Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Quốc hội chất vấn Nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực tài chính ngân hàng tập trung vào các nội dung:
Một là, tình hình triển khai và giải pháp đẩy nhanh việc thực hiện Nghị quyết 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước. Việc phối hợp chính sách tài khóa để kiểm soát lạm phát, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô;
Hai là, việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém gắn với xử lý nợ xấu, cơ chế cấp hạn mức tín dụng hàng năm cho các ngân hàng thương mại.
Ba là, việc quản lý, kiểm soát tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro nhất là cho vay chứng khoán, bất động sản và phát hành trái phiếu doanh nghiệp; thực trạng và giải pháp phòng chống tín dụng đen tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực tiền tệ và tín dụng.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu: Đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhận định về rủi ro nợ xấu và áp lực lạm phát trong thời gian tới? Đồng thời có giải pháp như nào để điều hành chính sách tiền tệ nhằm nâng cao chất lượng tín dụng và xử lý hiệu quả nợ xấu?
Đại biểu Trần Thị Diệu Thuý - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh: Theo đại biểu, để góp phần giải quyết nạn tín dụng đen đang hoành hành gây bức xúc hiện nay, các đoàn thể đã thành lập các tổ chức tài chính vi mô hỗ trợ vốn cho người lao động tại cơ sở. Tuy nhiên, đến nay các tổ chức tài chính vi mô gặp nhiều khó khăn trong việc áp dụng Thông tư 03 năm 2018 của Ngân hàng Nhà nước do khác biệt với Luật Các tổ chức tín dụng và Quyết định số 20 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, sau đại dịch COVID-19 nhiều người dân, đặc biệt là nhóm lao động tự do, công nhân, hộ gia đình nghèo có nhu cầu vay vốn rất lớn. Trong khi đó các tổ chức tài chính vi mô này thì lại thiếu vốn trầm trọng. Từ thực trạng trên, đại biểu đề nghị Ngân hàng Nhà nước làm rõ các giải pháp và chính sách để giải quyết hai vấn đề trên?
Đại biểu Phạm Văn Thịnh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang: Theo đại biểu Phạm Văn Thịnh, vừa qua có tình trạng mạo danh Zalo, Facebook của người khác để lừa đảo chuyển tiền qua tài khoản. Có ý kiến cho rằng việc này xuất phát từ công tác quản lý tài khoản tại ngân hàng thương mại chưa chặt chẽ, dẫn đến tình trạng hiện nay nền kinh tế có rất nhiều tài khoản tại các ngân hàng thương mại mà người đang sử dụng không phải chủ tài khoản khiến cơ quan chức năng khó khăn trong việc quy trách nhiệm khi có hành vi vi phạm pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho hành vi lừa đảo phạm pháp nảy sinh.
Bên cạnh đó, tình trạng nhiều người dân không vay nợ nhưng bị gọi điện quấy rối, xúc phạm, bôi nhọ, đe dọa do có tên, số điện thoại trong danh bạ điện thoại của người vay tiền qua các ứng dụng vay online hoặc vay trực tiếp của các công ty tài chính khi người vay không trả nợ đúng hạn. Vậy với chức năng quản lý nhà nước, đại biểu đề nghị Thống đốc nêu rõ sẽ triển khai các biện pháp như nào để từng bước hạn chế các hành vi vi phạm trên?
Đại biểu Lê Thanh Vân – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau: Thị trường bất động sản có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, siết chặt tín dụng đối với bất động sản có thể dẫn đến hệ lụy như thị trường sẽ đình trệ, người nghèo, nhất là người nghèo ở đô thị khó có thể mua được nhà giá rẻ hơn như mong muốn.
Trong khi đó, mục đích quản lý của Nhà nước là chống đầu cơ, chống bong bóng bất động sản. Trên thực tế, vẫn có nhiều doanh nghiệp bất động sản làm ăn nghiêm túc, đúng pháp luật. Với tư cách người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước, đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị Thống đốc chỉ rõ các giải pháp về chính sách tiền tệ để bảo đảm cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh?
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang: Đại biểu cho biết, thị trường bất động sản đã, đang và dự báo có thể sẽ tiếp tục biến động, tình trạng nhà đầu tư đầu cơ đẩy giá đất lên cao bất thường trong cuộc đấu giá gây sốt ảo bất động sản, bong bóng giá nhà đất, làm lũng đoạn thị trường. Dòng tiền đầu tư vào hoạt động kinh doanh bất động sản rất lớn, trong đó có nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng. Tình trạng này cũng ảnh hưởng đến việc cấp tín dụng, định giá tài sản đảm bảo của các tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, cho vay kinh doanh bất động sản vẫn là lĩnh vực rủi ro đối với hoạt động ngân hàng. Trước thực trạng trên, đại biểu đề nghị Thống đốc chỉ rõ những công cụ, biện pháp toàn diện, mạnh mẽ hơn để quản lý, kiểm soát có hiệu quả hơn nguồn vốn cho vay kinh doanh bất động sản?
Ngoài ra, có nhiều tổ chức, cá nhân có nhu cầu thực sự được vay vốn tín dụng để mua đầu tư, nhà tự sử dụng tiêu dùng, đặc biệt là nhờ xã hội nhờ dành cho công nhân nhà ở thương mại giá rẻ. Thống đốc có giải pháp chủ yếu như thế nào để tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể trên tiếp cận được nguồn vốn?.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng: Trả lời câu hỏi các đại biểu quan tâm về hoạt động vay ngang hàng (P2P Lending), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã cho ra đời nhiều sản phẩm, dịch vụ mới; trong đó, có ứng dụng cho hoạt động vay ngang hàng (P2P Lending). Tuy nhiên việc thiếu một hành lang pháp lý cho hoạt động này đã gây ra nhiều vấn đề. Về lý thuyết, hoạt động P2P Lending có thể góp phần hỗ trợ phổ cập tài chính, mở rộng khả năng và tạo thêm kênh tiếp cận nguồn lực tài chính, cách thức cho vay đối với nền kinh tế nhất là đối với các đối tượng yếu thế trong xã hội. Tuy nhiên trên thực tiễn, hoạt động P2P Lending tiềm ẩn nhiều rủi ro có thể tác động bất lợi, bất ổn đến an sinh xã hội.
Về nội dung này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, Ngân hàng nhà nước đang xây dựng dự thảo Nghị định để kiểm soát vấn đề này. Trong thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành để khẩn trương xây dựng, hoàn thiện và ban hành khung pháp lý bao gồm cả các biện pháp chế tài để xử lý các vi phạm trong lĩnh vực này.
Đối với vấn đề tín dụng, lãi suất của doanh nghiệp nhỏ và vừa, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc điều hành lãi suất, giảm lãi suất để giảm khó khăn cho doanh nghiệp, người dân là nhiệm vụ được Ngân hàng Nhà nước quan tâm. Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo hệ thống, có các giải pháp giảm mặt bằng lãi suất. Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm 2022, điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước chịu áp lực lớn từ bên ngoài, khi lạm phát tăng trên toàn cầu. Ở các nước, lãi suất tăng lên rất nhiều, trong nước, lãi suất phụ thuộc vào cung cầu vốn. Trong những tháng qua, tín dụng tăng ở mức khá cao, tuy áp lực lớn nhưng Ngân hàng Nhà nước đã cơ bản điều tiết, ổn định được mặt bằng lãi suất so với cùng kỳ.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Nghị quyết 43/2022-QH15 đưa ra quan điểm và mục tiêu là cần giảm mức lãi suất, thực hiện phục hồi kinh tế, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Vì vậy, trong điều hành lãi suất, Ngân hàng Nhà nước điều hành trên cơ sở tổng thể, phối hợp các công cụ điều hành để đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết kiệm chi phí trong hoạt động, giảm lãi suất cho các doanh nghiệp.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhiều hạn chế trong điều kiện tài chính, khả năng quản trị… nên độ xếp hạng tín nhiệm không cao, gặp khó khăn trong vay vốn tại các ngân hàng, dễ phải chịu mức lãi suất cao hơn so với các doanh nghiệp có độ tín nhiệm cao. Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho các doanh nghiệp, người dân.
Đối với vấn đề tiếp cận tín dụng, có nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện tiếp cận, theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Nhà nước ta đã đưa ra các giải pháp chính sách như ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Chính phủ đã ra các nghị định, có các Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do đó, trong thời gian tới sẽ tiến hành tổng kết hoạt động của quỹ, trên cơ sở đó tạo điều kiện rộng mở hơn để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Đại biểu Nguyễn Văn Thân - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình: Doanh nghiệp cảm ơn sự chia sẻ của Ngân hàng Nhà nước với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy vậy, họ vẫn còn một số băn khoăn muốn đề cập. Thứ nhất là về vấn đề lãi suất cho các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ vẫn cho rằng lãi suất hiện vẫn cao nên việc tiệm cận với nguồn vay vẫn còn khó khăn? Thứ hai là việc dạnh 2% ngân sách nhà nước hỗ trợ ngành ngân hàng để bù đắp lãi suất cho doanh nghiệp hiện nay đang triển khai đến đâu và các ngành nghề được thụ hưởng sau khi có nghị quyết của Quốc hội hỗ trợ doanh nghiệp có kịp thời, nhanh chóng hay không?
Đại biểu Leo Thị Lịch- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang: Có 2 câu hỏi dành cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Thứ nhất, Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội có yêu cầu chính sách tiền tệ phải phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5 đến 1% trong 2 năm 2022-2023. Tuy nhiên, đến nay đã quá nửa năm đầu của năm 2022, đề nghị Thống đốc cho biết việc thực hiện nhiệm vụ nói trên đến nay ra sao? Giải pháp để ngân hàng thực hiện thành công mục tiêu của Quốc hội đề ra như thế nào? Thứ hai, việc xử lý các ngân hàng thương mại 0 đồng trong thời gian qua chưa đạt yêu cầu đề ra, giẫm chân tại chỗ và đề nghị Thống đốc cho biết lý do của sự chậm trễ này. Biện pháp nào để giải quyết căn bản vấn đề này đảm bảo quyền, lợi ích của các khách hàng và an toàn hệ thống tín dụng quốc gia trong thời gian tới?
Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai- Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.Hà Nội: Trước hết là tại Báo cáo số 174 ngày 11/5/2022 của Chính phủ đã đề cập nguyên nhân chủ quan, khách quan của những tồn tại, hạn chế trong tổ chức thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội khóa XIV về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết nếu được Quốc hội thông qua cho phép kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết số 42 như Chính phủ thì chúng ta có xử lý nợ xấu được dứt điểm hay không và có giải quyết được triệt để các vấn đề vướng mắc, hạn chế đang diễn ra để đảm bảo hoàn thành mục tiêu của Nghị quyết hay không?
Câu hỏi thứ hai đặt ra là hiện nay người dân dễ dàng tiếp cận một loại hình vay khá phổ biến gọi là vay qua trang Web hoặc vay App mà ngân hàng gọi là cho vay ngang hàng (P2P Lending). Đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết hành lang pháp lý của hoạt động và quản lý việc cho vay ngân hàng ngang hàng mà người dân chỉ biết đến và gọi chung là vay qua App vì thời gian vừa qua Công an Thành phố Hà Nội đã khám phá án một vụ án vay qua App lên đến hơn 5.000 tỷ đồng, gây thiệt hại lớn cho nhân dân?.