Theo ThS. Đinh Thị Hà, trong quá trình cung cấp dịch vụ thẩm định giá thời gian qua đã xuất hiện hiện tượng tiêu cực, đó là việc một số doanh nghiệp thẩm định giá, cá nhân thẩm định viên đã cố tình vi phạm tiêu chuẩn đạo đức hành nghề, vi phạm tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam, thông đồng với khách hàng làm sai lệch kết quả thẩm định giá, nhất là trong việc thẩm định giá phục vụ cho việc đấu thầu mua sắm đới với thiết bị vật tư y tế, giáo dục.
Nguyên nhân có khách quan và chủ quan. Một trong những nguyên nhân khách quan phải kể đến đó là do hệ thống pháp luật còn chồng chéo, chưa đồng bộ, các doanh nghiệp thẩm định giá phát triển nóng về số lượng, người đại diện pháp luật thay đổi liên tục trong thời gian ngắn, chưa có quy định về tính ổn định của nhân sự hoạt động trong doanh nghiệp...
ThS. Đinh Thị Hà nhấn mạnh, các quy định hiện hành về điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ kiểu kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá đang chưa chặt chẽ khiến cho việc thành lập và cấp phép hoạt động của các doanh nghiệp thẩm định giá trở nên dễ dàng. Số lượng doanh nghiệp phát triển nhanh cũng dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh bằng cách hạ thấp giá, cắt bớt quy trình thẩm định giá dẫn đến giảm chất lượng dịch vụ…
Thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp được thành lập với quy mô nhỏ, thẩm định viên không làm việc toàn thời gian. Các doanh nghiệp này thường làm các hồ sơ nhỏ hoặc một vài hồ sơ rồi nghỉ dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp hoạt động trong thời gian ngắn, cố tình thực hiện một vài hồ sơ để trục lợi cá nhân sau đó đóng công ty lại và tiếp tục mở công ty khác.
Dự thảo Luật Giá sửa đổi quy định điều kiện để cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá phải có 5 người có thẻ thẩm định viên đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp thay vì 3 như hiện nay sẽ phần nào giúp giảm bớt được doanh nghiệp “siêu nhỏ” và góp phần nâng cao chất lượng doanh nghiệp thẩm định giá.
ThS. Đinh Thị Hà cũng đồng tình với việc luật hóa các quy định về yêu cầu kinh nghiệm đối với người đại diện theo pháp luật, giám đốc hoặc tổng giám đóc doanh nghiệp thẩm định giá. Đây là quy định cần thiết, phù hợp với yêu cầu thực tiễn nhằm khắc phục tình trạng thẩm định viên vừa mới được cấp thẻ và đăng ký hành nghề đã được bổ nhiệm làm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thẩm định giá.
Ngoài ra, quy định của dự thảo về số vốn điều lệ tối thiểu của doanh nghiệp thẩm định giá từ 5 tỷ đồng trở lên là hoàn toàn phù hợp với ngành nghề thẩm định giá, tạo điều kiện để phát triển nghề bền vững.
Tuy nhiên cần lưu ý, vốn pháp định của doanh nghiệp là mức vốn tối thiểu cần đáp ứng khi doanh nghiệp đăng ký kinh doanh một ngành nghề có yêu cầu về vốn pháp định, vốn điều lệ là số vốn chủ doanh nghiệp cam kết góp, còn vốn kinh doanh là số vốn thực tế chủ sở hữu đã góp.
Như vậy, 3 loại vốn này có thể ở mức khác nhau trong cùng một doanh nghiệp nên cần quy định rõ hơn mức 5 tỷ đồng là vốn kinh doanh trong doanh nghiệp thẩm định giá.
ThS. Đinh Thị Hà kiến nghị bỏ hình thức công ty cổ phần khi thành lập doanh nghiệp thẩm định giá. Trên thế giới, trong quy định về hình thức thành lập doanh nghiệp thẩm định giá của nhiều quốc gia không có mô hình là công ty cổ phần.
Như tại Tây Ban Nha, để được phép hoạt động thẩm định giá, một trong các điều kiện bắt buộc phải là doanh nghiệp thành lập theo hình thức công ty TNHH và phải có địa chỉ đăng ký tại Tây Ban Nha.
Thực tế tại Việt Nam hiện nay, khoảng 50% doanh nghiệp thẩm định giá được đăng ký với loại hình công ty TNHH và 50% đăng ký loại hình công ty cổ phần. Vấn đề đặt ra thời gian qua cho thấy cần rà soát với loại hình công ty cổ phần cần rà soát bảo đảm tính khách quan trong quá trình thẩm định giá, hạn chế các lợi ích liên quan giữa doanh nghiệp thẩm định giá và khách hàng thẩm định giá là khó khả thi trong trường hợp công ty cổ phần trở thành công ty đại chúng.