Tại huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng, người trồng mía đang bước vào vụ thu hoạch mía với tâm trạng phấn khởi khi giá mía tăng hơn so với trước, nhà nông có lời.
Về năng suất mía, tùy theo vùng đất, có hộ đạt năng suất 15 tấn/1.000m2, nhưng có hộ chỉ đạt 8 tấn/1.000m2.
Về giá, với mía đạt độ đường (người dân quen gọi chữ đường) bán với giá 1,3 triệu đồng/tấn. Còn chữ đường thấp có giá từ 900.000 đến 1,1 triệu đồng/tấn. Sau khi trừ chi phí, người trồng lời từ 2-4 triệu đồng/1.000m2.
Với giá bán như hiện nay nông dân phấn khởi vì có lời. Đặc biệt, ngoài những hộ trồng mía bán cho sản xuất đường, có một số hộ chuyển sang trồng mía lấy nước, bán cho thương lái cung cấp cho các xe nước mía không chỉ ở địa phương mà còn đưa lên TP.HCM và các tỉnh miền Đông".
Chia sẻ của một nông dân đang thu hoạch mía lấy nước ở xã An Thạnh 2, bán cho thương lái đưa lên TP.HCM, Bình Dương cho biết, gia đình trồng được 2.000m2, do mía đẹp nên thương lái mua hết với giá 60 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí còn lời được 30 triệu đồng. So với trồng mía nguyên liệu làm đường thì trồng mía lấy nước lời cao hơn.
Còn tại huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, niên vụ mía 2022-2023, nông dân trồng mía tại đây thu lợi nhuận khá sau nhiều năm thua lỗ.
Ông Huỳnh Văn Thảo, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh cho biết: "Toàn huyện đã thu hoạch khoảng 700/1.100 ha mía, năng suất đạt 95 tấn/ha. Giá mía được nhà máy đường thu mua ở mức 1.250 đồng/kg (loại 10 chữ đường), cao hơn 150 đồng/kg so với năm rồi, nông dân thu lợi nhuận từ 30 - 40 triệu đồng/ha".
Tuy nhiên, những năm gần đây, diện tích trồng mía tại các tỉnh ĐBSCL ngày càng bị thu hẹp, nguyên nhân là giá mía nhiều năm qua lâm vào hoàn cảnh bấp bênh, nhiều nông dân nản chí, bỏ trồng loại cây này. Theo một số người trồng mía tại Hậu Giang, tại địa phương có rất nhiều hộ dân chỉ trồng và cung cấp mía nguyên liệu cho làm nước mía giải khát, chứ không bán cho nhà máy sản xuất đường như trước đây.
Còn theo Phòng NN-PTNT huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, diện tích trồng mía tại huyện Phụng Hiệp năm nay giảm 500 ha so với vụ năm rồi do nông dân chuyển qua trồng cây ăn trái.
Lãnh đạo một công ty mía đường ở ĐBSCL cho biết, tình hình các nhà máy đang gặp khó khăn trong nguyên liệu. Công ty đạt công suất ép 6.500 tấn mía/ngày nhưng đang thiếu nguyên liệu trầm trọng. Nguyên nhân là do nông dân "bẻ kèo", họ có hợp đồng với công ty nhưng lại đem mía bán cho thương lái. Bên cạnh đó, diện tích trồng mía giảm mạnh cũng khiến nguyên liệu đầu vào không đủ.