Những sự kiện tài chính đáng chú ý trong tuần 7-11/10

Vũ Ngọc Diệp | 18:11 06/10/2024

Những ngày tới sẽ có nhiều sự kiện liên quan đến chính trị và chính sách lãi suất: Dữ liệu lạm phát của Mỹ, mùa công bố kết quả kinh doanh quý III, bản kế hoạch ngân sách của Pháp, New Zealand có thể hạ mạnh lãi suất…

Những sự kiện tài chính đáng chú ý trong tuần 7-11/10

Các nhà đầu tư cũng đang lo lắng khi căng thẳng ở Trung Đông leo thang, trong khi Thủ tướng mới của Nhật Bản Shigeru Ishiba cũng đang trở thành tâm điểm chú ý.

Dưới đây là những sự kiện tài chính đáng chú ý sẽ diễn ra trong tuần 7-11/10/2024:

1/ MỘT NĂM KỂ TỪ KHI BÙNG NỔ CHIẾN TRANH Ở TRUNG ĐÔNG

Một năm sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel ngày 7/10/2023, khu vực này đang trên bờ vực của một cuộc chiến tranh lan rộng có khả năng định hình lại khu vực Trung Đông giàu dầu mỏ.

Cuộc xung đột đã làm chết hơn 42.000 người, phần lớn ở dải Gaza, và vẫn đang lan rộng. Quân đội Israel hiện đang tăng cường sự hiện diện ở nước láng giềng Lebanon, nơi có lực lượng Hezbollah do Iran hậu thuẫn. Iran đã tiến hành một cuộc tấn công bằng tên lửa quy mô lớn vào Israel vào đầu tuần qua.

Thị trường toàn cầu tiếp tục chịu tác động từ cuộc chiến tranh này. Giá dầu, tác nhân chính dẫn đến những cơn chấn động xa hơn, đã tăng khoảng 8% trong tuần vừa qua. Đà tăng giá dầu được hạn chế bởi nhu cầu yếu và nguồn cung dồi dào trên toàn cầu. Tuy nhiên, nếu xung đột giữa Iran và Israel bùng phát hơn nữa có thể sẽ thay đổi điều đó, đặc biệt là nếu Israel tấn công các cơ sở dầu mỏ của Iran, một phương án mà Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết họ đang thảo luận.

Những “vết sẹo” do chiến tranh gây ra cho nền kinh tế Israel đã hiện rõ, khi họ đã 3 lần bị hạ bậc xếp hạng nợ, bảo hiểm vỡ nợ tăng đột biến và lợi suất trái phiếu giảm. Các nhà kinh tế bắt đàu cảnh báo nguy cơ khủng hoảng và suy thoái sẽ xảy ra với nền kinh tế này nếu chiến sự tiếp diễn.

Diễn biến giá dầu mỏ.

2/ NHIỀU DỮ LIỆU KINH TẾ MỸ

Mùa báo cáo thu nhập quý III của Mỹ sắp bắt đầu, sẽ là một phép thử đối với thị trơngf chứng khoán – hiện đang ở gần mức cao kỷ lục.

JPMorgan Chase, Wells Fargo và BlackRock sẽ báo cáo kết quả thu nhập quý III vào thứ Sáu (11/10). Các kết quả khác sẽ được công bố ngay vào đầu tuần, trong đó có PepsiCo và Delta Air Lines. Theo LSEG IBES, nhìn chung các công ty nằm trong chỉ số S&P 500 dự kiến ​​sẽ tăng thu nhập trong quý III, thêm trung bình 5,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ trong tháng 9 sẽ được theo dõi chặt chẽ để tìm kiếm dấu hiệu cho thấy lạm phát đang giảm một cách bền vững.

Các nhà đầu tư đã dự đoán Mỹ sẽ tiếp tục cắt giảm mạnh lãi suất sau khi Cục Dự trữ Liên bang bắt đầu chu kỳ nới lỏng vào tháng trước.

Ở những nơi khác, các nhà đầu tư sẽ tìm cách đánh giá hậu quả đối với nền kiunh tế Mỹ do cuộc đình công của công nhân bến tàu khi các cảng Bờ Đông và Bờ Vịnh Mỹ. Các bến tàu bị đóng cửa do đình công đã mở cửa trở lại vào thứ Năm tuần qua.

Ước tính kết quả doanh thu của doanh nghiệp trong quý III.

3/ KẾ HOẠCH NGÂN SÁCH CỦA PHÁP

Chính phủ mới của Pháp sẽ trình bày kế hoạch ngân sách trước Quốc hội vào thứ Năm (10/10). Bản kế hoạch này đã được các thị trường mong đợi từ lâu. Theo kế hoạch, Chính phủ sẽ thắt lưng buộc bụng 60 tỷ euro, tương đương khoảng 2% GDP vào năm tới.

Thủ tướng Michel Barnier đã đặt mục tiêu tham vọng nhằm đưa mức thâm hụt công của Pháp xuống dưới 5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2025 từ mức 6% của năm nay, và tiếp tục giảm xuống còn 3% vào năm 2029.

Để đạt được mục tiêu này, ông kêu gọi đánh thuế bổ sung đối với các công ty lớn và rất lớn mà không ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của nước Pháp. Bên cạnh đó, tầng lớp siêu giàu của Pháp cũng sẽ là đối tượng bị áp thuế mới.

Tuy nhiên, điều quan trọng là liệu Thủ tướng Barnier có thể thông qua ngân sách hay không, trong bối cảnh Quốc hội Pháp chia rẽ khiến các nhà đầu tư nghi ngờ về thời gian tồn tại Chính phủ của ông.

Thâm hụt ngân sách của Pháp gấp đôi mức giới hạn của EU.

4/ NGÂN HÀNG TRUNG ƯƠNG NEW ZEALAND HỌP VỀ LÃI SUẤT

Ngân hàng Dự trữ New Zealand (RBNZ), đã từng miễn cưỡng tham gia vào chính sách nới lỏng tiền tệ toàn cầu, đang nhanh chóng bắt kịp trào lưu này.

Ngân hàng trung ương New Zealand sẽ họp vào ngày 9 tháng 10 và các nhà giao dịch cho rằng RBNZ có thể noi gương Fed và cắt giảm lãi suất nửa điểm phần trăm.

RBNZ đã cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản xuống còn 5,25% vào tháng 8, sớm hơn một năm so với kế hoạch chính thức.

Lãi suất của New Zealand dự kiến sẽ giảm xuống dưới 3% vào cuối năm 2025. Con số này vẫn sẽ cao hơn mức mà các nhà giao dịch cho rằng lãi suất của Mỹ và khu vực đồng euro sẽ đạt được ở thời điểm đó.

Các nhà đầu tư ngắn hạn hiện đang có quan điểm trung lập về đồng đô la New Zealand. Từ đầu năm đến nay, các quỹ đầu cơ đã mua khá nhiều đồng tiền này với hy vọng giá tăng mang lại lợi nhuận cho họ trong bối cảnh dự đoán lãi suất của nước này khi về đích có thể sẽ cao hơn so với của những nền kinh tế lớn khác. Do đó, hiện tượng giao dịch dựa trên chênh lệch lãi suất đã xảy ra đối với đồng NZD, về cơ bản là đặt cược vào việc đồng yen giảm giá trong khi NZD tăng giá vì lãi suất của New Zealand cao hơ lãi suất của Nhật Bản.

Lạm phát và lãi suất của New Zealand.

5/ CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ CỦA NHẬT BẢN.

Khi ông Shigeru Ishiba khiến thị trường bất ngờ khi giành chiến thắng trong cuộc đua trở thành thủ tướng Nhật Bản, các nhà đầu tư đã vội vã xem xét lại những nhận định về lãi suất của Nhật Bản.

Một tuần sau đó, bối cảnh có vẻ đã đổi khác, ông không chỉ thay đổi quan điểm trước đó về chính sách tiền tệ mà còn cả về chính sách tăng thuế thu nhập doanh nghiệp và thu nhập từ đầu tư vốn, trước đây không được thị trường ủnh hộ. Ông bày tỏ hy vọng Ngân hàng trung ương nước này sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, đồng thời lên kế hoạch về một gói biện pháp mới để giảm bớt tác động từ chi phí sinh hoạt tăng cao đối với các hộ gia đình, chẳng hạn như cung cấp các khoản thanh toán cho các hộ gia đình có thu nhập thấp. Các nhà phân tích cho rằng không có gì ngạc nhiên khi một người theo chủ nghĩa cứng rắn lại trở nên mềm mại, khi cuộc tổng tuyển cử ở Nhật đang đến gần (sẽ diễn ra vào ngày 27 tháng 10.

Mặc dù vậy, ông Ishiba vẫn thẳng thắn nói rằng sau cuộc họp với BOJ - nơi mà ông cam kết tôn trọng sự độc lập của họ - rằng nền kinh tế chưa sẵn sàng cho các đợt tăng lãi suất tiếp theo.

Đồng yên, vốn tăng mạnh trong thời gian gần đây, đã trượt xuống mức 147 JPY, thấp nhất trong vòng 6 tuần, vào thứ Năm tuần qua. Cổ phiếu Nhật Bản đã phục hồi sau đợt trượt dốc mạnh nhất kể từ đầu tháng 8.

Diễn biến tỷ giá đồng yen và chỉ số Nikkei 255.

Tham khảo: Reuters

Bài liên quan

(0) Bình luận
Những sự kiện tài chính đáng chú ý trong tuần 7-11/10
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO