Báo cáo kết quả hoạt động đầu tư tháng 5/2022 vừa được PYN Elite công bố cho thấy, giá trị tài sản ròng (NAV) của quỹ PYN Elite giảm 13,13% so với đầu năm, tương đương mức giảm 15% của chỉ số VN-Index.
Chỉ số VN-Index giảm 5,4% trong tháng 5, mà “đóng góp” chính tới từ đà giảm của cổ phiếu HPG (Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát) và nhóm ngân hàng. Trong tháng 5, PYN Elite lỗ 1,59%, con số tích cực hơn so với đà giảm của VN-Index nhờ cổ phiếu VHM (Công ty cổ phần Vinhomes) tăng 10%.
Tháng 5 cũng là quãng thời gian “gập ghềnh” của chỉ số VN-Index khi có thời điểm giảm tới 14% và sau đó hồi phục lại 10%. Đây là thời điểm thị trường đón nhận nhiều thông tin không tích cực, bao gồm việc Tổng giám đốc HOSE Lê Hải Trà bị buộc thôi việc, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Trần Văn Dũng bị cách chức. Một số doanh nghiệp chủ động hoặc buộc phải mua lại trái phiếu trước hạn, ảnh hưởng đến nguồn vốn đổ vào thị trường chứng khoán.
Thanh khoản thị trường giảm hơn 30% xuống còn 760 triệu USD, so với mức trung bình 12 tháng vừa qua ở 1,1 tỷ USD/phiên. Số dư cho vay margin tại các công ty chứng khoán giảm 20-30% vào cuối tháng 5 so với mức quý I/2022.
Nhìn vào danh mục của PYN Elite, nhóm ngân hàng đang chiếm tỷ trọng khá lớn, tập trung vào Vietinbank (15%), TPBank (8,9%), MB Bank (7,6%) và HD Bank (4,9%). Kể từ đầu năm tới nay, màn biểu diễn của nhóm ngân hàng khá “kém cỏi”, dẫn tới kết quả hoạt động của PYN Elite không lấy làm tích cực.
Trong tháng 5, PYN Elite lựa chọn CMG (Công ty cổ phần CMC) là cổ phiếu của tháng với những nhận định tích cực. CMG hiện là công ty công nghệ chưa thu hút được nhiều sự chú ý với cơ cấu cổ đông bao gồm 30% thuộc những người sáng lập, 30% Samsung nắm giữ và 5% do PYN Elite nắm giữ.
Tương tự như cổ phiếu FPT (Công ty cổ phần FPT), CMG hoạt động tại mảng viễn thông và kinh doanh phần mềm. Từ mức chỉ 500 nhân viên năm 2018, hiện công ty đã tăng gấp 5 lần lên 2,5 nghìn người. Hoạt động mới nhất của CMG là việc “thâu tóm” một trường đại học với mục tiêu sẽ có 10.000 người học.
Nhận định yếu tố vĩ mô, PYN Elite cho rằng, nền kinh tế tiếp tục hồi phục. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,4% so với cùng kỳ, bán lẻ tăng 22,5%, xuất khẩu tăng 16,4%. Lạm phát (hiện ở mức 2,9%) đối diện nguy cơ tăng khi giá nhiên liệu leo dốc.
Trong tháng 5, S&P đã nâng hạn tín nhiệm dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng Ổn định. Điều này sẽ giúp “nâng trần” xếp hạng đối với các doanh nghiệp, giảm chi phí cấp vốn với nhóm ngân hàng và bluechips.