Nối 266 km sắt thép thành công trình tỷ đô băng núi vượt sông, Trung Quốc khẳng định trình độ đỉnh cao ngành xây dựng, khiến Mỹ cũng phải ‘lấy sách vở ghi chép’

Anh Dũng | 17:20 26/01/2024

Đây là công trình được triển khai dưới hình thức hợp tác công - tư (PPP), thể hiện trình độ công nghệ và quản lý cao, kết hợp giữa bảo vệ môi trường sinh thái và công nghệ kỹ thuật hiện đại.

Nối 266 km sắt thép thành công trình tỷ đô băng núi vượt sông, Trung Quốc khẳng định trình độ đỉnh cao ngành xây dựng, khiến Mỹ cũng phải ‘lấy sách vở ghi chép’
Nguồn: GlobalLink

Tuyến đường sắt tiên phong trị giá tỷ đô

Tuyến đường sắt cao tốc tiên phong Hàng Châu - Thiệu Hưng - Thai Châu là một công trình sở hữu nhiều yếu tố có một không hai. Đây là tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên có một phần thuộc sở hữu tư nhân. Tuyến đường này bắt đầu thi công từ năm 2017, hoàn thành đặt đường ray vào tháng 6/2021 và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 8/1/2022.

Đây là một dự án đặc biệt, được triển khai dưới hình thức hợp tác công - tư (PPP). Tuyến đường sắt này còn mở ra triển vọng cho việc sử dụng nguồn vốn từ lĩnh vực tư nhân để phát triển mạng lưới đường sắt cao tốc đắt đỏ của Trung Quốc.

Ảnh: CFP

Với tổng vốn đầu tư lên đến 44,9 tỉ nhân dân tệ (7 tỉ USD hay hơn 172 nghìn tỷ VNĐ), tuyến đường sắt cao tốc này có chiều dài 266 km, bắt đầu từ thành phố Hàng Châu, đi qua Thiệu Hưng và Thai Châu ở tỉnh Chiết Giang, ven biển phía đông Trung Quốc.

Liên doanh do Tập đoàn Fosun dẫn đầu nắm giữ 51% vốn, còn lại thuộc Tập đoàn Đường sắt quốc gia Trung Quốc và chính quyền địa phương.

Tuyến đường sắt có 8 điểm dừng, cho phép vận tốc di chuyển lên đến 350km/h. Ban đầu cơ quan đường sắt địa phương bố trí 35 cặp tàu điện động lực phân tán (EMU). Theo Tập đoàn Đường sắt quốc gia Trung Quốc, việc sử dụng tuyến đường sắt này sẽ giảm thời gian di chuyển giữa Hàng Châu và Thai Châu xuống còn 1 tiếng, bằng một nửa so với thời gian trước kia.

Công trình đường sắt cao tốc tỷ đô của Trung Quốc. Ảnh: Wonderful Engineering

Theo tờ Global Times, tuyến đường sắt này đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, thể hiện thành công của mô hình hợp tác công tư (PPP) tại Trung Quốc.

Tuyến đường sắt cao tốc này còn độc đáo bởi nó kết nối nhiều danh lam thắng cảnh của Trung Quốc. Đoạn đường tàu đi qua có khoảng 10 điểm du lịch cấp quốc gia xếp hạng 5A và hơn 30 điểm du lịch xếp hạng 4A. Ví dụ, Di tích khảo cổ Lương Chử (có niên đại từ 3300-2300 trước Công nguyên), Kênh đào lớn Bắc Kinh-Hàng Châu (kênh cổ dài nhất và lớn nhất thế giới), Tây Hồ Hàng Châu và Công viên địa chất thế giới núi Yandang.

Công trình đã được cấp bằng sáng chế cho hơn 50 phát minh và mô hình hữu ích, thể hiện trình độ công nghệ và quản lý cao, kết hợp giữa bảo vệ môi trường sinh thái và công nghệ kỹ thuật hiện đại.

Công trình đường sắt cao tốc tỷ đô của Trung Quốc. Ảnh: VCG

Dấu mốc mới sau 2 năm hoạt động

Đầu năm vừa qua, tuyến đường sắt này đã kỷ niệm 2 năm thành lập. Trong vòng 2 năm, tuyến đường sắt này đã thực hiện hơn 20 triệu chuyến. Số lượng cặp tàu điện tăng từ 35 lên 59 đôi tính đến hiện tại và đạt tới 60 cặp tàu điện trong mùa cao điểm. Tuyến đường sắt này đã đánh dấu một cột mốc quan trọng khi cung cấp 15 triệu chuyến hành khách trong năm 2023, tăng mạnh 200% so với năm trước.

Phó giám đốc Zhu Shibei của Viện Kế hoạch Phát triển Đường sắt Chiết Giang thừa nhận sự phát triển của tuyến đường sắt Hàng Châu - Thiệu Hưng - Thai Châu không chỉ tăng cường vận tải mà còn kích thích đáng kể nền kinh tế du lịch dọc tuyến đường này.

Tuyến đường sắt cao tốc này mang lại lợi ích cho cả hành khách lẫn môi trường. Đường sắt cao tốc được công nhận, vì mức độ ô nhiễm thấp hơn và giảm mức tiêu thụ nhiên liệu so với ô tô hoặc máy bay.

Công trình đường sắt cao tốc tỷ đô của Trung Quốc. Ảnh: Wonderful Engineering

Câu chuyện thành công với tuyến đường sắt cao tốc ở Trung Quốc đã truyền cảm hứng cho nước Mỹ bắt tay thực hiện những dự án tương tự. Luật Cơ sở hạ tầng lưỡng đảng, được Tổng thống Joe Biden ký vào năm 2021, phân bổ 8,2 tỷ USD cho 10 dự án đường sắt chở khách lớn. Các dự án này bao gồm những tuyến kết nối các thành phố khác nhau.

Những sáng kiến này là tín hiệu cho cam kết hiện đại hoá mạng lưới đường sắt tại Mỹ, cũng giống như sự phát triển nhanh chóng của hệ thống đường sắt cao tốc Trung Quốc trong vòng hai thập kỷ. Mỹ có thể sẽ đạt được thành công, thúc đẩy tương lai bền vững và hiệu quả hơn trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Tổng hợp


(0) Bình luận
Nối 266 km sắt thép thành công trình tỷ đô băng núi vượt sông, Trung Quốc khẳng định trình độ đỉnh cao ngành xây dựng, khiến Mỹ cũng phải ‘lấy sách vở ghi chép’
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO