“Ông trùm” đầu tư kín tiếng "tất tay" với vàng
Sinh năm 1963 tại Chu Kỳ, tỉnh Chiết Giang – một vùng nông thôn phía đông Trung Quốc, Bian Ximing lớn lên trong giai đoạn Trung Quốc có nhiều biến động. Con đường học hành của ông gặp nhiều trắc trở nhưng vẫn tốt nghiệp một trường dạy nghề thuộc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc vào năm 1985.
Bước ngoặt đến vào năm 1995, khi ông thành lập một nhà máy sản xuất ống nhựa cao cấp. Tận dụng đà phát triển kinh tế của Trung Quốc, Bian nhanh chóng mở rộng đế chế sang bất động sản, tài chính và sản xuất, với công ty mẹ Zhongcai Merchants Investment Group Co. đặt trụ sở tại Thượng Hải. Ông cũng đầu tư vào các thị trường lớn như Mỹ, Anh, Ấn Độ và Hong Kong, sở hữu cổ phần lớn tại bộ phận làm phim của Alibaba.
Năm 2003, ông mua lại một công ty môi giới hợp đồng tương lai và đổi tên thành Zhongcai Futures.
Vào năm 2022, giữa bối cảnh lạm phát toàn cầu và xu hướng phi đô la hóa lan rộng, Bian đã chuyển hướng mạnh sang thị trường vàng. Ông và Zhongcai Futures bắt đầu gom các hợp đồng vàng tương lai tại Trung Quốc, đặt kỳ vọng rằng vàng sẽ trở thành nơi trú ẩn chính trước bất ổn tài chính toàn cầu.
Khi đó, ông viết trên blog cá nhân: “Đây là thời điểm thích hợp để dồn toàn bộ vị thế quỹ vào thị trường vàng, với đòn bẩy cao tại Sàn Giao dịch Thượng Hải.”
Việc giới đầu tư cá nhân và tổ chức Trung Quốc tăng vị thế đầu cơ cũng đóng vai trò quan trọng trong đà tăng chưa từng có của giá vàng. Các vị thế mua vàng trên Sàn Giao dịch Thượng Hải (SHFE) đã tăng gần 50% kể từ tháng 9/2023, đạt đỉnh kỷ lục 324.857 hợp đồng, tương đương hơn 324 tấn vàng.
Riêng Zhongcai Futures nắm giữ hơn 50 tấn vàng, trị giá khoảng 4 tỷ USD, chiếm hơn 2% lượng dự trữ vàng của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc.
Khoản đặt cược này đã đưa ông đến đỉnh cao. Khi giá vàng bứt phá lên các mốc kỷ lục, quỹ của ông kiếm được khoảng 1,5 tỷ USD (khoảng 39 nghìn tỷ đồng) lợi nhuận. Một trong các quỹ do Zhongcai quản lý đã đạt mức sinh lời hơn 160% trong năm 2024, theo Wind – nhà cung cấp dữ liệu tài chính Trung Quốc.
Trở thành "cá mập" của thị trường đồng
Thành công từ vàng dường như mới chỉ là khởi đầu. Từ cuối năm 2023, Bian bắt đầu âm thầm chuyển hướng sang đồng – kim loại thiết yếu cho xe điện, năng lượng sạch và quân sự. Sau khi bán khống phần lớn năm 2024, ông quay sang đặt cược mạnh vào vị thế mua dài hạn trước kỳ bầu cử Mỹ, dự đoán rằng chiến thắng của Donald Trump sẽ thúc đẩy đầu tư công nghiệp trong nước và kích thích kinh tế Trung Quốc.
Tính đến cuối tháng 4/2025, Zhongcai Futures nắm giữ khoảng 90.000 tấn hợp đồng tương lai đồng, tương đương với gần 200.000 tấn đồng vật lý – một vị thế vượt xa các đối thủ và trị giá gần 1 tỷ USD. Riêng khoản đầu tư này đã mang lại lợi nhuận khoảng 200 triệu USD.
Đặc biệt, ông duy trì phần lớn vị thế tại Sàn Giao dịch Hàng hóa Thượng Hải (SHFE) – quyết định giúp ông tránh được đợt sụt giá ngắn hạn hồi tháng 4 khi thị trường Trung Quốc đóng cửa vì nghỉ lễ. Một số nhà đầu tư của ông đã rút lui vì lo ngại suy thoái toàn cầu, nhưng Bian lại mua thêm và mở rộng vị thế trong tháng 5.
Không giống nhiều nhà đầu tư Trung Quốc ưa thích lướt sóng hoặc muốn thao túng thị trường, Bian được mô tả là người có quan điểm tách biệt, kiên định và sâu sắc về chiến lược. Các nhà quản lý và đối thủ cho biết ông có sự hiểu biết hiếm có về thị trường hàng hóa.
Điểm đặc biệt khác là phong cách lãnh đạo từ xa. Bian hiện sống tại Gibraltar, một khu vực ấm áp ở Nam Âu, và điều hành công ty qua các cuộc họp video. Dù hầu như không trở lại Trung Quốc, ông vẫn duy trì đội ngũ quản lý tại Thượng Hải.
Dù thị trường đồng biến động mạnh, Bian vẫn vững vàng đặt cược vào triển vọng dài hạn của đồng, tin rằng quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu và xu hướng đẩy mạnh công nghiệp hóa chất lượng cao tại Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu với kim loại này. Một số đối thủ đánh giá Bian đang "chơi" một ván cược kép, đặt niềm tin vào tiềm lực kinh tế Trung Quốc và vào vai trò trung tâm của đồng trong nền kinh tế tương lai.
Tổng hợp