Nhờ 'trợ lực' từ Campuchia, Việt Nam đang thống trị thị trường toàn cầu mặt hàng đặc biệt này: Chi hơn 1 tỷ USD nhập khẩu, nước ta ‘hốt bạc’ từ Á đến Âu

Như Quỳnh | 14:24 04/07/2024

Hiện 98% sản lượng của láng giềng đều được bán sang Việt Nam với giá cực hấp dẫn.

Nhờ 'trợ lực' từ Campuchia, Việt Nam đang thống trị thị trường toàn cầu mặt hàng đặc biệt này: Chi hơn 1 tỷ USD nhập khẩu, nước ta ‘hốt bạc’ từ Á đến Âu
Ảnh minh họa

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu hạt điều về Việt Nam trong tháng 5 đạt 234.784 tấn với trị giá hơn 272 triệu USD, giảm 22,3% về lượng và giảm 27,7% về trị giá so với tháng trước đó. Lũy kế 5 tháng đầu năm, nước ta nhập khẩu hơn 1,1 triệu tấn hạt điều với kim ngạch đạt hơn 1,4 triệu tấn, tăng 11,3% về lượng và tăng 4,4% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Đáng nói, Việt Nam trở thành "cá mập" gom mua hạt điều từ Campuchia khi chiếm hơn 98% sản lượng. Theo Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Campuchia, quốc gia này có 435.733 ha trồng điều, trong đó 330.861 ha cho thu hoạch với sản lượng đạt 508.283 tấn tính đến năm 2022. Cũng trong năm 2022, Campuchia đã xuất khẩu 471.520 tấn hạt điều thô và 1.557 tấn hạt điều nhân và thu về hơn 1,07 tỷ USD. Trong đó có tới 98,5% sản lượng điều xuất khẩu của Campuchia được bán sang Việt Nam.

c1.png

Bước sang 5 tháng đầu năm, Campuchia tiếp tục là nhà cung cấp hạt điều lớn nhất của Việt Nam. Kết thúc tháng 5, sản lượng nhập khẩu điều từ Campuchia vào nước ta đạt 759.421 tấn với trị giá hơn 971 triệu USD, tăng 39% về lượng và tăng 29% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Giá nhập khẩu bình quân đạt 1.279 USD/tấn, giảm 7% so với năm trước.

c2.png

Bên cạnh Campuchia, nước ta còn nhập khẩu hạt điều từ các thị trường khác bao gồm Ghana, Indonesia, Nilgeria, Tanzania và Bờ biển Ngà. Trong năm 2023, nước ta đã nhập từ láng giềng 644.191 tấn hạt điều với trị giá hơn 836 triệu USD, giảm 9% về lượng và giảm 23% về trị giá so với năm 2022. Như vậy có thể thấy sản lượng và kim ngạch nhập khẩu trong 5 tháng đều đã vượt qua cả năm 2023 cộng lại.

Ông Suy Kok Thean, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Campuchia cho biết, thị trường hạt điều chưa chế biến lớn nhất của Campuchia là Việt Nam. Tuy nhiên, không chỉ có các thương lái Việt Nam mà còn rất nhiều thương lái quốc tế khác cũng đã tới tìm hiểu và mua các sản phẩm từ hạt điều của Campuchia. Ông Suy Kok Thean kỳ vọng Campuchia có thể trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu hạt điều lớn trên thế giới.

Ở chiều xuất khẩu, nước ta đặt mục tiêu xuất khẩu 4 tỷ USD trong năm 2024. Việt Nam hiện đang giữ vững vị trí số 1 thế giới 16 năm liền về xuất khẩu điều nhân khi chiếm tới gần 80% tổng sản lượng toàn cầu.

Việt Nam chế biến 3,5 - 4 triệu tấn hạt điều thông qua hình thức mua nguyên liệu thô chế biến thành nhân để xuất khẩu. Điều đáng nói là 90% nguồn nguyên liệu này là nhập khẩu, dẫn đến bị động về nguồn nguyên liệu và trở thành mối lo ngại cho các doanh nghiệp. Thời gian gần đây các doanh nghiệp xuất khẩu điều lại đứng ngồi không yên vì thiếu nguyên liệu sản xuất. Đứt gãy chuỗi sản xuất nguy cơ ảnh hưởng lớn đến kim ngạch xuất khẩu năm nay của ngành điều.

Theo Hiệp hội điều Việt Nam, do phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu, tình trạng thiếu nguyên liệu cho chế biến không phải là điều hiếm gặp với ngành xuất khẩu điều tại Việt Nam. Điều này cũng đang đặt ra thách thức cho mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 4 tỷ USD của ngành điều trong năm 2024. Tìm giải pháp để phát triển bền vững cũng là một trong những ưu tiên của doanh nghiệp xuất khẩu điều trong bối cảnh hiện nay.

Các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang có tác động tích cực đối với xuất khẩu nông sản, trong đó có hạt điều chế biến sâu của Việt Nam. Theo đó, doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều sẽ được giảm thuế xuống bằng 0% nếu có sự đầu tư chế biến sâu để gia tăng giá trị.


(0) Bình luận
Nhờ 'trợ lực' từ Campuchia, Việt Nam đang thống trị thị trường toàn cầu mặt hàng đặc biệt này: Chi hơn 1 tỷ USD nhập khẩu, nước ta ‘hốt bạc’ từ Á đến Âu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO