc 4.000 USD (khoảng 100 triệu đồng) nếu chỉ thuê tầng trệt.

Hay một khách sạn nằm ngay ngã tư Lê Thánh Tôn - Nguyễn Trung Trực (quận 1) được rao bán từ tháng 9/2022 với giá 155 tỷ đồng nhưng đến nay vẫn chưa có chủ mới. 

Trong khi đó, khách sạn 4 sao Lavender từng rất đông khách nhờ vị trí đẹp ngay ngã 4 Lý Tự Trọng và Trương Định, cũng đã đóng cửa sau đợt dịch Covid-19 thứ 4. Hiện nơi này đang được xây sửa để làm văn phòng.

Theo một môi giới bất động sản, số lượng khách sạn được rao bán tăng cao chưa từng thấy, trong đó, có rất nhiều khách sạn trước đây hút khách Tây trên các tuyến phố Lý Tự Trọng, Lê Thánh Tôn, Bùi Thị Xuân, Thái Văn Lung, Đề Thám...

Khảo sát của Savills cho thấy, năm 2022, công suất phòng khách sạn tại TP.HCM dự kết đạt 45%, tăng 20% so với năm 2021 nhưng vẫn không đủ để các chủ khách sạn phục hồi vì đã chịu quá nhiều tổn thất do Covid-19.

Chỉ chấm dứt quyền sở hữu khi chung cư bị phá dỡ

Tại phiên họp liên quan đến dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) vừa diễn ra, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nêu rõ, quy định thời hạn sở hữu nhà chung sẽ bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân khi công trình mất an toàn, không đảm bảo điều kiện sử dụng.

Chia sẻ về lý do đưa ra quy định này trong dự thảo, dẫn các quy định luật, ông Nghị cho biết trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), quyền sở hữu chung cư chỉ chấm dứt khi nhà chung cư bị phá dỡ chứ không phải hết hạn sử dụng là chấm dứt. Nếu chung cư chưa hết hạn sử dụng nhưng mất an toàn cũng sẽ buộc tháo dỡ.

"Việc quy định thời hạn cũng xuất phát từ thực tiễn công tác cải tạo chung cư cũ. Hiện, cả nước có 5.687 chung cư, ở Hà Nội có hơn 3.015 chung cư, TP.HCM có 1.568 chung cư. Trong đó xây dựng trước năm 1994 có 1.850 chung cư Hà Nội và hơn 400 chung cư ở TP.HCM", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng cho biết Bộ Xây dựng sẽ rà soát, quy định rõ hơn để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của của người dân, đồng thời đảm bảo được mục tiêu cải tạo chung cư cũ.

Chiến dịch giải cứu bất động sản Trung Quốc bắt đầu có hiệu quả

Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, thị trường bất động sản nước này đã phát tín hiệu khởi sắc sau gần 2 năm khủng hoảng. Diện tích mặt sàn nhà ở được bán ra giảm 3,6% trong hai tháng đầu năm so với năm 2022, thấp hơn nhiều so với tốc độ giảm cả năm 2022 là 24%. 

Giá nhà mới trong tháng 1 đã tăng lần đầu tiên trong một năm, cho thấy niềm tin của người mua nhà đã được củng cố phần nào bởi các chính sách hỗ trợ của chính phủ và kỳ vọng vào việc chấm dứt Zero Covid. 

evergrande-reuters-1574-1678872520.jpg
Cỏ dại mọc trong một dự án dang dở của hãng bất động sản Evergrande tại Giang Tô. Ảnh: Reuters

Đầu tư của các hãng bất động sản giảm 5,7% trong 2 tháng đầu, cải thiện so với mức giảm 12% tháng 12/2022 và 10% cả năm ngoái.

Theo Yan Yuejin - nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu và Phát triển E-house Trung Quốc, các số liệu này là khởi đầu tốt cho thị trường BĐS năm 2023. Doanh số bán nhà tăng trở lại trong quý I sẽ là chỉ báo đầu tiên đảo chiều.

Nhu cầu thuê bất động sản tăng, nhu cầu mua giảm trong hai tháng đầu năm

Theo dữ liệu của batdongsan.com.vn, trong 2 tháng đầu năm, nhu cầu tìm thuê bất động sản toàn quốc tăng 24%, tăng mạnh nhất đối với loại hình nhà mặt phố và cửa hàng (tăng 61% - 62%). Ở nhiều loại hình bất động sản, lượng tin đăng cũng có dấu hiệu tăng trưởng, cao nhất là nhà mặt phố với 36%, nhà riêng tăng 21%. 

Ngược lại, nhu cầu tìm mua giảm 23% so với cùng kỳ năm trước. Chung cư là loại hình bất động sản duy nhất có mức độ quan tâm tăng trong 2 tháng đầu năm nay, với mức tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ năm trước. Lượt tìm mua và lượng tin đăng của nhiều loại hình bất động sản từ đất nền, nhà riêng, nhà mặt phố, biệt thự cho đến đất dự án đều ghi nhận mức giảm đáng kể từ 17% - 54%.

Tuy vậy, giá rao bán và cho thuê chung cư tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh tiếp tục đà tăng. Giá cho thuê trung bình ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh tăng lần lượt là 8% và 4% so với năm 2022, neo ở khoảng 13 triệu đồng/căn/tháng. 

Mặt bằng giá bán chung cư cũng không giảm mặc dù thanh khoản còn gặp nhiều rào cản. Thậm chí giá rao bán căn hộ tại Hà Nội trong 2 tháng đầu năm 2023 vẫn tăng ở tất cả các phân khúc so với cùng kỳ năm trước, và tăng mạnh nhất ở dòng sản phẩm trung cấp. Chung cư TP. Hồ Chí Minh cũng tăng giá từ 3% - 6% đối với phân khúc trung và cao cấp.

Một số thông tin đáng chú ý khác:

Không thể cắt lỗ, chủ nhà tặng biệt thự giá trị chục tỷ cho khách thiện chí

Dùng đòn bẩy tài chính tỷ lệ lớn với mục đích lướt sóng nhưng không thể “thoát hàng” trước thời điểm hết hạn ưu đãi lãi suất, trong khi lãi suất thả nổi dự kiến ở mức cao, một số chủ đầu tư đã chấp nhận tặng lại biệt thự giá chục tỷ đồng cho khách hàng có khả năng tiếp tục thanh toán theo tiến độ. Tặng lại biệt thự đồng nghĩa với việc người tặng sẽ mất đi toàn bộ số tiền khoảng hơn 1 tỷ đồng đã đóng trước đó, nhưng không phải tiếp tục “gánh” khoản nợ hàng chục triệu đồng mỗi tháng khi lãi suất tăng. 

Theo phân tích của một lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc ở Hà Nội: “Khi sốt nóng, nhiều nhà đầu tư muốn tận dụng chính sách ân hạn của chủ đầu tư để mua biệt thự. Họ kỳ vọng sau 12-18 tháng, chính sách ân hạn nợ gốc kết thúc, giá biệt thự sẽ tăng. Khi đó, họ đẩy hàng, thu lời. Nhưng kỳ vọng đó không xảy ra ở thời điểm hiện tại với bức tranh thị trường trầm lắng. Ngay cả rao bán cắt lỗ biệt thự đến 2-3 tỷ đồng cũng rất khó. Mà để tiếp tục thanh toán theo đợt cho căn biệt thự, một số nhà đầu tư không thể “gồng”.

Thái Nguyên: Quy hoạch 6.000 ha đất để phát triển khu, cụm công nghiệp

Thủ tướng vừa phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó 6.000 ha đất sẽ dành cho cho khu công nghiệp mới (4.245 ha đất phát triển khu công nghiệp, 2.057 ha đất phát triển cụm công nghiệp). 

11 khu công nghiệp và 1 khu công nghệ thông tin tập trung sẽ được mở rộng; 41 cụm công nghiệp sẽ được phát triển. Các khu, cụm công nghiệp này được quy hoạch nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất và chế biến công nghiệp. 

Nâng cấp đường nối Đồng Tháp - Cần Thơ vào tháng 9/2023

Tuyến đường Cao Lãnh - Lộ Tẻ dài gần 29 km nối Đồng Tháp - Cần Thơ có tổng kinh phí 950 tỷ đồng, sẽ được khởi công trong tháng 9/2023 và hoàn thành vào năm 2025. 

Đề nghị chấm dứt hoạt động dự án khu du lịch hơn 5.700 tỷ đồng tại Quảng Trị

Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Trị đã đề nghị Chính phủ cân nhắc chấm dứt hoạt động của dự án Khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng biển Mũi Trèo của CTCP Pacific Quảng Trị. Nguyên nhân là dự án này chậm tiến độ và gây lãng phí tài nguyên. 

Dự án thuộc xã Vĩnh Kim (nay là xã Kim Thạch), huyện Vĩnh Linh, có diện tích gần 200 ha với tổng vốn đầu tư là 5.750 tỷ đồng.  Dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2019 nhưng nhà đầu tư vẫn chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý liên quan để đưa dự án đi vào thi công. 

Quảng Ngãi đầu tư 3.800 tỷ đồng phát triển khu đô thị mới trên đảo Ngọc

UBND tỉnh Quảng Ngãi quyết định thực hiện dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, phục vụ phát triển khu đô thị mới An Phú (đảo Ngọc), có diện tích 163 ha, với tổng kinh phí khoảng 3.800 tỷ đồng. Dự kiến, dự án được thực hiện trong thời gian 2023-2028.

Nhiều địa phương tổ chức đấu giá đất 

Công ty Đấu giá hợp danh Phú Thọ vừa ra thông báo đấu giá quyền sử dụng đối với 77 ô đất có diện tích 112 - 202 m2 tại khu Quán Rùa - Mô Dưới, xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao. Các ô đất có giá khởi điểm 5 - 5,5 triệu đồng/m2. Phiên đấu giá tổ chức lúc 8h ngày 31/3 tới đây. 

Tại Thanh Hóa, Công ty đấu giá hợp danh Lam Kinh ra thông báo đấu giá quyền sử dụng 16 lô đất tại khu dân cư thôn Trịnh Thôn, xã Hoằng Phú, huyện Hoằng Hóa. Các lô đất có diện tích từ 135,5 dến 151,5 m2, giá khởi điểm 6,5 - 11,4 triệu đồng/m2. Phiên đấu giá được tổ chức vào ngày 24/3.

Tại Nghệ An, 35 lô đất quy hoạch tại xã Đà Sơn, huyện Đô Lương cũng sẽ được đấu giá trong tháng 4.  Diện tích các lô đất từ vào khoảng 175 - 300 m2/lô,  mức giá khởi điểm từ 3,5 - 8,5 triệu đồng/m2.

Cũng vào tháng 4 tại Nghệ An, Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh này sẽ đấu giá 51 lô đất tại vùng quy hoạch Cửa Trùa, xóm 2, xã Nam Giang, huyện Nam Đàn. Diện tích các lô đất dao động 188,3 - 288,4 m2, giá khởi điểm 4,5 - 6 triệu đồng/m2.

Quảng Ngãi cũng thông báo đấu giá 18 lô đất tại các Khu dân cư, khu tái định cư trên địa bàn huyện Sơn Tịnh. Diện tích các lô đất từ 125 - 187,5 m2, mức giá khởi điểm từ 1 đến 1,83 tỷ đồng. Dự kiến, cuộc đấu giá diễn ra cuối tháng 3 này.

Bài liên quan

(0) Bình luận
[Podcast] Bản tin 7 ngày địa ốc: Loạt khách sạn trung tâm TP.HCM bị rao bán, BDS Trung Quốc đón tín hiệu tích cực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO