Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đến Trung Đông, các loại tiền tệ châu Á đang tăng giá và nhà lãnh đạo mới của Đức vừa có một khởi đầu không mấy suôn sẻ cũng sẽ là những vấn đề đáng chú ý trong tuần tới.
Dưới đây là những sự kiện quan trọng sẽ diễn ra trên thế giới trong tuần 12-16/2025:
1/ CHUYẾN CÔNG DU NGOẠI GIAO LỚN ĐẦU TIÊN CỦA TỔNG THỐNG DONALD TRUMP
Chuyến công du ngoại giao lớn đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ bắt đầu vào tuần tới với chuyến công du ba nước Trung Đông, bắt đầu từ Saudi Arabia. Hai địa chỉ còn lại sẽ là Qatar và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia, ông sẽ tham dự Hội nghị thượng định vùng Vịnh - Mỹ dự kiến từ ngày 12-15/5.
Chuyến thăm sẽ đi kèm với các hội nghị đầu tư, với một loạt các vấn đề thương mại và an ninh trong chương trình nghị sự. Ông Donald Trump đã báo hiệu rằng sẽ sớm có thông báo về việc liệu Mỹ có nới lỏng các hạn chế xuất khẩu vi mạch sang một số quốc gia vùng Vịnh hay không.
Saudi Arabia cũng cho biết sẽ thảo luận về các thỏa thuận khai thác và khoáng sản.
Năng lượng cũng sẽ được đưa vào trọng tâm của chương trình nghị sự. Các nguồn tin cho biết, Washington sẽ không còn yêu cầu Saudi Arabia bình thường hóa quan hệ với Israel như một điều kiện để tiến triển trong các cuộc đàm phán hợp tác hạt nhân dân sự.
Đây sẽ là một nhượng bộ lớn của Mỹ. Đáng chú ý là chuyến đi của Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ không bao gồm điểm dừng chân tại đồng minh Israel.

Các nước cung cấp vũ khí cho Trung Đông.
2/ TÁC ĐỘNG TỪ THUẾ QUAN
Mỹ sẽ công bố một loạt dữ liệu kinh tế vào tuần tới với điểm nhấn là số liệu lạm phát và chi tiêu của người tiêu dùng – những cơ sở để các nhà hoạch định chính sách Mỹ và các nhà đầu tư đánh giá tác động của chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump đối với giá cả và tăng trưởng kinh tế.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 của Mỹ sẽ được công bố vào thứ Ba (13/5), sẽ cung cấp manh mối về xu hướng lạm phát, trong khi số liệu bán lẻ tháng 4 (công bố vào Thứ Năm, 15/5) cung cấp góc nhìn mới nhất về chi tiêu của người tiêu dùng. Doanh số bán lẻ ở Mỹ tháng 3/2025 đã tăng mạnh nhất trong hơn hai năm, khi các hộ gia đình tăng cường mua ô tô và các mặt hàng khác để tránh giá tăng do thuế quan mới.
Các nhà đầu tư đang chờ xem liệu những dữ liệu kinh tế giảm sút có gây ra suy thoái kinh tế hay không. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ hôm 4/5 đã giữ nguyên lãi suất và cho biết rủi ro về cả lạm phát và thất nghiệp đều đã tăng lên.
Các doanh nghiệp Mỹ tiếp tục báo cáo kết quả thu nhập quý I/2025, với Walmart nằm trong số những kết quả được theo dõi sát sao nhất trong tuần tới.

Lạm phát và lãi suất của Mỹ.
3/ TIỀN TỆ CHÂU Á LÊN NGÔI
Các loại tiền tệ châu Á đã hồi phục mạnh mẽ trở lại, sau nhiều năm bị lấn át bởi đồng USD. Đây sẽ tiếp tục là tâm điểm chú ý của các nhà đầu tư trong thời gian tới.
Một đợt tăng giá chưa từng có của đồng đô la Đài Loan, tăng 8% trong hai ngày giao dịch, cho thấy tiền đang chuyển vào châu Á ở quy mô lớn, thu hút sự chú ý của các ngân hàng trung ương.
Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông (Trung Quốc) đã can thiệp để duy trì tỷ giá cố định của đô la Hồng Kông so với USD.
Trong tâm trí, các nhà đầu tư vẫn luôn nghĩ rằng vấn đề cho phép nội tệ của mình mạnh lên sẽ là một phần nội dung của các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và một số quốc gia.
Đáng chú ý, phái đoàn Hàn Quốc tại Washington tuần qua đã tuyên bố rằng Bộ Tài chính nước này và Bộ Tài chính Mỹ sẽ tổ chức các cuộc thảo luận riêng về chính sách tiền tệ theo yêu cầu của Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent.

Các tiền tệ châu Á tăng giá mạnh so với USD trong hơn một tháng qua.
4/ CÁC THỎA THUẬN THƯƠNG MẠI
Anh là nước đầu tiên đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ. Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Keir Starmer hôm 8/5 đã ca ngợi thỏa thuận "đột phá", bao gồm việc giảm hoặc xóa bỏ thuế đối với các chuyến hàng ô tô, động cơ và phụ tùng máy bay, nhôm và thép của Anh, để đổi lấy việc Anh tiếp cận nhiều hơn với thị trường thịt bò và máy móc cùng nhiều mặt hàng khác của Mỹ.
Điểm mấu chốt - mức thuế 10% của Trump đối với mọi mặt hàng khác vẫn được duy trì, và đây là đối với một đồng minh trung thành có thặng dư thương mại với Mỹ, nghĩa là thỏa thuận n ày có thể không phải là tấm gương cho các nước khác.
Tác động của thuế quan đối với nền kinh tế đã tạo ra sự bất ổn đến mức các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Anh chia rẽ về chính sách tiền tệ. Do đó, dữ liệu về việc làm và tăng trưởng của Anh công bố vào tuần tới sẽ là tâm điểm chú ý của các nhà đầu tư.
Giới chức Mỹ và Trung Quốc đã gặp nhau tại Geneva (Thụy Sĩ) từ ngày 10/5 để bàn bạc vấn đề thương mại. Cuộc đàm phán này được thị trường toàn cầu theo dõi chặt chẽ bởi tầm quan trọng của hai nền kinh tế. Tuy nhiên, giới đầu tư chỉ kỳ vọng cuộc đàm phán này sẽ xoa dịu những bất đồng về thương mại có nguy cơ tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu.
Các nhà đầu tư đều quan tâm tới những đàm phán thương mại giữa Mỹ và các đối tác trong thời gian tới.

Dự kiến kinh tế Anh sẽ tăng trưởng mạnh lên vào cuối năm nay
5/ THÁCH THỨC CỦA TÂN THỦ TƯỚNG ĐỨC
Tân Thủ tướng Đức Friedrich Merz dự kiến sẽ phải đối mặt với thách thức đáng kể từ nhiều phía trong bối cảnh địa chính trị đang thay đổi, nhất là những thay đổi bất thường trong chính sách thương mại toàn cầu.
Đáng chú ý là ông phải đối mặt với những thách thức lớn khi thực hiện các kế hoạch lớn, là đưa nền kinh tế lớn nhất châu Âu thoát khỏi tình trạng khó khăn, sau khi nền kinh tế Đức đã suy thoái trong ba năm liên tiếp và đang trong tình trạng cơ sở hạ tầng yếu kém, chi phí năng lượng cao, tình trạng thiếu hụt lao động tay nghề cao và dân số già hóa. Quốc gia này đang có nhu cầu cấp thiết về đầu tư vào mọi thứ, từ quốc phòng đến cơ sở hạ tầng của đất nước.

Kinh tế Đức đang trì trệ nhất trong nhóm G7.
Tham khảo: Reuters