Thị trường chứng khoán Việt Nam phiên 2/4 có phần hụt hơi về cuối phiên khi đà tăng bị chững lại. Dù vậy, nhóm cổ phiếu khoáng sản vẫn giữ vững phong độ.
Điển hình, loạt cổ phiếu mặc “áo tím”, thậm chí “trắng bên bán” phải kể tới KSV của Vimico, YBM của Khoáng sản Công nghiệp Yên Bái, BKC của Khoáng sản Bắc Kạn, FCM của Khoáng sản Fecon hay MTA của TCT Khoáng sản và TM Hà Tĩnh,… cùng tăng từ 7% tới gần 15% giá trị so với phiên trước. Cổ phiếu KCB của Khoáng sản và Luyện kim Cao Bằng cũng bật tăng mạnh hơn 8% giá trị.
Đáng chú ý, các cổ phiếu như YBM, KSV, FCM thậm chí còn tăng kịch trần tới 2 phiên liên tiếp, qua đó đẩy thị giá băng băng tiến lên vùng đỉnh lịch sử.

Đà tăng nóng của nhóm cổ phiếu này đến sau thông tin về trữ lượng vàng mới được phát hiện tại Việt Nam.
Cụ thể, sau gần 8 năm nỗ lực triển khai, Đề án "Điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1:50.000 vùng Tây Bắc" - một dự án trọng điểm trong chiến lược điều tra cơ bản ngành địa chất và khoáng sản Việt Nam, đã có kết quả, mở ra cánh cửa mới để khai thác nguồn lực thiên nhiên giàu có của vùng Tây Bắc một cách bền vững, đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường, ông Trần Quý Kiên cho biết, dự án đã hoàn thành việc lập bản đồ địa chất - khoáng sản tỷ lệ 1/50.000, cho diện tích 13.381 km² của vùng Tây Bắc.
Khu vực này đầy tiềm năng khoáng sản với 110 mỏ khoáng sản thuộc 25 loại khoáng sản quý hiếm và có giá trị kinh tế cao. Đáng chú ý nhất là 40 mỏ vàng, với tổng tài nguyên hơn 29,8 tấn vàng , cùng 5 mỏ đồng với trữ lượng đồng kim loại ước tính hơn 13.000 tấn.
Đặc biệt, tại một mỏ đồng ở tỉnh Lào Cai, các đơn vị nghiên cứu còn phát hiện thêm khoáng sản đi kèm là vàng, với trữ lượng khoảng 420kg, cho thấy sự phong phú và đa dạng của nguồn khoáng sản tại đây.
Theo Thứ trưởng, Tây Bắc không chỉ là vùng phên dậu chiến lược của đất nước, mà còn là kho tài nguyên khoáng sản phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, thời gian qua, tiềm năng khoáng sản quý giá vẫn chưa được khai thác đúng mức do thiếu dữ liệu khoa học chính xác và đồng bộ.
Phạm vi thực hiện của Đề án Tây Bắc gồm toàn bộ vùng Tây Bắc với diện tích 109.250km, gồm 12 tỉnh (Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hoà Bình, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Phú Thọ, Tuyên Quang) và 21 huyện phía Tây của tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An.
Tuy nhiên, dù đề án đã hoàn thành, song để phát huy tối đa giá trị của kết quả điều tra, trong thời gian tới, các địa phương cần sử dụng cơ sở dữ liệu địa chất - khoáng sản đã được bàn giao để phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư và đảm bảo khai thác khoáng sản bền vững - Thứ trưởng Trần Quý Kiên nhấn mạnh.
Hiện nay, cả nước có rất nhiều điểm khai thác vàng, tuy nhiên số mỏ quặng vàng lớn với trữ lượng trên 300 tấn vẫn còn hạn chế. Phần lớn các mỏ vàng chủ yếu phân bố ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Hòa Bình, Hà Giang, Bắc Kạn, Lạng Sơn… cùng một số mỏ lớn ở miền Trung như Quảng Nam.
Giai đoạn trước đó, nhóm cổ phiếu khoáng sản từng xuất hiện quãng thời gian tăng tốc chóng mặt hồi cuối tháng 1 đến giữa tháng 2/2025. Các cổ phiếu ngành khai khoáng nổi sóng sau khi Trung Quốc thông báo hạn chế xuất khẩu các khoáng sản then chốt sang Mỹ, động thái được xem như sự “trả đũa” sau các biện pháp hạn chế của Mỹ trong lĩnh vực chất bán dẫn.
Tuy nhiên, hầu hết các cổ phiếu này đều chứng kiến nhịp điều chỉnh khá mạnh trước khi bật tăng trở lại những phiên giao dịch gần đây.

Mặt khác, chất xúc tác hỗ trợ tích cực cho đà tăng 'nóng' của nhóm khoáng sản còn đến từ kết quả kinh doanh. Đa phần các công ty khoáng sản trên sàn đã báo lãi kỷ lục trong năm 2024, ngoại trừ trường hợp MSR vẫn lỗ.