Những trái dừa "kỳ lạ" tại Trà Vinh
Tỉnh Trà Vinh có diện tích trồng dừa lớn thứ 2 Việt Nam, chỉ sau Bến Tre. Toàn tỉnh có khoảng 27.390 ha dừa, sản lượng hằng năm khoảng 444 triệu quả. Đây là cây trồng chủ lực của địa phương, nguồn thu nhập chính của người dân bản địa.
Tuy nhiên, tình trạng biến đổi khí hậu đang đe dọa đến sản lượng của loại cây trồng quan trọng này. Từ năm 2016 - 2024, tình trạng xâm nhập mặn tại Trà Vinh và Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt trong hai năm 2016 và 2020. Năm 2016, xâm nhập mặn đạt kỷ lục với nồng độ mặn lên đến 1 g/l, gây thiệt hại nghiêm trọng cho hơn 30.000 ha lúa tại Trà Vinh.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Trà Vinh, vào mùa khô năm 2018 - 2019, nước mặn đã xâm nhập sâu vào nội đồng, có nơi nồng độ mặn đo được lên đến 4‰, vượt ngưỡng cho phép để canh tác nông nghiệp. Năm 2020, đợt mặn kỷ lục tiếp tục diễn ra, ảnh hưởng đến gần 96.000 ha nông nghiệp toàn vùng.
Xâm nhập mặn sâu kết hợp với hạn hán kéo dài khiến nước bị bốc hơi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng nông sản địa phương. Nhiều cánh đồng lúa tại huyện Cầu Ngang và Trà Cú gần như bị bỏ hoang suốt 6 tháng, gây thiệt hại kinh tế nặng nề. Những vùng trồng dừa cũng chịu thiệt hại tương tự.
Nhiều hộ gia đình trồng dừa rơi vào hoàn cảnh lao đao vì dừa mất giá, trong đó có vườn dừa nhà ông Thạch Mây. Ông Thạch Mây là người nông dân có 2 ha dừa tại huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh. Ông chia sẻ, năm 2018 là lần đầu tiên ông thấy trái dừa của mình kỳ lạ như vậy, những trái dừa rỗng ruột, hầu như không có nước, giá dừa giảm sâu, chỉ 20.000 đồng/chục (12 trái).
Trước diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, việc duy trì được loại cây trồng truyền thống của tỉnh cũng như việc nâng cao giá trị của dừa là một bài toán khó được đặt ra.
Ý tưởng bị cho là "khùng" của cô thạc sỹ…
Tại thời điểm này, con gái của ông Mây là Thạch Thị Chal Thi cũng vừa tốt nghiệp ra trường với tấm bằng thạc sỹ ngành chế biến thực phẩm, chuyên sâu nghiên cứu về cây dừa.
Bắt tay vào tìm tòi, nghiên cứu chị Chal Thi biết đến phương pháp trồng dừa lấy mật, một hình thức sản xuất hoàn toàn mới nhưng đem lại giá trị kinh tế cao gấp 3 - 5 lần. Bởi mật hoa dừa là một sản phẩm thuần thiên nhiên, vị ngọt lành tính, nhiều khoáng chất tốt cho sức khỏe phù hợp với nhu cầu của đa dạng người tiêu dùng. Quyết tâm tìm hướng đi cho cây dừa, chị Chal Thi và anh Phạm Đình Ngãi đã nghĩ việc, cùng nhau về lại Trà Vinh phát triển dự án.
Ban đầu, không ít người cho ý tưởng này là "khùng" và cho là một việc làm mạo hiểm. Tuy nhiên, những nỗ lực và công sức của cả gia đình chị Chal Thi đã được đền đáp xứng đáng.
Năm 2019, Công ty TNHH Trà Vinh FARM (Thương hiệu Sokfarm) ra đời. Đến tháng 9/2019, sản phẩm mật hoa dừa thương hiệu Sokfarm chính thức được đưa ra thị trường. Cũng trong năm này, công ty ký hợp đồng thu mua mật hoa dừa đầu tiên từ nông dân, mở ra chuỗi giá trị kinh tế từ hoa dừa.
Anh Phạm Đình Ngãi – Giám đốc điều hành công ty cho biết, kỹ thuật thu mật từ cây dừa cũng tương tự như cây thốt nốt ở vùng Bảy núi An Giang.
"Bước đầu tiên, chọn cây dừa đủ tuổi (giống dừa chuyên lấy mật có tên khoa học là PB - 121, tên thường gọi Mawa). Tiến hành uốn cổ hoa cong xuống từ 3 - 5 ngày. Đây là công đoạn quan trọng đòi hỏi sự tập trung cao độ của người công nhân bởi cổ hoa dừa giòn, cổ hoa sẽ bị gãy nếu không cẩn thận hay dùng dư lực.
Tiếp theo, mát xa cho mật hoa dừa chảy ra, với mỗi hoa cần lực gõ khác nhau vì kích thước hoa không giống nhau, khi gõ quá mạnh hoa bị dập không thu được mật. Sau cùng, cắt một lớp mỏng trên hoa để mật chảy xuống. Mật thu về nhà máy, sử dụng công nghệ cô đặc và chế biến thành nhiều sản phẩm", anh cho hay.
Khi chọn cây dừa trưởng thành làm cây trồng chính cho dự án, Sokfarm không chỉ giúp giảm lượng khí thải nhà kính trong quá trình sản xuất mà còn góp phần hấp thụ CO2 từ môi trường xung quanh. Dựa trên nghiên cứu tại Philippines (Magat, 2009), cây dừa có thể hấp thụ 24,1 tấn CO2/ha mỗi năm. Với 20 hecta dừa trong dự án đã góp phần hấp thụ 3.500 tấn CO2 mỗi năm.
Dừa còn có tác dụng bảo vệ mạch nước ngầm khu vực nhờ bộ rễ sâu và rộng. Rễ của cây dừa có thể thâm nhập sâu vào lòng đất, giúp hấp thụ và lưu giữ nước, đồng thời cải thiện độ ẩm của đất. Điều này không chỉ giúp cây dừa tự duy trì trong điều kiện khô hạn mà còn hỗ trợ bảo vệ nguồn nước ngầm, giảm tình trạng thoát nước và xói mòn đất.
Dự án sử dụng nước mặt và tái sử dụng nước chưng cất trong quá trình sản xuất là giảm sự phụ thuộc của dự án vào nguồn nước ngọt tới 40%, góp phần tăng cường an ninh nước tại Trà Vinh.
Ngoài ra, dự án sử dụng ong mắt đỏ và bọ đuôi kìm thay cho thuốc hóa học giúp khôi phục đa dạng sinh học bằng cách duy trì cân bằng tự nhiên và bảo vệ các loài có ích. Phương pháp này giảm tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, bảo tồn loài thụ phấn, côn trùng có lợi, và không gây ô nhiễm đất, nước. Việc kiểm soát sâu bệnh tự nhiên giúp tạo ra môi trường sống an toàn, bền vững, và hỗ trợ phục hồi đa dạng sinh học trong hệ sinh thái nông nghiệp.
Bằng cách canh tác hữu cơ, dự án chỉ dùng phân chuồng, phân bón đạt chứng nhận hữu cơ quốc tế. Phân bón hữu cơ cung cấp dưỡng chất tự nhiên, cải thiện cấu trúc đất và duy trì độ màu mỡ lâu dài, thúc đẩy hệ vi sinh vật phát triển, tăng khả năng giữ nước và dinh dưỡng, giúp cây trồng phát triển khỏe mạnh. Đồng thời, nó ít gây ô nhiễm đất, nước và không khí, hạn chế sự tích tụ hóa chất độc hại.
…và những giá trị không thể đong đếm từ mật hoa dừa
Mỗi năm, một cây dừa cho ra 13 hoa cái. Một hoa sẽ có từ 25 - 40 lít mật dừa. Vì vậy nếu giá dừa có sốt lên tới 100.000 đồng/chục (12 trái) thì việc lấy mật hoa dừa cũng vẫn có lời hơn. Đây là giải pháp giúp gia tăng 300% thu nhập của người nông dân từ thu mật hoa dừa thay cho thu trái. Doanh thu từ dừa đã tăng từ 10-15 triệu đồng/ha/tháng lên mức 40-60 triệu đồng/ha/tháng.
Hiện tại, cơ sở Sokfarm có hàng chục lao động và liên kết với 35 hộ nông dân thuộc huyện Tiểu Cần (tỉnh Trà Vinh). Trong đó, có đến 90% người lao động là đồng bào người Khmer, 60% là phụ nữ. Thu nhập bình quân từ 5 - 8 triệu đồng/tháng, góp phần nâng cao đời sống người dân, phát triển kinh tế địa phương. Dự án này đã tạo sinh kế bền vững, ổn định đời sống. Đến năm 2023, 80% các nông hộ liên kết với Mật hoa dừa Sokfarm đã vượt ngưỡng nghèo đói.
Với mô hình của Mật hoa dừa Sokfarm là thu mua nông sản, tập trung sản xuất, năng cao giá trị nông sản bản địa và xuất khẩu, kinh doanh tạo tác động xã hội sẽ thu hút nguồn nhân lực trẻ, có chuyên môn cao trở về quê hương để lập nghiệp, cùng hiệp lực để phát triển kinh tế địa phương, chống chảy máu chất xám.
Song song với đó, Sokfarm chuyển giao kỹ thuật giao kỹ thuật canh tác, thu mật hoa dừa cho nông dân, sau đó bao tiêu đầu ra. Đảm bảo sinh kế bền vững cho nông dân.
Thương hiệu Sokfarm phân phối cho hơn 200 đại lý, và khoảng 300 đơn vị bán hàng trên 20 tỉnh thành cả nước. Mỗi năm, thị trường tăng trung bình 200%. Hiện Sokfarm đã xuất khẩu chính ngạch đi 6 quốc gia: Mỹ, Úc, Canada, Nhật Bản, Hà Lan, Đức. Theo chia sẻ của anh Phạm Đình Ngãi tại một sự kiện cuối năm ngoái, kế hoạch của Sokfarm là mỗi tháng sẽ xuất khẩu sang thị trường Mỹ từ 20.000-40.000 chai nước uống Mật hoa Dừa tươi. Ở thời điểm đó, doanh nghiệp đã xuất khẩu thành công lô hàng đầu tiên gồm 20.000 chai sản phẩm này sang Mỹ theo đường chính ngạch.
Các sản phẩm của Sokfarm, từ mật hoa dừa thô đến mật hoa dừa chế biến đều đáp ứng đầy đủ những chứng nhận ISO, HACCP, FDA, an toàn vệ sinh thực phẩm, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu… Trong đó, có 3 sản phẩm vinh dự đạt chuẩn 4 sao OCOP 2020 (mật hoa dừa, đường hoa dừa, nước uống mật hoa dừa) và 1 sản phẩm 3 sao OCOP (hạt cacao sấy mật hoa dừa).
Dự án Sokfarm mong muốn đưa các sản phẩm mật hoa dừa đặc trưng của Trà Vinh ra thị trường quốc tế, và trở thành một trong năm doanh nghiệp hàng đầu về sản xuất mật hoa dừa trên toàn cầu.
Để làm đạt được mục tiêu này, việc ứng dụng chuyển đổi số cũng như việc bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử cũng được Sokfarm thực hiện một cách bài bản. Nền tảng TikTok là một ví dụ điển hình.
Trên nền tảng TikTok, doanh nghiệp này đã có nhiều video chia sẻ về quá trình khởi nghiệp cũng như giới thiệu các sản phẩm của Sokfarm một cách kỹ lưỡng và chi tiết để người tiêu dùng có cái nhìn toàn diện hơn đối với sản phẩm. Các video của Sokfarm trên nền tảng này đều nhận được khá nhiều lượt xem cũng như lượt tương tác. TikTok Shop của Sorfarm cũng đa dạng các sản phẩm với số lượng bán khá cao.
Được biết, TikTok Shop tại Việt Nam hiện có 2 hai chương trình lớn nhằm hỗ trợ cộng đồng và doanh nghiệp địa phương phát triển thông qua mở rộng quảng bá nông đặc sản Việt là "Chợ Phiên OCOP" và "Tự Hào Hàng Việt" .
"Chợ Phiên OCOP" đã đi qua 29 tỉnh, thành phố, thực hiện thành công gần 2.000 phiên livestream bán hàng với sự đồng hành của hơn 500 nhà sáng tạo nội dung. 20.799 video có hashtag #OCOP trên TikTok thu hút hơn 1,998 tỷ lượt xem.
Trong khi đó, "Tự Hào Hàng Việt" trên TikTok Shop hiện có hơn 68.000 sản phẩm đa dạng ngành hàng. Chương trình ghi nhận hơn 3.000 phiên livestream bán hàng, 11.008 video có hashtag #TuhaohangViet trên TikTok thu hút hơn 413 triệu lượt xem.
Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng - Human Act Prize 2024 với chủ đề " Cộng đồng kiến tạo " tiếp tục tìm kiếm, vinh danh và kết nối những cá nhân, tổ chức đang dấn thân vì cộng đồng trên cả nước. Trong Lễ công bố Giải thưởng, tổ chức ngày 23/09/2024 tại khách sạn Sheraton Hanoi West , Human Act Prize chính thức công bố những điểm nhấn mới của Mùa giải 2024:
Ra mắt ấn phẩm “Dấu ấn tiên phong - Đổi mới trong tác động xã hội tại Việt Nam” – Cuốn cẩm nang hoàn chỉnh đầu tiên dành cho người hoạt động cộng đồng ở Việt Nam.
Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với các đơn vị hỗ trợ giải thưởng:
PwC (PricewaterhouseCoopers) – Một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới, tiên phong hỗ trợ doanh nghiệp tích hợp yếu tố bền vững vào hoạt động kinh doanh.
Social Impact - Nền tảng giáo dục đầu tiên được thành lập bởi chính các nhà hoạt động cộng đồng ở Việt Nam nhằm thúc đẩy tri thức về phát triển bền vững.
Nền tảng TikTok - Nền tảng video dạng ngắn hàng đầu thế giới, đồng hành lan tỏa những câu chuyện tích cực, tôn vinh những cá nhân, tổ chức đang nỗ lực vì cộng đồng, từ đó truyền cảm hứng cho nhiều người cùng chung tay tạo ra những thay đổi tích cực
Đơn vị bảo trợ truyền thông: 13 cơ quan báo chí đã sẵn sàng đồng hành cùng Human Act Prize 2024 để lan tỏa những điều tốt đẹp nhất cho cộng đồng: Vietnamnet, Vietnam Plus, Lao động, Dân trí, Tiền phong, Đại Đoàn Kết, Công thương, Nông nghiệp, Dân Việt, Nhà báo và Công luận, Hà Nội Mới, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Đài Truyền hình TpHCM, TikTok
Cổng thông tin Đề cử dự án vì cộng đồng cho Giải thưởng Human Act Prize 2024, chính thức mở từ ngày 23/9/2024. Tất cả quý vị đều có thể đề cử tại đây
Mỗi sáng kiến - dự án mà quý vị đề cử, sẽ góp phần kiến tạo, nâng bước cho các hoạt động vì cộng đồng và góp sức cho sự phát triển bền vững của Việt Nam.