Giá thuê mặt bằng tại Hà Nội đang leo thang chóng mặt, trở thành nỗi ám ảnh của nhiều hộ kinh doanh. Từ các tuyến phố trung tâm sầm uất đến những khu vực vốn được coi là “dễ thở” hơn, giá thuê vẫn không ngừng tăng, đẩy nhiều chủ cửa hàng vào tình thế khó khăn. Không ít người buộc phải gồng mình chịu lỗ để duy trì hoạt động, trong khi nhiều hộ kinh doanh khác không còn lựa chọn nào ngoài việc đóng cửa hoặc tìm kiếm mặt bằng ở những khu vực rẻ hơn.
Giá mặt bằng Hà Nội liên tục leo thang
Theo báo cáo của CBRE, trong quý IV/2024, giá thuê tại khu vực trung tâm đã tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức 172,7 USD/m²/tháng. Trong khi đó, tại các khu vực ngoài trung tâm, giá thuê cũng không ngừng tăng, ghi nhận mức tăng 10,1% so với cùng kỳ, với tỷ lệ trống là 10,5%.
Theo bảng giá đất sửa đổi áp dụng đến hết 2025, giá mặt bằng tại Hà Nội tăng trung bình 3,5 lần. Cụ thể, giá đất tại các quận tăng 190 - 270%, huyện, xã tăng 150 - 190%, đất thương mại dịch vụ tăng 50 - 100% ở trung tâm và 30 - 50% ở ngoại thành. Việc giá đất tăng cao đẩy chi phí thuê mặt bằng leo thang, khiến nhiều hộ kinh doanh gặp khó khăn, buộc phải chuyển địa điểm hoặc thay đổi mô hình để thích nghi.
Sự gia tăng mạnh mẽ của giá thuê mặt bằng đã tạo ra một cú sốc lớn đối với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là những hộ kinh doanh nhỏ và vừa. Khi chi phí thuê mặt bằng tăng quá cao, phần lớn các doanh nghiệp không thể duy trì hoạt động với mức chi phí này, nhất là khi lợi nhuận không đủ bù đắp.
Hiện thực mặt bằng bỏ trống
Các tuyến phố cổ như Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Gai, Hàng Khoai, Hàng Bông thuộc quận Hoàn Kiếm, hay những con phố nổi tiếng như Kim Mã, Nguyễn Thái Học thuộc quận Ba Đình, và các tuyến đường như Tôn Đức Thắng, Tây Sơn thuộc quận Đống Đa, trước đây luôn đông đúc, nhộn nhịp với đủ loại hình kinh doanh như thời trang, phụ kiện, ẩm thực, khách sạn... Tuy nhiên, hiện nay, những nơi này lại xuất hiện đầy rẫy biển "cho thuê mặt bằng", phản ánh rõ rệt sự suy giảm hoạt động kinh doanh trong bối cảnh giá thuê mặt bằng tăng cao.
Giá thuê mặt bằng tăng cao đang khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Nhiều cửa hàng nhỏ phải chi từ 35 - 40 triệu đồng/tháng cho mặt bằng ở khu vực Hàng Mã, nhưng lại vắng khách và phải bù lỗ liên tục khiến các doanh nghiệp phải trả mặt bằng và chuyển vào trong các con hẻm ngõ để kinh doanh. Thậm chí, các cửa hàng với chi phí thuê nhỏ hơn từ 15 triệu đồng/tháng cũng gặp khó khăn khi giá thành sản phẩm không thể cạnh tranh với các sản phẩm bán online cũng dẫn đến việc “tháo chạy” khỏi mặt bằng.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, cho rằng trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, nhiều doanh nghiệp sẽ ngần ngại khi phải chi một khoản tiền lớn cho chi phí mặt bằng.
Còn ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Giám đốc PropertyGuru Việt Nam, nhận định sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử đã làm thay đổi thói quen mua sắm, khiến hoạt động mua bán trở nên linh hoạt và đa dạng hơn. Do đó, việc bỏ ra chi phí cao cho mặt bằng chỉ để trưng bày sản phẩm không còn là lựa chọn hợp lý, buộc các thương hiệu phải giảm bớt diện tích mặt bằng để tiết kiệm chi phí.
Trước làn sóng giá nhà tăng, nhiều doanh nghiệp buộc phải thay đổi chiến lược, chuyển sang các khu vực có chi phí thấp hơn, hoặc tìm cách tối ưu hóa diện tích mặt bằng và chuyển hướng sang kinh doanh trực tuyến để giảm bớt gánh nặng chi phí. Điều này dẫn đến việc nhiều nhà tại Hà Nội phải treo biển "cho thuê" dài dọc các tuyến phố, phản ánh sự giảm sút hoạt động kinh doanh và sự thay đổi mô hình của các doanh nghiệp để thích ứng với chi phí mặt bằng ngày càng tăng.