Phát triển bền vững ngành cà phê Tây Nguyên

Hoàng Đàn | 09:04 20/12/2021

Cà phê của Việt Nam chủ yếu là dòng Robusta đại trà, chất lượng trung bình nên hàng năm các doanh nghiệp chế biến vẫn nhập khẩu một lượng lớn cà phê Arabica để phối trộn trong sản xuất cà phê rang xay.

Phát triển bền vững ngành cà phê Tây Nguyên
Diện tích cây cà phê của Việt Nam hiện đạt khoảng 696.000 ha.

Thực tế đó được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ ra tại Hội thảo "Thúc đẩy tổ chức sản xuất vùng nguyên liệu để nâng cao và phát triển bền vững ngành cà phê Tây Nguyên" diễn ra ngày 19/12.

Báo cáo tại Hội thảo, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho biết, diện tích cây cà phê của Việt Nam hiện đạt khoảng 696.000 ha, năng suất đạt 27,7 tấn/ha, sản lượng đạt 1.764.000 tấn.

Trong đó, tập trung chủ yếu tại vùng Tây Nguyên với diện tích khoảng 639.000ha, chiếm tỷ lệ 92% so với cả nước, năng suất 28,5 tấn/ha, cao gấp 1,1 lần so với cả nước và sản lượng đạt khoảng 1.669.000 tấn, chiếm tỷ lệ 95% so với cả nước.

Mặc dù là quốc gia sản xuất cà phê lớn trên thế giới nhưng nhìn chung tình hình sản xuất và tiêu thụ cà phê của người nông dân đang thiếu bền vững, quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, diện tích cà phê già cỗi chiếm tỷ lệ khá cao, kỹ thuật canh tác chưa hợp lý… Khâu chế biến, bảo quản thiếu đồng bộ, tiêu thụ, xuất khẩu còn yếu, thiếu liên kết với thị trường tiêu thụ. Đặc biệt là người sản xuất cà phê chưa có tiếng nói trong các quan hệ liên kết ngành hàng.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, để khắc phục tình trạng trên Bộ đang xây dựng và triển khai "Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2021-2025.".

Theo Đề án, vùng nguyên liệu được xác định là điểm khởi đầu và là nền tảng phát triển các chuỗi giá trị hiệu quả, bền vững, nâng cao chất lượng nông sản, thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, góp phần đẩy mạnh chế biến, nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.

Trong đó cây cà phê được lựa chọn là 1 trong 5 sản phẩm chủ lực thực hiện thí điểm cơ chế, cách làm trên địa bàn 11 tỉnh.

Bổ sung thêm, ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, sẽ hướng đến sản phẩm cà phê thống nhất về mẫu mã, chất lượng để khẳng định thương hiệu cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới.

Để làm được điều đó cần có sự liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với hợp tác xã nông nghiệp, nông dân. Sự liên kết này sẽ giúp khai thác được nguồn vốn, kinh nghiệm tổ chức sản xuất, thị trường của các doanh nghiệp.

Nông dân tham gia chuỗi liên kết sẽ trực tiếp bán hàng cho doanh nghiệp, không phải qua trung gian và nắm bắt được tiêu chuẩn chất lượng doanh nghiệp cần thu mua, từ đó điều chỉnh hành vi canh tác phù hợp.

Việc liên kết sản xuất giúp nông dân tạo ra số lượng sản phẩm lớn hơn, chất lượng đồng đều hơn; doanh nghiệp thuận lợi trong quá trình thu mua, giảm chi phí, tỷ lệ hao hụt trong chế biến, lợi nhuận cao hơn sẽ hỗ trợ trở lại cho nông dân.

Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh thêm, phải có sự liên kết giữa các tỉnh, kết hợp đặc điểm từng vùng, địa phương để tạo sự thống nhất ở quy mô lớn hơn, xây dựng thương hiệu cà phê Tây Nguyên.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Bộ sẽ tiếp tục triển khai dự án VnSAT và một số dự án khác để phát triển cà phê bền vững tại Tây Nguyên như chọn đặt cơ sở hạ tầng logistic cho ngành cà phê nhằm tạo ra giá trị cà phê và có nhiều sản phẩm tinh chế hơn… để từ đó tạo ra chuỗi ngành hàng nhằm nâng cao giá trị cho hạt cà phê và thu nhập cho người sản xuất.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Phát triển bền vững ngành cà phê Tây Nguyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO