Lazada vừa đưa vào hoạt động Lazada Logistics Park, bao gồm trung tâm phân loại hàng hóa công nghệ cao tại Khu công nghiệp Sóng Thần 1 (Bình Dương) với tổng diện tích lên tới gần 20.000m2. Theo giới thiệu, trung tâm phân loại mới có khả năng xử lý tới 1 triệu bưu kiện mỗi ngày và mức độ tự động hóa lên đến 99% nhờ hệ thống công nghệ hiện đại gồm Trí tuệ nhân tạo (AI) và Machine Learning (học máy).
Lazada Logistics Park Việt Nam là Top 5 dự án đầu tư logistics của Lazada
“Lazada Logistics Park tại Việt Nam là dự án mang tính đột phá của công ty về logistics, đồng thời là Top 5 dự án đầu tư logistics của Lazada”, chia sẻ bởi ông Đặng Anh Dũng – Phó Tổng Giám đốc Lazada Việt Nam. Có 3 điểm nổi bật của trung tâm mới này, theo ông Dũng bao gồm:
Thứ nhất, công nghệ xử lý đơn hàng nhỏ đầu tiên có mặt tại Việt Nam “Small Parcel Cross-belt Sorting” có thể phân loại các loại bưu kiện dưới 100g và kích thước từ 10-100cm.
Thứ hai, máy Dim Weight Scanners (DWS) với camera 6 chiều giúp việc đọc mã vạch tự động hiệu quả.
Cuối cùng, áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) giúp tăng cường và tối ưu hóa độ chính xác của quy trình phân loại lên đến 99,95%. Với các cảm biến và phần mềm điều khiển quy trình phân loại, những sai sót thủ công sẽ được loại bỏ kịp thời, tăng mức độ tin cậy và hài lòng của khách hàng, giảm chi phí liên quan đến việc hoàn trả sản phẩm.
Lợi ích mang lại, Lazada nâng tổng công suất xử lý lên đến 1 triệu đơn hàng/ngày, rút ngắn được thời gian giao hàng cho khách. Với việc sở hữu 3 trung tâm phân loại hàng hoá trên toàn quốc, ông Dũng tự tin khẳng định Lazada đang dẫn đầu về mảng logistics trong số các sản TMĐT hiện nay ở Việt Nam. Dù vậy, vẫn còn rất nhiều điều để làm trong thời gian tới.
Khi, thị trường logistics tại Việt Nam được biết đến là có dư địa tăng trưởng rất lớn song lại đang tồn đọng rất nhiều vấn đề. Dễ dàng thấy nhất, chi phí logistics trong nước đang cao gấp 2-3 lần so với khu vực, trong khi chi phí này đang chiếm 20% tổng chi phí vận hành.
Trong lộ trình vạch ra, Lazada muốn phát triển chiến lược đồng bộ bao gồm nguồn nhân lực, công nghệ và logistics. Riêng năm 2023, bên cạnh Lazada Logistics Park, đại diện Lazada Việt Nam tiết lộ sắp mở thêm một trung tâm phân loại nữa tại Hà Nội.
Lazada lấn sân thị trường logistics đa kênh
Lazada cũng không giấu tham vọng đưa logistics thành một mảng riêng mang về doanh thu lớn thời gian tới. Được biết, Lazada đã phát triển dịch vụ logistics đa kênh được 1 năm, và kết quả ban đầu theo đánh giá đúng kỳ vọng. Trong đó, Lazada Logistics đã đạt được tốc độ giao hàng ngay hôm sau trong nội thành Tp.HCM và Hà Nội.
Công ty đang sở hữu lợi thế sẵn có là cơ sở hạ tầng và kho bãi lưu trữ, xử lý hàng hóa cùng mạng lưới bưu cục rộng hơn 150.000m2. Lazada Logistics cũng là đơn vị tiên phong trong việc đầu tư vào hệ thống chia chọn hàng hoá tự động ngay từ năm 2017, đang sở hữu 3 trung tâm phân loại công nghệ cao tại Tp.HCM và Hà Nội.
Theo báo cáo của RedSheer Strategy Consultants, đến năm 2023 tổng lượng bưu kiện trên thị trường giao nhận dự kiến đạt 156 triệu kiện/tháng. Cho thấy, thị trường logistics tại Việt Nam đang chứng kiến những bước tăng trưởng mạnh mẽ song hành cú nhảy vọt của TMĐT.
Nghiên cứu thị trường TMĐT nửa đầu năm 2022 của công ty nghiên cứu dữ liệu Metric.vn cho thấy, Việt Nam đã vươn lên thành thị trường lớn thứ hai Đông Nam Á, chỉ xếp sau Indonesia. Xét trên quy mô toàn thế giới, tốc độ tăng trưởng TMĐT Việt Nam cũng đạt con số vượt trội hơn. Cụ thể, theo Statista, tốc độ phát triển TMĐT toàn cầu là 16,24% năm 2021 và dự báo bứt phá lên 24,5% vào năm 2025. Con số này tại Việt Nam là hơn 20% năm 2021 và có thể tăng lên 29% đến năm 2025.
Trong bối cảnh đó, một hệ thống giao nhận liền mạch, chuyên nghiệp trở thành “át chủ bài” cho doanh nghiệp. Và đầu tư logistics theo ông Dũng là ưu tiên số 1 của Lazada cũng như các sàn TMĐT trong cuộc chơi hiện nay, nhưng cần hiểu là số 1 trong nhiều số 1 khác.
Tức, bên cạnh logistics, để có thể hiểu được hành vi của khách hàng cũng như gia tăng trải nghiệm cho khách hàng, cần đầu tư vào công nghệ. Đặc biệt, logistics cũng rất cần nhân lực đọc được dữ liệu. Tính đến nay, lực lượng nhân sự công nghệ cao tại khâu vận hành của Lazada Logictis tăng đâu đó 20%.
“Lazada Logistics chú trọng xây dựng một hệ sinh thái logistics TMĐT bền vững, thiết lập các tiêu chuẩn mới và thúc đẩy hơn nữa sự phát triển chung của ngành”, vị này nhấn mạnh.