Sáng ngày 9/6, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng.
Những tồn tại của Nghị quyết 42 chủ yếu xuất phát từ việc tổ chức thực hiện
Trước đó, tại phiên chất vấn chiều ngày 8/6, một số đại biểu Quốc hội đã đặt câu hỏi liên quan đến việc kéo dài Nghị quyết 42/2017/QH14 về xử lý nợ xấu.
Trả lời tranh luận của một số đại biểu băn khoăn về việc kéo dài thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 có tác dụng rất rõ rệt trong xử lý nợ xấu, sau khi có Nghị quyết, nợ xấu đã cơ bản được xử lý hiệu quả. Dù trong Nghị quyết có vướng mắc khó khăn, nhưng những tồn tại hạn chế này chủ yếu xuất phát từ việc tổ chức thực hiện.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, nếu không kéo dài Nghị quyết này, một số quy định, chính sách trong đó sẽ không thể được đưa vào thực hiện trong thực tế, gây khó khăn cho xử lý nợ xấu, đặc biệt khi ngân hàng đối mặt với tác động của dịch bệnh COVID-19. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với các bộ, ban ngành rà soát, xem xét nghiên cứu việc tiến hành luật hóa việc xử lý nợ xấu.
Về vấn đề giá vàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, SJC là thương hiệu được người dân ưa chuộng từ trước khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng được ban hành.
Trước đây thị trường vàng có nhiều tồn tại, hạn chế, gây bất ổn cho kinh tế vĩ mô. Từ khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng được ban hành, các chính sách quản lý nhà nước được thực hiện hiệu quả, nhiều năm nay thị trường tiền tệ ngoại hối ổn định, giúp Việt Nam được nâng hạng theo các đánh giá quốc tế.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, trong Nghị định 24 này có chính sách Ngân hàng Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng. Tại thời điểm đó, SJC là thương hiệu chiếm trên 90% thị trường, nên qua phân tích đánh giá chi phí, lợi ích, Ngân hàng Nhà nước quyết định sản xuất vàng miếng nhưng thuê SJC gia công dưới sự quản lý chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước. Tuy SJC giá cao nhưng là mua cao, bán lại cao. Các thương hiệu khác thường mua thấp, bán thấp.
Ghi nhận ý kiến của đại biểu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ rà soát, đánh giá kỹ vấn đề này trong tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Vềi vấn đề tăng trưởng tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, thế giới đánh giá nước ta rất phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng, gây nguy cơ rủi ro. Từ góc độ của các tổ chức tín dụng, khi thành lập tổ chức tín dụng nào cũng mong muốn được tăng trưởng tín dụng nhiều. Tuy nhiên Ngân hàng Nhà nước phải đứng trên góc độ điều hành kinh tế vĩ mô, nếu đáp ứng được yêu cầu của các tổ chức tín dụng, chính sách tiền tệ không đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay.
Nhiều doanh nghiệp không tiếp cận được gói hỗ trợ lãi suất
Đại biểu Hoàng Văn Cường- Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội: Thống đốc có giải pháp như thế nào để kiểm soát chương trình cho vay cấp bù hỗ trợ lãi suất 2% trong gói phục hồi kinh tế, để tránh tình trạng dòng vốn đi vào khu vực không cần thiết, đặc biệt là trục lợi chính sách? Sau đại dịch, có nhiều doanh nghiệp đang còn có khoản vay đang phải hoãn giãn, chưa phải trả nợ và không có tài sản đảm bảo thêm nữa để thế chấp. Những doanh nghiệp này có phương án kinh doanh tốt, thuộc nhóm cần được phục hồi. Thống đốc cho biết làm thế nào để doanh nghiệp này tiếp cận được gói hỗ trợ?.
Đại biểu Cao Thị Xuân– Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa: Thống đốc có đánh giá như thế nào về thực trạng năng lực tài chính hiện nay của các tổ chức tín dụng? Hiện nay đang gặp phải khó khăn, vướng mắc gì và giải pháp của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới đối với vấn đề này như thế nào? Các dự án giao thông hiện nay chủ yếu đề xuất chuyển sang hình thức đầu tư công. Có phải việc huy động nguồn vốn tín dụng ngân hàng khó khăn hay không? Ngân hàng Nhà nước có biện pháp gì để tháo gỡ, thu hút nguồn vốn tín dụng cho đầu tư các dự án hạ tầng giao thông trong thời gian tới?.
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng– Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên: Hiện nay nhiều nước trên thế giới đã ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động cho vay nhưng tại sao Việt Nam đến nay vẫn chưa triển khai được nhiều? Đề nghị ngành ngân hàng có giải pháp để tăng cường ứng dụng vào hoạt động cho vay, góp phần tăng cường hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế?.
Đại biểu Phan Đức Hiếu- Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình: Thống đốc đánh giá như thế nào về nguy cơ rủi ro của trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đối với hệ thống ngân hàng? Hiện Ngân hàng Nhà nước đã và đang sẽ có giải pháp gì trong vấn đề này?.
Đại biểu Nguyễn Danh Tú- Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang: Các giải pháp xử lý nợ xấu mới chỉ mới xử lý phần ngọn, vấn đề quan trọng là phải phòng ngừa, hạn chế tối đa phát sinh nợ xấu. Đề nghị Thống đốc cho biết trách nhiệm và giải pháp phòng ngừa nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng?.
Trả lời chất vấn câu hỏi của đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, đây là gói hỗ trợ doanh nghiệp và người dân rất quan tâm. Trong quá trình xây dựng Nghị định 31, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, Chính phủ cũng tổ chức các cuộc họp cho ý kiến để làm sao thiết kế ra các quy định đảm bảo được việc triển khai thuận lợi, nhất là hạn chế những cái khó khăn, vướng mắc.
Để đảm bảo được các đối tượng rõ ràng, tại Nghị quyết 11 của Chính phủ cũng đã nêu rất rõ đối với hai nhóm đối tượng. Đó là nhu cầu vay vốn thuộc một số ngành kinh tế đã được quy định tại Quyết định số 27 của Thủ tướng Chính phủ về phân ngành kinh tế. Từ trước đến nay, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và người dân đều có sự phân ngành kinh tế theo chuẩn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Thứ hai là nhu cầu cho vay đối với việc cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ. Vấn đề này do Bộ Xây dựng phối hợp với các địa phương rà soát và công bố danh mục đển có cơ sở rõ ràng. Để thiết kế một cách công bằng, công khai thì có sự tham gia của các Bộ, ngành liên quan trong khâu dự toán, thực hiện dự toán cũng như quyết toán. Đặc biệt, trong Nghị định này cũng có quy định sự tham gia gia của Kiểm toán Nhà nước đối với các khoản cho vay trước khi Bộ Tài chính thực hiện quyết toán khoản vay này.
Đối với biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp có khoản nợ cũ không có tài sản đảm bảo tiếp cận được gói hỗ trợ, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu rõ, từ khi bàn thảo, trình Quốc hội và Quốc hội đã cho ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng họp một số phiên để xem xét về vấn đề này, trong đó thấy rằng gói này hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, đối tượng ở đây là phải là các doanh nghiệp có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi.
Như vậy, trong Nghị định và Thông tư hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng cho vay đúng đối tượng, các đối tượng, các doanh nghiệp thuộc các ngành được hỗ trợ nhưng vẫn phải đảm bảo khả năng trả nợ và có khả năng phục hồi mới được cho vay. Nếu trong quá trình thẩm định, đánh giá, các tổ chức tín dụng đánh giá là doanh nghiệp không đủ điều kiện vay, thực sự các doanh nghiệp cũng không tiếp cận được chương trình này. Trên thực tế, trong thời gian vừa qua đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị tác động bởi đại dịch COIVD-19 chứ không nằm trong chương trình này...
Đối với chất vấn của đại biểu Nguyễn Đại Thắng – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên về ứng dụng chuyển đổi số và hoạt động cho vay, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, chuyển đổi số là một xu hướng ở các nước trên thế giới hiện nay, nhiều nước trên thế giới cũng đang tổ chức triển khai. Đối với Việt Nam, trong Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định rất rõ phải hướng đến chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số. Chính phủ cũng đã có các chương trình, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành các chương trình hành động, trong đó đặt ra những mục tiêu cụ thể như đến năm 2025 phải phấn đấu tối thiểu 50%, đến năm 2030 phấn đấu tối thiểu là 70% các khoản vay, các khoản cho vay của ngân hàng và các công ty tài chính đối với những cái khoản vay nhỏ lẻ phục vụ tiêu dùng phải được thực hiện qua kênh số.
Trên thực tế, ngành ngân hàng là một trong những ngành rất tích cực trong vấn đề ứng dụng công nghệ và đã có những bước nền tảng để chuyển sang chuyển đổi số. Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản hướng dẫn xác thực khách hàng, khách hàng mở tài khoản trên phương tiện thông tin ở phương tiện điện tử mà không cần đến ngân hàng… Đấy là nền tảng ban đầu, đối với các hoạt động khác như thanh toán tiền, về cơ bản, bây giờ là các ngân hàng thực hiện trên kênh số, người dân có thể ở nhà và tiếp cận dịch vụ ngân hàng.
Nhưng riêng đối với hoạt động cho vay, hai câu hỏi rất quan trọng trong hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đó là phải xác định là khách hàng đó là ai và khách hàng đấy có khả năng trả nợ hay không. Đối với Việt Nam, để xác thực khách hàng đấy có khả năng trả nợ hay không để cho vay trên phương tiện điện tử mà không cần khách hàng phải đến ngân hàng thì đòi hỏi hệ thống ngân hàng phải tập hợp được rất nhiều dữ liệu, thông tin cơ sở về khách hàng để xác định, thẩm định được khách hàng đấy có đủ khả năng trả nợ hay không không. Điều này cần phải có thời gian thực hiện.
Đối với chất vấn của đại biểu Cao Thị Xuân – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa về năng lực tài chính của hệ thống các tổ chức tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, để đánh giá về năng lực, tiềm lực tài chính của hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam so với các nước vẫn còn đang rất hạn chế. Đối với định hướng trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tham mưu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền, yêu cầu các tổ chức tín dụng trong hệ thống tăng vốn để củng cố tiềm lực về vốn trong hoạt động.
Tài sản đảm bảo của các khoản vay cho dự án BOT chủ yếu là quyền thu phí
Về vấn đề việc gần đây có các dự án chuyển từ đầu tư PPP sang đầu tư công, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, để triển khai các dự án cơ sở hạ tầng giao thông là một vấn đề rất quan trọng, cần rất nhiều nguồn vốn từ các nguồn, trong đó có đầu tư công và thu hút vốn nước ngoài, vốn của khu vực tư nhân, vốn tín dụng của hệ thống ngân hàng. Do vốn phục vụ nhu cầu xây dựng giao thông thường là giá trị rất lớn, thời hạn vay rất dài, tài sản đảm bảo của các khoản vay này chủ yếu là quyền thu phí. Trong thực tiễn, thời gian vừa qua, các ngân hàng cho vay đối với dự án BOT gặp phải một số khó khăn. Nợ xấu trong các dự án này cao bởi nhiều dự án có phương án tài chính không được như phương án xây dựng ban đầu. Trong thời gian vừa qua, khi xây dựng những chính sách này thì hy vọng trong thời gian tới các chính sách của Ngân hàng Nhà nước đối với BOT này sẽ có những cơ sở để các tổ chức tín dụng thẩm định và cho vay.
Đối với chất vấn của đại biểu Phan Đức Hiếu - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình về hai vai trò của tổ chức tín dụng tham gia trên thị trường trái phiếu. Về vai trò các tổ chức tín dụng là người phát hành trái phiếu, việc này như một hình thức huy động tiền của người dân. Người dân có thể gửi tiền dưới dạng chứng chỉ tiền gửi hoặc có thể mua trái phiếu của tổ chức tín dụng phát hành trái phiếu này và có kỳ hạn trên 1 năm. Thế thì có một cái thuận lợi cho người dân có thể nắm giữ trái phiếu này, khi đến hạn thì nhận được tiền như đi rút tiền gửi. Đối với các tổ chức tín dụng mà phát hành trái phiếu chuyển đổi, người dân có thể thay vì nắm giữ tiền cũng có thể trở thành cổ đông nhỏ lẻ của tổ chức tín dụng.
Trong quá trình quản lý, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định với điều kiện, tiêu chuẩn. Các tổ chức tín dụng phải đồng thời thực hiện các quy định về pháp luật về chứng khoán, tức là trái phiếu doanh nghiệp theo Nghị định 153. Với vai trò các tổ chức tín dụng là người đi mua, đầu tư trái phiếu do doanh nghiệp phát hành, đối với những cái khoản đầu tư mua trái phiếu này, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành những quy định chặt chẽ, các tổ chức tín dụng nợ xấu trên 3 % sẽ không được mua trái phiếu doanh nghiệp. Những doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải có đủ khả năng trả nợ, thanh toán trái phiếu mà các tổ chức dụng thẩm định và không có nợ xấu trong vòng 12 tháng.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức rà soát kỹ, nhận diện rủi ro để có các biện pháp phòng ngừa và xử lý. Liên quan đế vấn đề về xử lý nợ xấu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho rằng, giải pháp phòng ngừa là vấn đề rất quan trọng trong chiến lược phát triển và cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, hướng đến tiếp tục nâng cao năng lực quản trị. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm soát rủi ro, đặc biệt là rủi ro tín dụng, phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân; kiểm soát quy trình, thủ tục cho vay đảm bảo chặt chẽ, đúng điều kiện. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, giám sát; thường xuyên có cảnh báo đối với hoạt động cho vay để phòng ngừa rủi ro nợ xấu.