Nơi đông dân nhất nước Mỹ sắp phải đón một mùa đông rất lạnh: Trữ lượng dầu sưởi chỉ còn 1/3, khan hiếm nhà máy lọc dầu và đường ống dẫn

Vũ Anh | 16:33 08/11/2022

Khủng hoảng nhiên liệu khiến một vùng tại Mỹ đứng trước nguy cơ giá cả leo thang và mua bán hoảng loạn.

Nơi đông dân nhất nước Mỹ sắp phải đón một mùa đông rất lạnh: Trữ lượng dầu sưởi chỉ còn 1/3, khan hiếm nhà máy lọc dầu và đường ống dẫn

Tại Đông Bắc, khu vực đông dân nhất nước Mỹ, nhiệt độ đang giảm dần sau quãng thời gian dài ấm áp bất thường. Đây được coi là dấu hiệu cho thấy một cuộc khủng hoảng năng lượng mới đang nhân lên, theo Bloomberg. 

Dầu sưởi giao đến New York hiện có giá đắt chưa từng có. Các nhà bán lẻ ở Connecticut đang tìm cách phân chia nguồn hàng để ngăn tình trạng mua bán hoảng loạn, trong bối cảnh dữ lượng dầu diesel và dầu sưởi New England hiện chỉ bằng ⅓ so với trước đây. Một công ty điện có trụ sở tại Massachusetts đang khẩn khoản yêu cầu Tổng thống Mỹ Joe Biden dự phòng các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn tình trạng thiếu khí đốt diễn biến xấu.

Theo các chuyên gia, người tiêu dùng Đông Bắc có thể sẽ phải đối mặt với những hóa đơn năng lượng cao nhất sau nhiều thập kỷ vào mùa đông này. Chính quyền Biden, dưới áp lực hạ nhiệt lạm phát trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, đang tìm cách tích trữ thêm dầu diesel và xăng ở New England. Trong trường hợp xấu nhất, khu vực này sẽ cạn nhiên liệu và người dân không thể bật đèn hay sưởi ấm.

“Mọi chuyện sẽ khá tồi tệ. Ngân sách tổng thể của bạn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề”, Marcus McGregor, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa tại Conning cho biết.

800x-1-3-.jpg

Vùng Đông Bắc không còn xa lạ gì với những hạn chế về nhiên liệu. Tình trạng khan hiếm đường ống và nhà máy lọc dầu đồng nghĩa với việc các mỏ đá phiến của Texas và Pennsylvania chủ yếu tập trung ở phần còn lại của nước Mỹ. Khu vực này có thể sẽ phải cạnh tranh với các quốc gia Đại Tây Dương để có đủ nhiên liệu sản xuất điện.

Rocky MacDonald, người cha 3 con hiện làm môi giới bất động sản ở Stoneham, Massachusetts, dự kiến ​​phải trả hơn 500 USD để mua dầu sưởi, tăng 20% so với hồi năm ngoái. Để tiết kiệm tiền, MacDonald và vợ thường xuyên ăn tối ở nhà. Nếu có ra hàng thì sẽ không gọi rượu. 

“Không thể tin được. Các khoản chi hàng tháng tăng đến mức điên rồ”, MacDonald nói. “Tôi đang cố gắng tích trữ từng xu”.

Được biết, tổng chi tiêu của gia đình MacDonald và trang trại đã tăng lên 10.000 USD/tháng so với mức 8.000 USD hồi năm ngoái. Người đàn ông này còn lo ngại việc lãi suất tăng cao sẽ khiến thị trường nhà đất tiếp tục bị thắt chặt, từ đó ăn mòn thu nhập cả gia đình. 

Rocky MacDonald chỉ là một trong số rất nhiều người Mỹ đang phải vật lộn với lạm phát. Theo ước tính của chính phủ, người Mỹ đã sẵn sàng cho viễn cảnh chi tiêu kỷ lục vào mùa đông này, sau ít nhất 25 năm. 

capture.jpg

Ở vùng Đông Bắc, một gia đình điển hình dự kiến ​​sẽ phải chi ra 1.094 USD cho việc sưởi ấm, tăng 23% so với năm ngoái, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng. Những ngôi nhà phụ thuộc hoàn toàn vào dầu sưởi, chủ yếu tập trung ở New England và Trung Đại Tây Dương, sẽ chịu ảnh hưởng lớn hơn nhiều khi hóa đơn trung bình lên tới 2.354 USD.

“Đối tượng có nguy cơ cao phải đối mặt với tình trạng hết nhiên liệu là dân nhập cư và người tị nạn. Chúng tôi rất lo ngại mùa đông này”, Jeffrey Thielman, Chủ tịch Viện quốc tế phi lợi nhuận tại New England, cho biết.

Cho đến nay, chính quyền ông Joe Biden đang sử dụng một trong số ít các công cụ sẵn có để giải quyết tình trạng giá năng lượng tăng cao, trong đó có việc giải phóng một lượng lớn dầu thô từ nguồn dự trữ khẩn cấp quốc gia. Tuy nhiên, các nhà máy lọc dầu tại Mỹ hiện cũng đang dần cạn kiệt dần và không đủ công suất dư thừa.

Trước đây, điều kiện khí hậu tương đối ôn hòa tại châu Âu và vùng Đông Bắc - một hệ lụy từ hiện tượng La Nina, khiến nhu cầu sưởi ấm được kìm cương. Giá khí đốt giao tháng tới hạ nhiệt ở cả 2 bờ Đại Tây Dương do mùa thu ấm hơn mức bình thường. Tuy nhiên, vào cuối tháng 10, cơ quan thời tiết quốc gia của Vương quốc Anh cho biết khả năng cao nước này sẽ đón 1 mùa đông lạnh hơn. 

1200x-1-2022-11-08t160449.651.jpg
New England và Trung Đại Tây Dương phụ thuộc nhiều vào khí đốt.

Theo Bloomberg, New England và Trung Đại Tây Dương phụ thuộc nhiều vào khí đốt. Các nhà máy nhiệt điện than đã ngừng hoạt động do không thể cạnh tranh với khí đốt giá rẻ, trong khi tuabin gió và trang trại năng lượng mặt trời chưa phát triển đủ nhanh để có thể thay thế. Tình thế tiến thoái lưỡng nan cho thấy quá trình chuyển đổi năng lượng, ít nhất là trong ngắn hạn, đang gây ra nỗi đau cho người tiêu dùng Mỹ như thế nào. 

“Khu vực New England đã trải qua quãng đường tồi tệ nhất trong khoảng một thập kỷ trở lại đây do bị phụ thuộc quá mức vào một nguồn nhiên liệu duy nhất”, Allison Clements, ủy viên của Ủy ban Điều tiết Năng lượng Liên bang, cho biết.

Theo Bloomberg, một số hộ gia đình khu vực Đông Bắc đã dừng sử dụng dầu sưởi và chuyển sang khí đốt giá rẻ, song phần lớn vẫn cố hữu với sự lựa chọn truyền thống. Bờ Đông, khu vực duy nhất của nước Mỹ phụ thuộc vào nhập khẩu nước ngoài, đang phải cạnh tranh với các quốc gia mong muốn thay thế nguồn cung của Nga. Nhiều nhà máy lọc dầu từ Virginia đến New Jersey đã phải đóng cửa vì không thể cạnh tranh với các đối thủ lớn từ Bờ Vịnh.

Thực tế, Đông Bắc không hoàn toàn bị cô lập với dầu và khí đốt của các khu vực khác. Nó có thể kéo nguồn cung từ đường ống dẫn Bờ Vịnh và các địa điểm khác về phía tây. Dầu sưởi và dầu diesel sau đó được vận chuyển bằng xe tải, tàu hỏa hoặc đường biển.

Tuy nhiên, trong trường hợp nguồn cung cạn kiệt, vùng Đông Bắc sẽ cần thêm nguồn cung từ nước ngoài. Phần lớn trong số đó sẽ đến từ Canada và châu Âu - khu vực khó xuất khẩu nhiên liệu đo căng thẳng địa chính trị Nga-Ukraine. 

Theo: Bloomberg 



Bài liên quan

(0) Bình luận
Nơi đông dân nhất nước Mỹ sắp phải đón một mùa đông rất lạnh: Trữ lượng dầu sưởi chỉ còn 1/3, khan hiếm nhà máy lọc dầu và đường ống dẫn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO