Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vừa cho ý kiến lần 2 về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đất đai sửa đổi (Dự thảo). Một trong những vấn đề được đại biểu đặc biệt quan tâm đó là thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Làm rõ một số nội dung liên quan đến vấn đề thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trong Dự thảo, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng đây là một trong những vấn đề “vô cùng lớn”, nhất là công tác định giá đất cần đưa ra các phương án khác nhau để trình Quốc hội.
Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, về vấn đề thu hồi đất, hiện chưa xác định được các tiêu chí để có cơ sở phân cấp hết cho địa phương. Nên quy định theo hướng liệt kê các phương án, nhưng nếu liệt kê thiếu thì cũng 'rất gay'.
Về vấn đề định giá đất, theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, nếu định giá đất sai, Nhà nước và người dân đều thất thu. Do vậy, cần không để "vấn đề riêng tư" gây gây ảnh hưởng đến việc định giá đất, đồng thời phải cá thể hóa trách nhiệm và thông tin phải rất rõ ràng.
Trước đó, cho ý kiến tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đất đai sửa đổi, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, dự thảo quy định theo hướng liệt kê cụ thể các trường hợp thu hồi đất có ưu điểm rõ ràng cho việc áp dụng thực hiện, khống chế các trường hợp thu hồi.
“Tuy nhiên, quy định theo hướng liệt kê lại có hạn chế là không dự liệu được những trường hợp thu hồi đất khác để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”, ông Thanh lưu ý.
Đối với dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ, dự thảo luật chỉnh sửa theo hướng phải là các dự án do HĐND cấp tỉnh quyết định.
Một số ý kiến cho rằng, việc thu hồi thực hiện các dự án này cũng là để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Điều tiết chênh lệch địa tô được thực hiện thông qua việc Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án loại này theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất…
Ông Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Uỷ ban Kinh tế nhận thấy, đây là quy định quan trọng, cần hết sức thận trọng, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, tránh cách hiểu khác nhau, gây vướng mắc trong thực tiễn.
Chia sẻ quan điểm của Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng dự thảo liệt kê tới 27 trường hợp thu hồi đất, trong mỗi trường hợp lại tiếp tục liệt kê cụ thể hơn.
Bà Thanh đề nghị cân nhắc điều này, bởi quy định như vậy là quá chi tiết, nhưng lại có thể thiếu trong một số trường hợp, không đáp ứng được tình hình thực tế, dẫn đến quy định lạc hậu.