Giá thuê mặt bằng kinh doanh TP.HCM tăng cao
Dù vắng khách thuê trong thời gian dài, giá thuê mặt bằng tại trung tâm TP. HCM vẫn tăng phi mã kèm theo nhiều điều khoản khắt khe. Đơn cử, mặt bằng 4 căn căn 500m2 ngay ngã tư Lý Tự Trọng - Trương Định được báo giá thuê 45.000 USD/tháng (hơn 1,1 tỷ đồng). Chỉ 1 tháng sau, môi giới đã nâng lên 50.000 USD/tháng với thời hạn hợp đồng 10 năm.
Hay tại mặt bằng 850 m2 nằm trên ngã ba Hai Bà Trưng - Nguyễn Văn Khiêm (quận 1), giá chào thuê vẫn ở mức 1 tỷ đồng/tháng suốt mấy tháng nay. Dù chủ nhà đã đưa ra phương án "xé lẻ" thành ba mặt bằng nhỏ để thuận tiện cho khách thuê, mặt bằng này vẫn ế ẩm.
Còn mặt bằng 2 mặt tiền Nguyễn Thị Minh Khai - Phùng Khắc Khoan (quận 1) cũng đang rao thuê 12.000 USD/tháng. Thậm chí chủ nhà còn rao bán mức giá 220 tỷ đồng cho những ai có nhu cầu sở hữu luôn mặt bằng này.
Dữ liệu mới nhất của chuyên trang Batdongsan.com.vn cho thấy nhà phố cho thuê ở TP.HCM luôn có mức độ quan tâm cao. Trong quý IV/2022, mức độ quan tâm, tìm kiếm các căn nhà phố cho thuê tại quận 1 và quận 3 lần lượt tăng đến 154% và 188% so với quý I/2022 - thời điểm vừa mở cửa sau đại dịch. Dù vậy, tỷ lệ lấp đầy nhà phố cho thuê ở các tuyến đường trung tâm chỉ khoảng 30-35%.
Theo phó tổng giám đốc điều hành của một chuỗi F&B ở TP.HCM và Hà Nội, giá thuê cao không chỉ gây khó khăn cho khách thuê mới, mà ngay cả khách thuê cũ khi làm ăn không tốt, muốn sang nhượng lại mặt bằng cũng rất thách thức, bởi chủ nhà nhất quyết không giảm giá.
Doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc chật vật
Times China Holdings Ltd. - nhà phát triển bất động sản lớn thứ 51 ở Trung Quốc, tính theo doanh số bán nhà trên hợp đồng vào năm ngoái đã trễ hạn thanh toán 2 loại trái phiếu và cũng đang tạm dừng giải quyết các khoản nợ khác ở ngoài. Đây là vụ vỡ nợ gần đây nhất, bất chấp những nỗ lực của chính phủ Trung Quốc nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng thanh khoản của lĩnh vực này.
Việc công ty này vỡ nợ diễn ra sau 1 cảnh báo trước đó chỉ vài ngày về khả năng họ sẽ tạm dừng thanh toán các khoản nợ ở nước ngoài. Times China đã thuê China International Capital Corp làm cố vấn tài chính và Sidley Austin LLP làm cố vấn pháp lý để hỗ trợ các cuộc đàm phán về nợ.
Trong khi đó, Sichuan Languang Development Co. - công ty chuyên xây dựng chung cư và tòa nhà văn phòng có trụ sở tại thành phố Thành Đô đã cắt giảm khoảng 90% nhân sự kể từ đầu năm 2021. Tính tới quý III/2022, công ty này lỗ lũy kế 11,7 tỷ Nhân dân tệ (1,7 tỷ USD). Trước tình hình khó khăn, công ty này đang phải bán bớt tài sản để duy trì hoạt động. Chủ tịch 27 tuổi của công ty, Yang Wuzheng, đã tìm tới hàng chục công ty bất động sản lớn hơn và nhà đầu tư tiềm năng để tìm kiếm sự hỗ trợ nhưng đến nay vẫn chưa thành công.
Sichuan Languang Development Co. chỉ là một ví dụ. Theo ông Chi Lo, chiến lược gia về đầu tư cao cấp tại BNP Paribas Asset Management Asia Ltd., lĩnh vực bất động sản tại Trung Quốc có thể sẽ chứng kiến nhiều vụ sáp nhập, các công ty yếu kém rời thị trường và các công ty địa ốc nhà nước sẽ đóng vai trò lớn hơn”.
Chính phủ Trung Quốc đang cố gắng giảm thiểu rủi ro mang tính hệ thống. Ưu tiên của Chính phủ Trung Quốc lúc này là đảm bảo các công trình nhà ở dang dở được hoàn tất sau làn sóng biểu tình xảy ra vào năm ngoái, đồng thời hỗ trợ các nhà phát triển bất động sản chất lượng cao. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn cần phải tự vực dậy, kể cả trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm tốc và tâm lý người tiêu dùng vẫn còn yếu sau khi nước này từ bỏ chiến lược chống dịch Zero Covid.
Các thông tin đáng chú ý khác
Quý IV, toàn TP.HCM có dưới 1.000 căn hộ mới được bán, giá sơ cấp trung bình chạm ngưỡng 80 triệu đồng/m2
Theo báo cáo của Cushman & Wakefield, trong quý IV, thị trường TP.HCM ghi nhận gần 1.100 căn hộ được mở bán mới. Trong đó, doanh số bán mới đạt 983 căn hộ, giảm 76% so với quý trước.
Giá bán sơ cấp trung bình trong quý tăng 21% so với quý trước, tương đương khoảng 80 triệu đồng. Sự gia tăng này chủ yếu nhờ các đợt mở bán mới từ các dự án siêu sang, hạng sang và cao cấp.
Vốn đầu tư phát triển tại Hà Nội tăng cao kỷ lục, 3 công trình giao thông sắp đưa vào khai thác
Trong năm 2022, vốn đầu tư phát triển trên địa bàn TP. Hà Nội đạt gần 468.000 tỷ đồng, tăng 13,8% so với năm 2021, mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
3 dự án trọng điểm sẽ được đưa vào khai thác trong năm 2023, bao gồm: dự án tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội; dự án đường Vành đai 2 đoạn từ cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở; dự án cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2).
Riêng dự án hầm chui Vành đai 2,5 với đường Giải Phóng (điểm đầu nối với dự án vành đai 2,5 đoạn Đầm Hồng - quốc lộ 1A, điểm cuối nối với đường Kim Đồng, quận Hoàng Mai), dự kiến sẽ hoàn thành sau 3 năm.
Rộ dự báo về thị trường bất động sản năm 2023
TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam đánh giá, thị trường địa ốc 2023 sẽ còn nhiều áp lực do kinh tế Việt Nam vẫn chịu các tác động từ yếu tố bên ngoài tuy nhiên thị trường vẫn có cơ hội phục hồi. Ông Đính đưa ra dự báo, khoảng cuối quý II/2023, các giao dịch sẽ xuất hiện nhộn nhịp trở lại, nguồn cung ra thị trường nhiều hơn.
Ông Phan Việt Hoàng, Phó Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng thị trường sẽ dần phục hồi nhờ những sửa đổi về Luật đất đai và động thái tháo gỡ khó khăn của Chính phủ. Ông Hoàng dự báo người lao động thu nhập thấp có cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội dễ dàng hơn trong thời gian tới.
“Cẩn trọng” là lời khuyên của ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Đất Xanh Miền Bắc đưa ra khi khuyến nghị cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, ở góc độ mua nhà ở thực, ông Quyết khuyến nghị người mua nên xuống tiền thời điểm này bởi giá bất động sản đang hấp dẫn so với thời điểm trước.
Những công trình giao thông trọng điểm không về đích năm 2022, tiếp tục chờ sang năm 2023
Theo kế hoạch của Bộ GTVT, năm 2022 sẽ hoàn thành 4 dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông tuyến tránh quốc lộ 1 ở miền Tây bgồm: Mai Sơn - quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây.
Tuy nhiên, đến nay, chỉ có dự án Cam Lộ - La Sơn thông xe kỹ thuật, các dự án còn lại chưa thể hoàn thành đúng tiến độ đặt ra.
Dự kiến khôi phục tuyến đường sắt răng cưa Đà Lạt - Tháp Chàm
Công ty cổ phần Thương mại - Dịch vụ khách sạn Bạch Đằng đã trình Bộ Giao thông Vận tải phương án đầu tư dự án khôi phục tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm - Đà Lạt.
Tuyến đường có chiều dài 83,5 km, điểm đầu tại TP Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận), điểm cuối tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng). Tổng vốn đầu tư ước tính vào khoảng 29.000 tỷ đồng. Thời gian thi công dự án dự kiến từ tháng 6/2026 đến tháng 12/2028, vận hành thử vào năm 2029.
Tây Ninh cảnh báo về dự án 'ma' Khu dân cư Thạnh Tân Mountain view
Sở Xây dựng tỉnh Tây Ninh vừa ban hành văn bản gửi UBND tỉnh về việc ngăn chặn tình trạng tự ý phân lô đất nền, rao bán bất động sản khi chưa thực hiện thủ tục pháp lý theo quy định tại dự án Khu dân cư Thạnh Tân Mountain view, TP. Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh.
Dự án trên do tổ chức, cá nhân tự ý rao bán trên mạng, không thuộc các dự án UBND tỉnh đã chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư.
Bình Phước dừng quy hoạch dự án 6.000 ha của Becamex IDC
UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành văn bản về việc dừng quy hoạch dự án Khu công nghiệp và dân cư Đồng Phú, huyện Đồng Phú với diện tích hơn 6.300 ha sau 3 năm triển khai.