Những sự kiện tài chính thế giới đáng chú ý trong tuần 22-26/4

Vũ Ngọc Diệp | 08:06 22/04/2024

Điều cách đây vài tuần tưởng như trong tầm tay – Cục Dự trữ Liên bang bắt đầu bước vào chu kỳ giảm lãi suất trong nửa đầu năm nay như mong mỏi của thị trường – giờ đây có vẻ không khả thi, khi mùa báo cáo thu nhập đang đến gần.

Những sự kiện tài chính thế giới đáng chú ý trong tuần 22-26/4

Đúng lúc hầu hết mọi người đều cho rằng việc cắt giảm lãi suất sắp diễn ra bất cứ lúc nào thì lạm phát đột ngột tăng cao và đồng USD cũng tăng buộc các ngân hàng trung ương khác phải bảo vệ đồng tiền của họ và xem xét lại các kế hoạch chính sách tiền tệ.

Dưới đây là những sự kiện tài chính toàn cầu đáng chú ý trong tuần 22-26/4:

1/ Nhật Bản xử lý mối lo ngại tiền yên mất giá mạnh

Bộ trưởng tài chính Nhật Bản, Shunichi Suzuki, muốn ngăn chặn sự mất giá của đồng yên – đã giảm xuống mức thấp nhất trong 34 năm - mà không cần phải chi bất cứ khoản nào để can thiệp.

Ông Suzuki đã tổ chức một cuộc đối thoại ba bên chưa từng có với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và người đồng cấp Hàn Quốc, kết quả là Mỹ đã thừa nhận "mối quan ngại nghiêm trọng" của hai quốc gia châu Á về sự sụt giảm mạnh giá trị các đồng tiền của họ - đồng yên và đồng won.

Những “mối lo ngại” đó cũng sẽ được nêu trong một tuyên bố của G7, tái khẳng định sự không mong muốn xảy ra biến động tiền tệ quá mức, điều mà G7 đã không làm kể từ tháng 10 năm 2022.

Các quan chức Nhật Bản vui mừng với kết quả họp như vậy, vì nếu họ can thiệp sẽ là đi ngược lại làn sóng chính sách tiền tệ chung của thế giới.

Chủ tịch Fed Jay Powell đã phát tín hiệu rằng việc cắt giảm lãi suất của Mỹ có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn dự kiến, trong khi các quan chức của Ngân hàng Nhật Bản cho biết việc tăng lãi suất trong nước sẽ cực kỳ chậm, điều này có thể được xác nhận tại cuộc họp chính sách của Nhật, bắt đầu vào ngày 25 tháng 4.

Đồng yên thấp nhất 34 năm.

2/ Châu Á chật vật khi nội tệ mất giá

Các đồng tiền châu Á đã bị đồng đô la không ngừng tác động trong gần hai năm qua và tình hình ngày càng trở nên tồi tệ hơn.

Chỉ trong một ngày, đồng rupiah của Indonesia trở về mức đáy 4 năm sau kỳ nghỉ lễ Eid al-Fitr, đồng won Hàn Quốc trượt xuống mức yếu nhất trong hơn 1 năm, đồng rupee Ấn Độ giảm xuống mức thấp kỷ lục….

Đồng đô la đang tăng giá và nền kinh tế Mỹ không bị ảnh hưởng bởi lãi suất cao, vì vậy các ngân hàng trung ương châu Á mới nổi đang trải qua một thời kỳ rất nhiều khó khăn.

Lạm phát trong khu vực ở mức hợp lý và tăng trưởng yếu đi cho thấy các nhà hoạch định chính sách châu Á có thể có lý khi cắt giảm lãi suất, nhưng việc cắt giảm lãi suất trước Fed sẽ chỉ làm tổn hại thêm đồng tiền của họ.

Ngân hàng Indonesia sẽ họp vào ngày 23-24 tháng 4 và các nhà phân tích ngày càng tin vào khả năng tăng lãi suất ở ngân hàng trung ương vốn từng được cho là một trong những ngân hàng đầu tiên trong khu vực cắt giảm lãi suất này.

Tiền tệ châu Á đồng loạt giảm giá trong năm 2024 do USD tăng mạnh.

3/ Những dấu hiệu về lạm phát 

Lạm phát dai dẳng ở Mỹ và giá dầu tăng 14% trong năm nay đồng nghĩa với việc áp lực về giá đang quay trở lại.

Vì vậy, khi dữ liệu sơ bộ về PMI trong lĩnh kinh doanh tháng 4 của các nền kinh tế toàn cầu được công bố, sự chú ý sẽ đổ dồn vào bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy lạm phát đang quay trở lại, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ.

Chỉ số PMI tháng 3 của Mỹ cho thấy thước đo mức giá mà các doanh nghiệp phải thanh toán cho chi phí đầu vào xuống mức thấp nhất trong 4 năm, trong khi lạm phát trong tháng 3 ở khu vực đồng euro đã chậm lại ở mức 2,4%.

Tuy nhiên, dữ liệu mới nhất về lạm phát của Mỹ và căng thẳng ở Trung Đông khiến giá dầu tăng cao làm lo lắng các nhà đầu tư. Một chỉ báo quan trọng về lạm phát trên thị trường khu vực đồng euro vọng đã chạm mức cao nhất kể từ tháng 12. Chỉ số PMI của khu vực đồng euro tháng 3 tăng lần đầu tiên kể từ tháng 5/2023, có thể cho thấy Eurozone đang hoạt động không quá tệ.

Lĩnh vực kinh doanh của Eurozone hồi phục chậm hơn so với các nền kinh tế lớn khác.

4/ Báo cáo thu nhập của các công ty công nghệ lớn

Kết quả kinh doanh của những ‘gã’ khổng lồ về công nghệ và những dữ liệu kinh tế quan trọng của Mỹ sắp được công bố, trong bối cảnh các nhà đầu tư phải đối mặt với sự phục hồi chao đảo của chứng khoán Mỹ và kỳ vọng rằng lãi suất của Mỹ sẽ giảm nhiều trong năm nay.

Nhà sản xuất xe điện Tesla sẽ báo cáo kết quả thu nhập vào ngày 23/4; Meta, công ty mẹ của Facebook, báo cáo vào ngày 24/4 và Alphabet, công ty mẹ của Microsoft và Google vào ngày 25/4.

Các nhà đầu tư cũng sẽ có thêm dữ liệu để xem xét tình hình lạm phát hiện nay qua số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), công bố ngày 26/4. Kết quả thăm dò của Reuters cho thấy các nhà phân tích ước tính chỉ số này tăng 0,3% trong tháng 3/2024.

Chỉ số PCE của Mỹ.

5/ Chỉ báo sức khỏe ngành ngân hàng châu Âu

Các ngân hàng châu Âu cuối cùng cũng đã thoát khỏi danh sách trì trệ, với chỉ số chứng khoán STOXX ngành ngân hàng tăng 12% từ đầu năm 2024 đến nay.

Lãi suất tăng trong năm 2023 đã mang lại cho các ngân hàng cơ hội lớn bằng cách nới rộng khoảng cách giữa số tiền họ cho vay và số tiền phải trả cho người tiết kiệm. Các nhà đầu tư sẽ xem xét kỹ lưỡng các báo cáo thu nhập hàng quý sắp công bố để đánh giá xem việc cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Trung ương Châu Âu, dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 6, sẽ gây thiệt hại tới người cho vay như thế nào.

Ngân hàng Barclays dự báo tăng trưởng thu nhập của các ngân hàng châu Âu bằng 0 vào năm 2024, sau đó tăng khiêm tốn 5% vào năm 2025.

Các ngân hàng châu Âu: BNP Paribas, Deutsche Bank và Barclays sẽ nằm trong số những ‘ông lớn’ báo cáo kết quả doanh thu trong tuần tới.

Tỷ lệ lãi suất của ECB và chỉ số chứng khoán ngân hàng của châu Âu (trừ Anh).

Tham khảo: Reuters

Bài liên quan

(0) Bình luận
Những sự kiện tài chính thế giới đáng chú ý trong tuần 22-26/4
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO