Theo cơ quan nghiên cứu ICRA, nhu cầu thép ở Ấn Độ dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng hai con số khoảng 11,3% trong năm tài chính 2023 sau khi tăng trưởng 11,5% trong năm tài chính 2022. Điều này đến từ việc hỗ trợ của Chính phủ Ấn Độ để xây dựng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy nền kinh tế.
Ấn Độ được gọi là cứu tinh của ngành thép thế giới bởi nhiều lý do. Đáng chú ý nhất là chi tiêu đầu tư của Chính phủ vẫn sẵn sàng tăng thêm 37% so với cùng kỳ năm trước trong năm tài chính 2023-2024. Vì lý do này, tăng trưởng về tiêu thụ thép được ICRA điều chỉnh tăng từ 6-7% lên 7-8%.
Nhiều chuyên gia thép cho rằng tiêu thụ thép ở Ấn Độ sẽ chỉ tăng do cơ sở hạ tầng tăng trưởng. Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông, ông Koushik Chatterjee - Giám đốc tài chính của Tata Steel cho biết giống như thị trường quốc tế, thép Ấn Độ cũng phải đối mặt với nhiều thách thức trong năm ngoái. Tuy nhiên, ông dự đoán rằng mức tiêu thụ từ đây sẽ chỉ có tăng.
Theo ông, một trong những yếu tố tác động lớn nhất đến ngành thép là việc Trung Quốc mở cửa. Cùng với sự ổn định gia tăng của Mỹ và những thay đổi của thị trường châu Âu, giá thép có thể đã đi qua vùng đáy và sẽ phục hồi kể từ năm nay.
Ông Chatterjee cũng đề cập rằng chúng ta sẽ thấy thị trường cân bằng hơn và ít áp lực giảm giá hơn. Các chuyên gia cũng thấy rằng thị trường dần ổn định sau xung đột giữa Nga và Ukraine xảy ra vào 1 năm trước. Thị trường châu Âu đã ổn định đáng kể cho thấy rằng điều tồi tệ nhất đối với ngành thép đã qua.
Chương trình khuyến khích liên kết sản xuất (PIL) của Chính phủ Ấn Độ cũng đã thúc đẩy ngành thép. Theo số liệu từ Bộ Thép Ấn Độ, hiện có 57 Biên bản ghi nhớ (MoU) với 27 công ty để sản xuất thép đặc chủng. Theo kế hoạch này, Chính phủ Ấn Độ đã phê duyệt hàng triệu USD để hỗ trợ ngành thép. Theo tin tức mới nhất về thép, Đề án PLI sẽ tạo ra thêm 25 triệu tấn công suất thép trong 5 năm tới.
Trong khi đó, dữ liệu mới cho thấy Nga hiện là nhà xuất khẩu thép bán thành phẩm lớn thứ hai sang Ấn Độ. Các ước tính hiện tại đặt giá trị xuất khẩu của Nga sang Ấn Độ là 52 triệu USD (giai đoạn T4/2022 - T2/2023). Điều này thể hiện mức tăng đáng kể so với năm tài chính trước đó khi sản lượng xuất khẩu bằng 0.
Theo báo cáo này của The Hindu Businessline, Nga đã thay thế Nhật Bản trở thành nhà cung cấp lớn thứ hai về thép cuộn cán nóng (HRC) và dải cho quốc gia châu Á. Trong 11 tháng của năm tài chính 23, 0,23 tấn thép HRC và thép dải đã được nhập khẩu từ Nga so với con số 0 của năm tài chính trước đó.
Báo cáo tiếp tục lưu ý rằng các lô hàng thép của Nga sang Ấn Độ trên tất cả các danh mục đã tăng hơn 500% trong cùng thời kỳ đó với 0,31 triệu tấn, điều này làm cho Nga trở thành quốc gia nhập khẩu lớn thứ tư sau Hàn Quốc (2,03 triệu tấn), Trung Quốc (1,33 triệu tấn) và Nhật Bản (0,8 triệu tấn). Trong khi đó, các lô hàng từ Việt Nam cũng tăng 300%, đạt 0,29 triệu tấn. Do sự gia tăng xuất khẩu từ Nga và Việt Nam, hai quốc gia này đã đóng vai trò thay thế Indonesia và Đài Loan trở thành nguồn cung cấp các sản phẩm thép của Ấn Độ.
Ngành thép Việt Nam 2023
Về thị trường thép trong nước, theo báo cáo mới nhất vừa được Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) công bố, trong tháng 2/2023, tình hình sản xuất, tiêu thụ thép tuy chưa khởi sắc so với cùng kỳ nhưng đã tăng trở lại so với tháng 1. Cụ thể, sản xuất thép thành phẩm đạt 2,35 triệu tấn, tăng 21,91% so với tháng 1 năm 2023, bán hàng thép các loại đạt 2,08 triệu tấn, tăng 18,13% so với tháng trước.
Tính chung trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu đạt 1 triệu tấn, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh thị trường Ấn Độ, 1 quốc gia khác cũng nổi lên như một điểm sáng của ngành thép Việt Nam. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tính riêng tháng 2, Việt Nam xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ 40.729 tấn sắt thép, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ ghi nhận 165 tấn, tăng 246 lần. Tính chung 2 tháng đầu năm, xuất khẩu thép sang Thổ Nhĩ Kỳ năm đạt 104.000 tấn, tăng gấp 512 lần so với cùng kỳ và chiếm 10% tỷ trọng xuất khẩu của toàn ngành.
Mức tăng này là do sau trận động đất lịch sử, Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường nhập khẩu hàng hóa để tái thiết đất nước, nhờ đó kim ngạch xuất khẩu sắt thép của Việt Nam sang thị trường này tăng đột biến sau 2 tháng đầu năm.