CTCP Đầu tư Thương mại SMC (mã: SMC) vừa công bố BCTC hợp nhất quý 3/2024 với doanh thu thuần đạt 2.277 tỷ đồng, giảm 27,5% so với cùng kỳ. Trừ đi giá vốn, SMC lãi gộp hơn 10 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 41 tỷ đồng.
Trừ đi các chi phí, SMC lỗ sau thuế hơn 82 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ hơn 178 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, SMC ghi nhận doanh thu thuần đạt 6.747 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ. Công ty báo lãi sau thuế gần 7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 586 tỷ đồng. Lỗ lũy kế tính đến hết quý 3 gần 147 tỷ đồng.
Tại ngày 30/9, tổng tài sản của SMC ở mức 5.076 tỷ đồng, giảm gần 18% so với hồi đầu năm.
Nợ xấu của doanh nghiệp giảm hơn 300 triệu đồng, đạt 1.309 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn.
Trong đó, các đơn vị đang nợ SMC bao gồm: Công ty TNHH Delta - Valley Bình thuận (441 tỷ đồng), Công ty TNHH Bất động sản Đà Lạt Valley (169 tỷ đồng), Công ty TNHH The Forest City (132 tỷ đồng), CTCP Hưng Thịnh Incons (63 tỷ đồng) và các đối tượng khác (484 tỷ đồng).
Công ty TNHH Delta - Valley Bình thuận, Công ty TNHH Bất động sản Đà Lạt Valley và Công ty TNHH The Forest City nằm trong hệ sinh thái của Novaland (NVL) có tổng nợ xấu gần 742 tỷ, trích lập dự phòng 298 tỷ đồng. Các con số không thay đổi so với hồi đầu năm.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 ngày 27/4, trả lời câu hỏi liên quan việc trích lập và giải quyết công nợ khó đòi, đặc biệt với Novaland, Phó Chủ tịch HĐQT SMC - Bà Nguyễn Ngọc Ý Nhi đã cho biết, trong quý đầu năm, SMC chưa phải trích lập dự phòng thêm cho các khoản công nợ. Tuy nhiên, nếu không xử lý được khoản nợ, SMC sẽ phải trích lập dự phòng thêm 90 tỷ đồng trong quý 2 và tổng cộng gần 300 tỷ trong cho cả năm 2024.
"Khoản trích lập này sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận, do đó SMC đang làm việc quyết liệt với Novaland và các đối tác khác", bà nói.
Bà Ý Nhi khẳng định rằng SMC nhất định phải xử lý trong năm nay, có thể là trước thời điểm ngày 30/06. "Các phương án xử lý nợ bao gồm cả thu bằng tiền, hoán đổi cổ phiếu, nhận tài sản để cấn trừ công nợ. Nếu khả thi, SMC đều chấp nhận. Mục tiêu là phải xử lý trong năm nay để không phải trích lập thêm", bà Ý Nhi chia sẻ.
SMC vẫn đang chìm trong khó khăn. Kinh doanh thua lỗ 2 năm liên tiếp, cổ phiếu bị đưa vào diện kiểm soát, công ty đã phải chuyển nhượng, thanh lý hàng loạt tài sản, các khoản đầu tài chính... để có nguồn thu, duy trì hoạt động.
Mới nhất, ngày 2/10, SMC ban hành nghị quyết chuyển quyền chủ nợ đối với khoản nợ phải thu của SMC tại CTCP Beton 6 cho bà Nguyễn Thị Lan Anh.
Theo đó, toàn bộ khoản nợ phải thu của Beton 6 có giá trị 12,6 tỷ đồng (bao gồm cả lãi chậm thanh toán hoặc các khoản phí phạt khác được tiếp tục tính từ ngày 1/3/2019, nếu có) và được nhận từ bà Nguyễn Thị Lan Anh số tiền 3 tỷ đồng.
Trước đó, SMC đã bán ra loạt bất động sản để duy trì hoạt động.