Bước ngoặt tăng trưởng của thị trường tài chính tiêu dùng: Những yếu tố tạo nên sự thay đổi

Nguyễn Đạt | 19:57 02/04/2025

Thị trường tài chính tiêu dùng đang bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới, được hỗ trợ bởi các dấu hiệu tích cực từ môi trường kinh tế vĩ mô.

Bước ngoặt tăng trưởng của thị trường tài chính tiêu dùng: Những yếu tố tạo nên sự thay đổi

Năm 2023, sau đại dịch Covid-19 cùng hàng loạt vấn đề như xung đột, căng thẳng địa chính trị giữa các nước trên thế giới làm cho chuỗi cung ứng, phân phối đứt gãy… các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI rơi vào khó khăn, dẫn tới ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp lên thị trường tài chính tiêu dùng khi người dân hạn chế nhu cầu vay mới để chi tiêu, những người đang có dư nợ đứng trước nguy cơ giảm lương, mất việc làm nên không có khả năng trả nợ.

Trên đà phục hồi và tăng trưởng

Trong năm 2023, lần đầu tiên tăng trưởng tín dụng của các công ty tài chính tiêu dùng -9,1%, tỷ lệ nợ xấu (NPL) toàn ngành lên tới 11% (theo FiinGroup). 

Tuy nhiên, đến năm 2024, mọi thứ đã có sự cải thiện rõ rệt khi Chính phủ triển khai các gói tín dụng hỗ trợ các ngành, lĩnh vực; giảm thuế giá trị gia tăng đối với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ, ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật mới. Báo cáo kinh tế Việt Nam năm 2024 và dự báo năm 2025 của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV vừa công bố cho thấy tiêu dùng tiếp tục phục hồi với tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ năm 2024 tăng 8,8% nhờ lượng khách du lịch tăng mạnh và tiêu dùng cá nhân phục hồi.

Nổi bật nhất trong số đó, các số liệu từ báo cáo tài chính kiểm toán của Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE CREDIT) cho thấy lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt gần 515 tỷ đồng. Sự quay trở lại ấn tượng này đến từ tăng trưởng trong quy mô tín dụng, nỗ lực nâng cao chất lượng tài sản, tối ưu chi phí và quản trị rủi ro, thu hồi nợ hiệu quả. Đây là kết quả của quá trình tái cấu trúc toàn diện trong hai năm (2023, 2024) và sự trợ lực từ hai định chế tài chính lớn trong và ngoài nước là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và Công ty Tài chính tiêu dùng SMBC (SMBC CF) – công ty con của Tập đoàn Sumitomo Mitsui Financial Group.

Đến cuối năm 2024, tổng tài sản của FE CREDIT ở mức hơn 67.650 tỷ đồng, tăng gần 7,3% so với cuối 2023. Vốn chủ sở hữu đạt gần 10.684 tỷ đồng, tăng nhẹ 4% so với cuối năm 2023. Các chỉ tiêu về an toàn tài chính, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn đều đáp ứng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước.  

Không chỉ FE CREDIT, theo thông tin tại Hội nghị Nhà đầu tư hồi tháng 3 vừa qua, ông Đàm Thế Thái, Phó Tổng Giám đốc HD Saison, cho biết lợi nhuận trước thuế của công ty đạt 601 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2024, gấp đôi cùng kỳ năm trước (314 tỷ đồng) và gần bằng lợi nhuận cả năm 2023 (660 tỷ đồng).

Tổng thu nhập hoạt động (TOI) của HD Saison trong nửa đầu 2024 đạt 3.265 tỷ đồng, tăng trưởng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Vào cuối quý II, dư nợ cho vay của HD Saison tăng gần 8,7% so với cùng kỳ, đạt 16.939 tỷ đồng. Trong đó, tăng trưởng khách hàng mới đạt gần 20%.

Không để bị tụt lại phía sau, Mirae Asset cũng tối ưu hóa chi phí thông qua việc tái cơ cấu, đẩy mạnh chuyển đổi số và tối ưu hóa năng suất lao động của từng nhân viên. Nhờ đó, tỷ lệ CIR (Cost to income ratio) trong năm 2024 ở mức 31,1%, giảm 2,6% so với cuối năm 2023. Chỉ tính riêng trong quý IV/2024, công ty lãi hơn 173 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ 2023, giữ được nhịp tăng trưởng khi báo lãi trong hai quý liên tiếp và quý sau đạt lợi nhuận cao hơn quý trước.

Một tổ chức tài chính tiêu dùng khác là MCREDIT cũng đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2024 cao hơn gấp đôi so với năm 2023. Hiện MCREDIT đang điều chỉnh mô hình thu nợ, phối hợp với các đối tác bên ngoài để tăng chất lượng xử lý nợ. Bên cạnh đó, tập trung cho vay nhóm khách hàng có dữ liệu (từ ngân hàng mẹ) để kiểm soát rủi ro.

Chìa khóa cho sự nhảy vọt

Những “trái ngọt” của FE CREDIT cũng như các tổ chức tín dụng khác đều là kết quả của những nỗ lực trong quá trình tái cấu trúc toàn diện trong hai năm (2023, 2024) và sự trợ lực từ hai định chế tài chính lớn trong và ngoài nước là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và Công ty Tài chính tiêu dùng SMBC (SMBC CF) – công ty con của Tập đoàn Sumitomo Mitsui Financial Group.

Ông Vũ Minh Trường - Giám đốc Trung tâm quản lý nợ tài sản VPBank đánh giá năm 2025, FDI tiếp tục là động lực tốt cho tăng trưởng kinh tế, đặc biệt gần đây Chính phủ có nghị định liên quan đến đầu tư vào ngành công nghệ cao, các dòng vốn FDI đưa vào Việt Nam sẽ tạo động lực tăng trưởng tốt.

Thế giới đang trên đà hạ lãi suất, dù dư địa hạ lãi suất của Mỹ không còn nhiều nhưng đây sẽ là yếu tố thuận lợi giúp cho xuất khẩu Việt Nam tăng trưởng hơn. Vấn đề địa chính trị, đặc biệt là tại Trung đông và Nga-Ukraine cũng được kỳ vọng sẽ ổn định hơn.

Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ và cải cách của Chính phủ trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng sẽ khuyến khích nhu cầu vay. Cụ thể, đối với các khoản vay dưới 100 triệu đồng, khách hàng không cần cung cấp phương án sử dụng vốn chi tiết. Thay vào đó, khách hàng chỉ cần chia sẻ thông tin cơ bản về mục đích vay và khả năng trả nợ của mình. 

Tất cả những yếu tố trên chính là tiền đề tạo thuận lợi cho một nền kinh tế ổn định trong năm 2025, thúc đẩy nhu cầu tín dụng của công nhân, lao động động phổ thông, những người có thu nhập từ thấp đến trung bình là tập khách hàng chính của các công ty tài chính tiêu dùng cũng cải thiện và từ việc số hóa hành trình khách hàng, cải thiện trải nghiệm, tăng tỷ lệ giữ chân khách hàng.


(0) Bình luận
Bước ngoặt tăng trưởng của thị trường tài chính tiêu dùng: Những yếu tố tạo nên sự thay đổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO