“Phố biến thành sông” do tùy tiện điều chỉnh quy hoạch

Lê Sáng | 07:59 31/05/2022

Việc liên tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch theo hướng “băm nát” đô thị, tăng mật độ xây dựng, giảm diện tích công cộng của cônng viên cây xanh, ao hồ khiến tình trạng úng ngập tại đô thị ngày càng trầm trọng.

“Phố biến thành sông” do tùy tiện điều chỉnh quy hoạch
"Hà Nội mùa này phố biến thành sông" đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân Thủ đô mỗi mùa mưa.

"Quy hoạch theo chủ đầu tư"

Những ngày qua, tình trạng “phố đã biến thành sông” đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân Hà Nội, cứ sau mỗi cơn mưa lớn là nhiều tuyến phố đã thực sự ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống, gây thiệt hại không nhỏ về mặt kinh tế khi đã có hàng ngàn lượt ô tô, xe máy bị hỏng hóc do ngập nước.

Bên cạnh những ảnh hưởng nhãn tiền nói trên, rõ ràng, việc cứ “mưa là ngập” đang làm xấu xí đi rất nhiều hình ảnh về một Thủ đô xanh, văn minh, hiện đại, đầu não chính trị, kinh tế của cả nước.

Nhận định về nguyên nhân của thực trạng đáng buồn trên, các chuyên gia về quy hoạch, kiến trúc đều chia sẻ quan điểm cho rằng đến từ việc thời gian qua quy hoạch của Hà Nội đã bị “băm nát” theo hướng tùy tiện điều chỉnh cục bộ, tăng bê tông, giảm diện tích công cộng của cônng viên cây xanh, ao hồ,…

Theo báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý và sử dụng đất ở đô thị (2013 - 2018), có tới 1.390 điều chỉnh quy hoạch từ 1 - 6 lần, có dự án tới 9 lần.

Trong đó, theo KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, tại Hà Nội, tỷ lệ điều chỉnh quy hoạch cục bộ lên tới 70%, trong khi đó tại TP HCM, tỷ lệ này cũng ở mức trên 40%. Trong đó phần lớn là cơi nới tầng, chia nhỏ diện tích căn hộ, giảm diện tích cây xanh hoặc bổ sung chức năng nhà ở theo đề xuất của chủ đầu tư.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên theo KTS. Phạm Thanh Tùng phần lớn đến từ việc trong quá trình thẩm định quy hoạch, sự phối hợp giữa các cơ quan còn nhiều hạn chế. Việc lấy ý kiến cộng đồng còn chưa đúng đối tượng theo quy định, chưa tổng hợp, giải trình đầy đủ, thấu đáo các nội dung góp ý vào quy hoạch; chưa đảm bảo sự hài hòa lợi ích giữa nhà nước, chủ đầu tư và cộng đồng.

“Quy hoạch đô thị dễ dàng bị thay đổi đang khiến nhiều đô thị trên cả nước rơi vào mớ bòng bong, hiện tượng tắc nghẽn giao thông, ngập lụt tại Hà Nội, TP.HCM là dẫn chứng điển hình cho việc quy hoạch chạy theo dự án, điều chỉnh quy hoạch dẫn đến thiếu đồng bộ, thiếu kết nối giữa quy hoạch xây dựng đô thị với hạ tầng kỹ thuật, xã hội”, KTS Phạm Thanh Tùng nhận định.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề trên, dưới góc độ một nhà nghiên cứu lâu năm về công tác quy hoạch của Thủ đô, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam cho rằng việc tùy tiện điều chỉnh quy hoạch cục bộ là một thực trạng đáng báo động.

“Theo một báo cáo từ năm 2019, cả nước có hơn 4.000 dự án, trong đó 1.390 dự án điều chỉnh quy hoạch từ một đến 6 lần, có dự án tới 9 lần. Phần lớn là cơi nới tầng, chia nhỏ diện tích căn hộ, giảm diện tích cây xanh hoặc bổ sung chức năng nhà ở vào các lô đất thương mại...”, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết.

Không chỉ là mối băn khoăn của các chuyên gia mà câu chuyện tùy tiện điều chỉnh quy hoạch cục bộ cũng là vấn đề đang làm nóng nghị trường Quốc hội.

Ngày 30/5, tại phiên họp của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, Đại biểu Nguyễn Hữu Thông, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận cho rằng chất lượng quy hoạch hiện nay còn thấp, thiếu tính đồng tình, nhất là việc điều chỉnh quy hoạch trong phạm vi nhỏ, quy mô nhỏ liên quan đến việc triển khai các thủ tục đầu tư.

Chia sẻ nhận định trên, Đại biểu Hà Phước Thắng, Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh cũng cho rằng một trong những vấn đề đặt ra bức thiết hiện nay là việc cần hạn chế điều chỉnh quy hoạch làm ảnh hưởng đến chất lượng đồ án quy hoạch.

capture.png
Quy hoạch không đồng bộ lại liên tục bị điều chỉnh cục bộ đã biến đường phố thành nơi chứa nước mưa

Cần giải pháp đồng bộ

Chia sẻ về giải pháp cho “vấn nạn” điều chỉnh quy hoạch cục bộ một cách tràn lan, TS.KTS. Đào Ngọc Nghiêm cho rằng cần đề cao hơn nữa vai trò giám sát, tham gia đóng góp của cộng đồng.

“Tôi cho rằng, muốn điều chỉnh quy hoạch thì trước hết phải hỏi cộng đồng dân cư khu vực bị ảnh hưởng và các chuyên gia chuyên ngành xem ý kiến của họ thế nào?

Ở Hà Nội có những khu vực, ví như khu Kim Mã trước đây có chủ đầu tư đề nghị được điều chỉnh cao tầng. Khi đó chính quyền cũng đã đồng ý nhưng khi có ý kiến của chuyên gia thì không làm nữa.

Hay khu Triển lãm Giảng Võ, chủ đầu tư cũng đề xuất xây dựng 10 toà 50 tầng nhưng sau khi có ý kiến chuyên gia thì Chính phủ đã yêu cầu dừng lại.

Như vậy, phải hỏi ý kiến của cộng đồng, trao đổi để thống nhất. Sau đó, phải công bố nội dung điều chỉnh quy hoạch để cộng đồng, các tổ chức giám sát theo dõi”, TS.KTS. Đào Ngọc Nghiêm cho biết.

Chia sẻ quan điểm trên, KTS. Phạm Thanh Tùng cho rằng cần đổi mới hoàn toàn công tác quy hoạch, bám sát vào sự phát triển của kinh tế xã hội, nhu cầu thực của người dân, chứ không phải nhu cầu của doanh nghiệp để rồi cứ lập quy hoạch lại cho điều chỉnh.

Bên cạnh đó, cũng theo TS.KTS. Đào Ngọc Nghiêm các địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn cần phát huy hơn nữa Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị. Quy định này đã được sửa đổi trong Luật Kiến trúc 2019 thành Quy chế quản lý kiến trúc có hiệu lực từ 1/7/2020.

“Khi đã có Quy hoạch tốt, Quy chế quản ký kiến trúc phù hợp thì phần còn lại là ở người thực hiện trực tiếp tại các địa phương. Nơi nào điều chỉnh quy hoạch cục bộ mà phát hiện có yếu tố trục lợi thì cần quy trách nhiệm người đứng đầu, xử lý thật nghiêm để đảm bảo tính răn đe, phong ngừa”, TS.KTS. Đào Ngọc Nghiêm nhận định.

Bài liên quan

(0) Bình luận
“Phố biến thành sông” do tùy tiện điều chỉnh quy hoạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO