Những thay đổi lớn trong cung - cầu của thị trường lao động

Vân Anh | 15:29 17/11/2021

Sáng 17/11, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương đã tổ chức Hội thảo “Chuyển đổi lao động và phát triển nguồn nhân lực số trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.”

Những thay đổi lớn trong cung - cầu của thị trường lao động
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ tạo ra những thay đổi lớn trong cung - cầu của thị trường lao động.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An cho biết, mặc dù những năm qua nguồn nhân lực của đất nước được tăng cường cả về quy mô và chất lượng. Lực lượng lao động cả nước tăng từ 50,4 triệu người năm 2010 lên 56,2 triệu người năm 2020.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 40% năm 2010 tăng lên khoảng 65% năm 2020. Nhân lực chất lượng cao tăng đáng kể, trong đó có một số ngành đạt trình độ khu vực và quốc tế như y tế, cơ khí, công nghệ, xây dựng.

Tuy nhiên, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Hiện nay quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam nói chung là chưa có chiến lược, đặc biệt là quy hoạch phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo còn lớn, chất lượng đào tạo thấp, cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý, thiếu lao động có trình độ, năng lực, kỹ năng tay nghề cao, thừa lao động thủ công, không qua đào tạo.

"Đối với nền kinh tế vẫn dựa nhiều vào các ngành sử dụng lao động giá rẻ, khai thác tài nguyên thiên nhiên, trình độ của người lao động còn hạn chế như ở nước ta, việc chuyển đổi lao động và phát triển nguồn nhân lực số trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa vừa là cơ hội để thúc đẩy phát triển, đồng thời là một trong những thách thức lớn nhất hiện nay," ông Đỗ Ngọc An nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Hồng Hà, đại diện lâm thời Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho rằng, hệ thống giáo dục nghề nghiệp cần nhạy bén và có sức chống chịu hơn. Bên cạnh đó cần trao quyền quyết định lớn hơn cho doanh nghiệp trong lập kế hoạch, triển khai đào tạo.

Các cơ sở đào tạo cần được trao quyền tự quyết lớn hơn, lấy người học làm trung tâm của giáo dục nghề nghiệp, xây dựng hệ thống giám sát và đánh giá chất lượng, ban hành hướng dẫn thực hiện…

“Tiến bộ công nghệ và chuyển đổi theo hướng xanh sạch hơn sẽ mở ra những cơ hội, thay đổi tích cực nhưng đồng thời khiến thị trường lao động bị xáo trộn. Do đó việc đánh giá về nhu cầu kỹ năng cho tương lai cần dựa vào phân tích thấu đáo hơn về những tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tới từng ngành kinh tế…”, bà Nguyễn Hồng Hà nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, bổ sung thêm, sự tiến bộ về công nghệ hiện nay đã làm biến đổi mọi yêu cầu, mọi phương pháp tiếp cận giáo dục và phát triển nhân lực.

Chuyển đổi số yêu cầu Việt Nam phải sự thay đổi mạnh về cơ cấu, chất lượng, loại hình lao động, đặc biệt nguồn nhân lực số cần ưu tiên đầu tư để phát triển. Ngoài ra nhân lực chất lượng cao cũng cần có những năng lực cốt lõi, đặc biệt là năng lực đổi mới sáng tạo, năng lực thích ứng với sự biến đổi nhanh chóng của công nghệ số.

Ông Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến 3 thách thức lớn khi thực hiện chuyển đổi số và đào tạo nguồn nhân lực. Đó là tốc độ thay đổi công nghệ, lần này thay đổi theo số mũ, không còn theo tuyến tính như trước. Việc xuất hiện hình thức giao tiếp mới với sự trợ giúp của công nghệ tiên tiến, như công nghệ 5G, giao tiếp mạng xã hội. Sự xuất hiện câu hỏi mới như ảnh hưởng của con người trong quá trình phát triển công nghệ.

“Những thách thức trên làm xuất hiện 5 vấn đề cần quan tâm là sự biến động của nghề nghiệp và vai trò của đại học; xác định đâu là kiến thức tối thiểu trong thế kỷ 21; liệu con người có đảo ngược được các quyết định của máy tính; sáng tạo và nuôi dưỡng sự sáng tạo; hành xử về những chuẩn mực về đạo đức, liệu máy tính có hiểu được không?”, ông Vũ Hải Quân chỉ ra.

Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An nhấn mạnh, Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng đã xác định phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phát chiến lược cho giai đoạn 5 năm tới đây.

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ tạo ra những thay đổi lớn trong cung - cầu của thị trường lao động. Đây cũng là cơ sở nền tảng để nền kinh tế chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình tăng trưởng theo chiều rộng dựa vào tài nguyên, lao động chi phí thấp sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, dựa trên kinh tế tri thức, kinh tế số và lao động có trình độ công nghệ cao.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Những thay đổi lớn trong cung - cầu của thị trường lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO