Thị trưởng Annekathrin Hoppe của thị trấn Schwedt, Đức, đang đối mặt với viễn cảnh u ám. Nhà máy lọc dầu huyết mạch kinh tế của thành phố đứng trước nguy cơ sụp đổ, kéo theo hàng ngàn việc làm biến mất. Trong bối cảnh đó, một số ý kiến cho rằng chỉ một lượng nhỏ dầu của Nga có thể giúp cứu vãn tình hình.
Nhà máy lọc dầu PCK tại Schwedt từng vận hành nhờ nguồn dầu từ Nga qua đường ống Druzhba suốt 6 thập kỷ. Nhà máy hiện hoạt động dưới 80% công suất kể từ khi EU ngừng nhập khẩu dầu Nga vào cuối năm 2022. Dù được bù đắp một phần bằng dầu từ cảng Rostock (Đức), Gdańsk (Ba Lan) và Kazakhstan, công suất thấp cộng với chi phí cố định khiến nhà máy “chìm trong thua lỗ”, ông Danny Ruthenberg, chủ tịch công đoàn nhà máy cho biết.
Khoảng 1.000 việc làm có nguy cơ bị cắt giảm trong 2 năm tới nếu không có giải pháp hỗ trợ. Chính phủ Đức đã cam kết đảm bảo việc làm tại đây đến hết năm 2025. Nhưng đến nay, gói hỗ trợ tài chính dự kiến trị giá 400 triệu euro vẫn chưa được EU phê duyệt, khiến thành phố rơi vào thế khó.
“Tôi muốn thấy nhà máy vận hành bằng nguồn dầu không phải của Nga”, bà Hoppe nói. “Nhưng nếu không có ngân sách như đã hứa, chúng tôi buộc phải cân nhắc các lựa chọn khác”.
Châu Âu và những rạn nứt chính sách năng lượng
Tình hình tại Schwedt phản ánh thế khó của châu Âu. Sau 3 năm nỗ lực cắt đứt phụ thuộc năng lượng vào Nga, giờ đây các chính trị gia và doanh nghiệp – đặc biệt tại Đông Đức – bắt đầu đặt câu hỏi liệu có nên nối lại nguồn cung nếu thỏa thuận hòa bình Nga-Ukraine đạt được.
Tại Đức, một số nghị sĩ từ cả đảng Dân chủ Xã hội (SPD) và Liên minh Dân chủ Cơ đốc (CDU) đã đề cập khả năng hồi sinh tuyến đường ống dẫn khí đốt Nord Stream nối Đức với Nga. Tuy nhiên, Bộ Kinh tế Đức khẳng định nước này “đã độc lập với dầu Nga và không có kế hoạch đảo ngược chính sách”.
Về phía EU, các quan chức vẫn kiên định với mục tiêu chấm dứt nhập khẩu khí đốt Nga vào năm 2027. Tuy nhiên, các quốc gia như Hungary, Slovakia và Áo tiếp tục phản đối áp đặt lệnh cấm hoàn toàn và cảnh báo có thể phủ quyết các gói trừng phạt mới.
.png)
Việc khôi phục nhập khẩu dầu từ Nga phần lớn không bị ràng buộc pháp lý. Các chuyên gia pháp lý nhận định nếu có “ý chí chính trị”, các hợp đồng mới hoàn toàn có thể được ký kết nhanh chóng. Tuy nhiên, các rào cản chủ yếu đến từ sở hữu chéo. Tập đoàn năng lượng Rosneft (Nga) nẫn giữ cổ phần tại nhà máy Schwedt dù cơ sở này tạm thời thuộc quản lý của Berlin.
Bên cạnh đó, việc tái khởi động các đường ống như Nord Stream sẽ đòi hỏi EU dỡ bỏ cấm vận, Ba Lan đồng ý trung chuyển dầu Nga và Đức thúc ép Rosneft chuyển nhượng cổ phần tại Schwedt. Những điều kiện cần này hoàn toàn bất khả thi ở thời điểm hiện tại.
Nguy cơ hiệu ứng domino
Một số quan chức EU lo ngại nếu Đức “mở cửa” trở lại với năng lượng Nga, các quốc gia như Áo, Bulgaria, Cộng hòa Séc và thậm chí là Ý cũng có thể nối gót. Điều này có thể phá vỡ mặt trận thống nhất mà EU cố công xây dựng kể từ khi chiến sự Ukraine nổ ra.
Trong khi đó, Nga đang né lệnh trừng phạt bằng cách bán dầu qua đội tàu “bóng tối”, khiến quy định giá trần của phương Tây gần như mất tác dụng. Dù EU từng cam kết chi 2 tỷ euro để hỗ trợ các nước loại bỏ dầu Nga, số tiền này vẫn chưa đến tay các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu Nga, gồm Slovakia, Hungary và Schwedt.
“Chúng tôi thất vọng”, chủ tịch công đoàn Schwedt Ruthenberg nói. “Thủ tướng đã hứa nhưng chưa có gì thành hiện thực”.
Khủng hoảng năng lượng đang làm sâu sắc thêm bất đồng giữa Đông Đức và Tây Đức. Từng có quan hệ truyền thống với Nga, Đông Đức bày tỏ ủng hộ các đảng thân Nga như AfD và liên minh Sahra Wagenknecht. Tại đây, những lời kêu gọi khôi phục quan hệ kinh tế với Nga nhận được nhiều sự ủng hộ.
“Có thể thấy tâm lý thân Nga đang chi phối khu vực Đông Đức”, chuyên gia chính trị Stefan Meister nhận định.
Kinh tế châu Âu trì trệ, giá khí đốt cao và kỳ vọng về thỏa thuận hòa bình Nga-Ukraine đang làm lung lay hàng rào đối với năng lượng Nga. Nếu Schwedt – biểu tượng năng lượng Đông Đức – quay lại với dầu Nga, điều đó có thể mở ra một thời kỳ “hồi sinh” năng lượng Nga đầy tranh cãi tại châu Âu.
Tham khảo: Politico