Tại hội thảo “Nhà ở cho người nước ngoài và Việt kiều” với chủ đề “Giải pháp tháo gỡ khó khăn và kết nối cung – cầu về nhà ở cho Người nước ngoài và Việt kiều”. Ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch Công ty CP Đầu tư vốn và BĐS DT24.VN, đồng thời là Chủ tịch VREC (Câu lạc bộ Bất đông sản Việt Nam) nhận định, nhu cầu sở hữu nhà ở của người nước ngoài và Việt kiều là rất lớn.
“Nhu cầu thực khoảng 4 triệu căn, mỗi căn trung bình 2-3 tỷ đồng, nếu đáp ứng được nhu cầu này, chúng ta sẽ có doanh thu cực lớn, và có như vậy mới có cơ hội lo cho nhà ở xã hội, những người có hoàn cảnh khó khăn trong nước”, ông Bảo gợi ý.
Theo ông Bảo, “Hiện nay mỗi năm lượng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam rất lớn. Theo đó, lượng nhà đầu tư cũng đến nhiều hơn. Việc làm ăn lâu dài ở Việt Nam nảy sinh họ có nhu cầu sở hữu nhà ở, căn hộ. Tuy nhiên, hiện nay việc người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam còn nhiều vướng mắc về pháp lý”.
Với giá mỗi căn hộ, nhà ở từ 2 - 20 tỷ đồng, thì với 3 triệu căn hộ bán cho Việt kiều, có thể thu về hơn 1 triệu tỷ đồng.
Ông Quốc Bảo dẫn ra số liệu khác rất đáng chú ý: “Hiện nay, có trên 10 triệu người Việt Nam ở nước ngoài (Việt kiều). Trong số này, có 3,8 triệu người đã đến tuổi nghỉ hưu. Đặc điểm của nhóm người ở tuổi này là có tích luỹ và trong số đó 3 triệu người có nhu cầu trở về Việt Nam sinh sống”.
Tuy nhiên, thủ tục mua đang là rào cản khá lớn với phân khúc khách hàng này, khiến lượng giao dịch thành công đang quá ít so với cầu thực tế. “Cần có sự hỗ trợ để mang lại sự an cư cho họ”, ông Bảo nhấn mạnh.
Đồng quan điểm với ông Nguyễn Quốc Bảo, ông Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc kinh doanh CBRE Việt Nam cũng cho biết, phía công ty CBRE Việt Nam đã thực hiện nhiều giao dịch với người nước ngoài, về nhu cầu đang rất cao tuy nhiên rất khó trong vấn đề giao dịch và pháp lý.
Với gần 5.000 giao dịch đã được CBRE Việt Nam thực hiện thì có 45% thuộc về khách hàng nước ngoài, nhu cầu đứng đầu là thuộc về khách hàng Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc, Singaporo... sau đó là châu Âu, Mỹ.
Theo ông Kiệt, bản thân phân khúc khách hàng này cũng đang có sự chuyển dịch rất rõ. Ở TP.HCM, trên 75% nhu cầu ở khu Đông. Chủng loại sản phẩm cũng thay đổi, khoảnh 5, 6 năm trước đây là nhu cầu thích sản phẩm nhỏ một phòng ngủ nhưng hiện tại, những sản phẩm 2,3 phòng ngủ lại được quan tâm nhiều.
Trong khuôn khổ hội thảo cũng diễn ra toạ đàm “Giải pháp tháo gỡ khó khăn và kết nối cung - cầu về nhà ở cho người nước ngoài và Việt kiều”. Những khó khăn, vướng mắc hiện nay đang là vấn đề pháp lý cho người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Nhiều ý kiến đề xuất, về vấn đề pháp lý này, cần phải được trình lên Quốc hội để có thể đưa vào bổ sung, sửa đổi Luật Đất đai, Luật Nhà ở để vừa bảo đảm tính pháp lý, vừa đáp ứng nhu cầu được sở hữu nhà ở của lượng lớn Việt kiều và người nước ngoài đang làm ăn, sinh sống ở Việt Nam.