Ông Nguyễn Nam Hải, nguyên Chủ tịch VPA chia sẻ tại Đại hội nhiệm kỳ VII (2021-2023) của VPA.
Cũng theo ông Nguyễn Nam Hải, mặc dù Việt Nam vẫn tiếp tục giữ vững vị trí số một ngành hồ tiêu toàn cầu với 40% về sản lượng và trên 60% về lượng xuất khẩu hồ tiêu trên thế giới nhưng cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn từ chất lượng đến biến động bất ngờ của thị trường.
Do đó, trong thời gian tới, ngành hồ tiêu phải đẩy mạnh xây dựng vùng trồng tiêu hữu cơ bền vững, áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất hồ tiêu GlobalGAP, VietGAP... trong sản xuất, chế biến tiêu.
Ông Hải nhấn mạnh, người nông dân, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu phải liên kết giải quyết cơ bản vấn đề dư lượng thuốc trừ sâu, hóa chất trong hồ tiêu mà các nước tiêu dùng đang cấm để nâng cao chất lượng hồ tiêu xuất khẩu.
Một vấn đề quan trọng nữa là phải đa dạng hóa sản phẩm hồ tiêu chế biến chất lượng cao như tinh dầu tiêu, tiêu trắng từ tiêu đen, tiêu đỏ, tiêu xay bột, các sản phẩm gia vị từ tiêu, tiêu sạch đóng gói xuất thẳng vào hệ thống bán lẻ toàn cầu, tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ hồ tiêu chất lượng cao như châu Âu, Mỹ...
Đẩy mạnh liên kết đầu tư giữa doanh nghiệp xuất khẩu với các nhà sản xuất, chế biến bảo quản; quy hoạch quản lý chất lượng hồ tiêu bằng truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, để đảm bảo chất lượng sản phẩm và giá cả ổn định.
Theo báo cáo của VPA, trong giai đoạn 2017-2021 diện tích hồ tiêu của Việt Nam đã tăng vượt gấp 3 lần so với quy hoạch. Năm 2017 cả nước có tới 152.000 ha trồng tiêu, khiến sản lượng tăng mạnh và đạt đỉnh năm 2019.
Chính điều này dẫn đến tình trạng cung vượt cầu ở mức cao và đẩy ngành hồ tiêu rơi vào khủng hoảng giá và chạm đáy vào tháng 4/2020 với mức giá khoảng 35.000 đồng/kg.
Mặt khác, hầu hết nông dân vẫn đang sản xuất nhỏ lẻ, manh mún với quy mô trung bình 1-2 ha/hộ và buôn bán qua nhiều khâu trung gian gây khó khăn rất lớn cho quản lý chất lượng hồ tiêu, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng hồ tiêu xuất khẩu.
Báo cáo của VPA cũng chỉ ra. từ tháng 3/2021, giá hồ tiêu thế giới đã bắt đầu phục hồi do lượng cung giảm mạnh. Hiện nay, giá hồ tiêu trong nước dao động ở mức trên dưới 82.000 đồng/kg. Tuy nhiên các yếu tố đầu vào và giá cước vận chuyển cũng tăng mạnh, đặc biệt tuyến đi châu Mỹ và châu Âu cũng là thách thức lớn với ngành hồ tiêu thời gian tới.
Trong giai đoạn tới VPA sẽ tập trung vào việc phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp, đẩy mạnh hợp tác, liên kết với nông dân sản xuất hồ tiêu thông qua các tổ chức của nông dân để quản lý, kiểm soát quy trình sản xuất từ khâu canh tác tới thu hoạch, xử lý, chế biến, bảo quản…
Bên cạnh đó là đẩy mạnh hoạt động thông tin, nghiên cứu thị trường, thị hiếu để đưa ra thông tin tốt giúp nông dân có định hướng đúng trong phát triển sản xuất hồ tiêu.
VPA cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu có được chiến lược sản xuất kinh doanh hiệu quả, giúp gia tăng giá trị, giảm thiểu rủi ro...