Vừa qua, Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến dự thảo nghị quyết của Quốc hội thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.
Theo đó, nhiều nội dung được đề xuất như giao chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội không thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Dự án nhà ở xã hội không phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và thủ tục thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi của cơ quan chuyên môn về xây dựng.
Giao chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân thuộc thẩm quyền của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Giao chủ đầu tư nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng bằng nguồn tài chính công đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Nếu địa phương không có khả năng cân đối ngân sách để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đầu tư, đấu nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngoài phạm vi dự án nhà ở xã hội thì UBND cấp tỉnh đề xuất Cơ quan quản lý Quỹ phát triển nhà ở xã hội quốc gia hỗ trợ nguồn vốn để thực hiện.
Đáng chú ý, dự thảo còn đề xuất chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân để bán, cho thuê mua, cho thuê được hưởng lợi nhuận định mức tối đa là 13% tổng chi phí đầu tư xây dựng đối với phần diện tích xây dựng nhà ở xã hội của dự án (quy định hiện hành là 10%).
Tại Hội thảo về mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội vừa được báo Dân Việt tổ chức, Luật sư Nguyễn Văn Đỉnh, Chuyên gia pháp lý bất động sản cho biết, rất nhiều doanh nghiệp đã kiến nghị định mức lợi nhuận 10% theo luật nhà ở trước đây là đang thấp, kém hấp dẫn. Sự kém hấp dẫn này nằm trong bối cảnh chung, trong bối cảnh vướng mắc pháp lý, khiến doanh nghiệp tốn rất nhiều các chi phí như: Chi phí cơ hội, thời gian kéo dài rất lâu, vốn tín dụng lãi suất thấp không được tiếp cận.
Trong bối cảnh ấy, doanh nghiệp chỉ có lợi nhuận 10% khi làm dự án khiến cho sự hấp hẫn đầu tư nhà ở xã hội rất kém, tốc độ tăng trưởng nhà ở xã hội cực kỳ kém.
Mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội hoàn thành đến năm 2023, mặc dù chu kỳ là 10 năm nhưng khi được ban hành chỉ còn 7 năm thực hiện. Như vậy, chúng ta thấy được tốc độ cần phải tăng gấp 10 lần, tốc độ năm sau tăng hơn năm trước gấp 10 lần, thì cần phải có đột phá về chính sách.
“Hiện nay trong luật nhà ở đang quy định 10% nhưng bản chất lại khác, trước đây doanh nghiệp làm ở nhà ở xã hội nhưng được dành 20% quỹ đất xây nhà thương mại bán theo giá thị trường. Đây là nơi để doanh nghiệp kiếm lời”, ông Đỉnh nói.
Tuy nhiên, trước đây Luật là hạch toán chung, tức là hoạch toán tổng thể toàn thể dự án chứ không tách bạch ra từng phần quỹ đất. Doanh nghiệp chỉ được hưởng 10% lợi nhuận trên toàn thể dự án.
Theo quy định, lợi nhuận định mức 10% của doanh nghiệp chỉ tính ở nhà ở xã hội, còn lại phần 20% làm thương mại dịch vụ nếu doanh nghiệp dùng đất đó để xây dựng công trình kinh doanh thương mại thì được được miễn tiền thuê đất, nếu để làm nhà ở thương mại sẽ phải nộp tiền thuế đất. Điều quan trọng là doanh nghiệp được hưởng toàn bộ phần thương mại đó.
“Theo tôi nên giữ định mức 10% cho nhà ở xã hội, đây là hạng mục chủ đầu tư xác định làm hộ nhà nước, tuy nhiên, phần thương mại mới là phần doanh nghiệp hướng tới lợi nhuận” ông Đỉnh kiến nghị.
Vướng mắc, đúng như các chuyên gia đã nêu ra, đó là vấn đề về quỹ đất: Quỹ đất khá nhiều, như có hơn 10ha quỹ đất, tuy nhiên, cần phải làm rõ đất đó có phải là đất sạch. Điều này khác với nhà ở thương mại vì đó là quỹ đất nhà nước đấu giá, doanh nghiệp trả tiền thuế phí đất cho nhà nước để đầu tư.
Trước đó, tại hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội diễn ra vào ngày 6/3 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, lãnh đạo Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) cũng cho biết, hiện doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội bị khống chế lợi nhuận không quá 10%.
Trong điều kiện hiện nay, vật tư, nguyên vật liệu và nhân công thường xuyên biến động, thủ tục kéo dài, dẫn đến chi phí tăng do việc thực hiện các dự án bị kéo dài, dẫn đến lợi nhuận không được đảm bảo. Chính vì vậy, đại diện này kiến nghị Thủ tướng cần phải xem xét, điều chỉnh cơ chế ưu đãi như nâng lợi nhuận định mức từ 10% lên 15-20%.